Biên lợi nhuận gộp cải thiện, công ty mẹ Vinaconex báo lãi tăng 66% sau 6 tháng

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Bảy, 31 Tháng Bảy 2021 14:08:00

Bên cạnh thực hiện các hợp đồng xây dựng, xây lắp và đẩy mạnh triển khai các dự án bất động sản, tổng công ty Vinaconex tiếp tục tái cấu trúc, thoái vốn các đơn vị không cần nắm giữ…

cau-vinh-tuy-giai-doan-2-cong-4558-3347-

Vinaconex là một trong các nhà thầu xây cầu chính dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: VCG

Vinaconex (HoSE: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất quý II. Với riêng công ty mẹ, tổng công ty đạt doanh thu thuần 781 tỷ đồng trong quý vừa qua, nâng lũy kế 6 tháng lên 1.212 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ 2020. 

Biên lãi gộp cải thiện từ 4% lên hơn 5,7% nhờ giá vốn hàng bán giảm, công ty mẹ đạt lợi nhuận gộp 70 tỷ đồng, tăng 40% so với 6 tháng năm trước. Những con số này cho thấy sự cải thiện trong hoạt động của doanh nghiệp. Sau 6 tháng, công ty mẹ lãi sau thuế 757 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. 

Năm nay, ban điều hành định hướng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên ba trụ cột chính là Xây dựng – Bất động sản – Đầu tư tài chính. Với hoạt động xây dựng, tổng công ty tiếp tục tập trung đầu thầu các công trình có vốn ngân sách nhà nước, các công trình có vốn đầu nước ngoài mà thời gian triển khai, thu hồi vốn nhanh, các công trình xây dựng dân dụng công nghiệp vốn đã là ưu thế của tổng công ty. 

Đơn cử, Vinaconex đã được chọn là một trong các nhà thầu xây cầu chính dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, là một trong những nhà thầu xây dựng lớn nhất của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông… 

Với mảng đầu tư kinh doanh bất động sản, tổng công ty đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện và áp dụng các biện pháp đẩy mạnh công tác bán hàng tại khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC) dự án tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại số 93 Láng Hạ, Hà Nội, dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài, Quảng Ninh, khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25)... Đồng thời, tổng công ty cũng tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư vào dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các dự án có quỹ đất lớn. 

Với đầu tư tài chính, tổng công ty sẽ duy trì hoặc nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực hiệu quả như năng lượng, điện, nước, giáo dục, xuất khẩu lao động… và thoái toàn bộ vốn tại các công ty yếu kém, không có khả năng phục hồi hoặc các công ty không cần nắm giữ vốn, hoặc tỷ lệ sở hữu quá ít. 

Trong nửa đầu năm, quy mô tài sản hợp nhất của tổng công ty tiếp tục mở rộng. Tổng tài sản tăng 54% lên 30.186 tỷ đồng tại 30/6. 

Đến cuối tháng 6, tổng công ty có 2.053 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, bên cạnh quỹ đầu tư phát triển 893 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 355 tỷ đồng. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Vinaconex đạt doanh thu hợp nhất 2.360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 279 tỷ đồng và lợi nhuận thuộc về công ty mẹ 250 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 694 đồng. 

Theo giải trình báo cáo tài chính của Vinaconex, trong quý I, tổng công ty đã chuyển nhượng một phần cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 giảm tỷ lệ sở hữu từ 73% xuống 38% và ghi nhận khoản lợi nhuận 436 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Trong quý 2, Tổng công ty lại nhận chuyển nhượng một phần cổ phần đơn vị trên để nâng tỷ lệ sở hữu từ 38% lên 51%. 

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 202/2014 ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, tổng công ty phải giảm trừ khoản lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng số cổ phần tương ứng với 35% vốn điều lệ tại ND2 đã ghi nhận trong lợi nhuận do đó ảnh hưởng đến kết quả quý II, nhưng không tác động đến kết quả chung 6 tháng, khi Vinaconex vẫn ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất 279 tỷ đồng .

Thu Hằng