Doanh thu quý II tăng 24%, lợi nhuận sau thuế ở mức 178 tỷ đồng, tăng 39%.
Gemadept (HoSE: GMD) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu tăng 24% lên 752 tỷ đồng, lợi nhuận gộp cũng tăng 24% lên 319 tỷ đồng.
Trong kỳ, hoạt động tài chính mang về hơn 8 tỷ doanh thu, tăng 55%. Khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết đạt gần 70 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, lãi sau thuế tăng 39% lên 178 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 142 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần tăng 19% lên 1.439 tỷ đồng, riêng hoạt động khai thác cảng chiếm 86%, tương đương 1.236 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ logistics và các hoạt động khác. Lợi nhuận sau thuế tăng 39% lên 351 tỷ đồng, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là 299 tỷ, tăng 33%.
Năm 2021, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh theo hai kịch bản tăng trưởng. Trong kịch bản lạc quan, doanh thu dự kiến đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 7% và 37%. Ở kịch bản trung bình, công ty kỳ vọng doanh thu tăng 4% lên 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, tăng 23%. Như vậy, công ty đã hoàn thành 51% chỉ tiêu doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận theo kịch bản lạc quan.
Đơn vị: tỷ đồng |
Tính đến 30/6, tổng tài sản tăng 4% lên 10.237 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn chiếm 83%. Tiền và tương đương tiền tăng 17%, đạt 499 tỷ. Khoản phải thu của công ty tăng 36% lên 1.016 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn khách hàng là 478,6 tỷ đồng. Song giá trị hàng tồn kho giảm 10% về gần 65,7 tỷ đồng.
Về đầu tư tài chính, các khoản đầu tư vào 16 công ty liên doanh, liên kết không biến động nhiều so với đầu năm, giá trị đầu tư tại cuối quý II là 2.436 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị vốn góp tại MSB đã giảm từ gần 32 tỷ xuống còn khoảng 600.000 đồng sau khi Gemadept chuyển nhượng cổ phiếu.
Trong năm nay, theo chia sẻ của lãnh đạo Gemadept, động lực chính để tăng trưởng mạnh là khối khai thác cảng. Công ty đặt mục tiêu tăng thị phần khai thác cảng từ 11% năm ngoái lên 19% năm nay và đạt 23% vào năm 2025.
Tại khu vực phía Bắc, sản lượng phục vụ trong nửa đầu năm ước đạt 500.000 teus, tăng 18% so với năm 2020. Sản lượng này tăng từ nửa quý II trở đi sau khi công ty tập trung công tác quản trị nhằm đưa khối cảng tại Hải Phòng vào top đầu khu vực. Cụm cảng Hải Phòng có 16 cảng với chiều dài 6,1 km, khu vực thượng lưu từ cầu Bạch Đằng gồm 8 cảng chiếm 25% thị phần khai thác, khu vực hạ lưu gồm 7 cảng chiếm 62% thị phần (bao gồm Nam Đình Vũ) và 13% còn lại là cảng Lạch Huyện. Với lợi thế có cầu tàu dài nhất khu vực, Nam Đình Vũ có thể đón nhiều tàu cùng lúc và đón tàu có trọng tải lớn hơn.
Tại khu vực phía Nam, trọng tâm vẫn đang là dự án cảng nước sâu Gemalink. Sản lượng tại cảng này ước đạt 300.000-320.000 teus trong nửa đầu năm và dự kiến cả năm sản lượng có thể đạt 900.000-1.100.000 teus. Với sản lượng này, doanh thu tối thiểu có thể đạt của Gemalink trong năm nay là 41 triệu USD và cảng sẽ có lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên hoạt động, tối thiểu là 1 triệu USD. Khách hàng chính của Gemalink là CMA-CGM và một số hãng tàu lớn trên thế giới.
Thảo Anh