Với mức lãi 6 tháng 2021 tăng 86,5% so với cùng kỳ, ngân hàng SHB do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT đang chuẩn bị “nước cờ” tăng vốn khá táo bạo dành cho các cổ đông.
Ngày 30.7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2.2021, trong đó ghi nhận nhiều chỉ tiêu quan trọng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SHB đạt 3.095 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 86,5% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% so với kế hoạch cả năm.
Đáng chú ý, tổng tài sản của ngân hàng này đến hết 30.6 đạt 458.000 tỉ đồng, tăng 11% so với đầu năm và hoàn thành 99,5% kế hoạch mà đại hội đồng cổ đông đề ra.
Xét về tỷ trọng, mảng đóng góp lớn nhất cho lợi nhuận của SHB vẫn đến từ thế mạnh tín dụng. Dư nợ tính đến 30.6 đạt 323.000 tỉ đồng tăng 6,2% so với đầu năm. SHB cũng “hút” được nguồn vốn khá mạnh khi huy động được 418.000 tỉ đồng, tăng tới 12%.
Dù chủ động giảm lãi suất cho hàng chục nghìn khách hành trên doanh số 160.000 tỉ đồng, song thu nhập từ lãi của SHB trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 16.500 tỉ đồng, tăng 1.300 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Còn chi phí lãi khoảng 9.600 tỉ đồng, giảm 1.179 tỉ đồng nhờ những cải thiện tích cực trong cơ cấu huy động vốn và việc điều tiết chính sách lãi suất bám sát thị trường.
Ở chỉ số “phòng thủ” trong cơ cấu tạo ra lợi nhuận là CIR (chi phí hoạt động quản lý trên thu nhập thuần) khoảng 27,2%, giảm 7,5% so với năm 2020. Nguyên nhân là nhà băng này đã siết chặt chi phí trong bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế.
"Nút thắt" nợ xấu
Tuy nhiên, một chỉ số vẫn còn cần phải phân tích kỹ hơn đối với các rủi ro của SHB là nợ xấu. Tại ngày 30.6, tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ của SHB được kiểm soát ở 1,87%, nhưng tỷ lệ nợ xấu hợp nhất lại chạm mức 2%, tăng so với năm 2020. Lý do được thuyết minh là do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 tại hai quốc gia Lào và Campuchia, ảnh hưởng đến việc phân loại nợ của hai ngân hàng con của SHB tại các quốc gia này.
Ngưỡng 2% vẫn thấp hơn 3% so với thông lệ của thế giới, song ở khía cạnh nào đó nó cũng cho thấy việc tăng tổng tài sản, tăng dư nợ tín dụng lên thì đương nhiên cũng kèm theo các rủi ro của việc gia tăng nợ xấu.
Tất nhiên, rủi ro ở mức nào thì cần phải xét tới nguồn trích lập dự phòng để xử lý. Báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, SHB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng rủi ro đạt 2.258 tỉ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, nhà băng này đã đẩy mạnh xử lý nợ Vinashin và trái phiếu VAMC. 6 tháng đầu năm trích lập 524,4 tỉ đồng dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC. Đồng thời mua lại trước hạn và xử lý rủi ro 637,6 tỉ đồng nợ bán VAMC.
Hiện số dư trái phiếu VAMC còn phải thu hồi và trích lập dự phòng là 2.776 tỉ đồng và dự kiến trong năm 2021 SHB sẽ trích lập dự phòng rủi ro và mua toàn bộ trái phiếu VAMC trước hạn.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, SHB đã trích lập 1.105 tỉ đồng đồng dự phòng rủi ro cụ thể cho các khoản nợ của Vinashin và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro 1.073 tỉ đồng nợ đối với tập đoàn này. Đến thời điểm 30.6, dư nợ Vinashin tại SHB chỉ còn 826,6 tỉ đồng, giảm hơn 1.073 tỉ đồng so với 31.12.2020. SHB cũng dự kiến sẽ trích lập dự phòng cụ thể và xử lý toàn bộ nợ Vinashin trong năm 2021.
Tăng vốn "khủng"
Với đà tăng lợi nhuận khá mạnh mẽ này, bầu Hiển và đội ngũ lãnh đạo của SHB đang toan tính kế hoạch đẩy nhanh tiến độ tăng vốn điều lệ. Trước đó, hồi tháng 5.2021, SHB đã phát hành thành công hơn 175 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%, qua đó tăng vốn điều lệ lên mức hơn 19.260 tỉ đồng. Việc tăng vốn điều lệ này nằm trong kế hoạch phát triển của SHB và đã được thông qua tại đại hội đồng cổ đông.
Chưa dừng lại ở đó, nhà băng này cũng đã trình Ngân hàng Nhà nước để tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua, trong đó chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28.
Điểm hấp dẫn nhất trong “games” tăng vốn này là SHB chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28, giá chào bán dự kiến 12.500 đồng/cổ phiếu - chưa bằng một nửa giá hiện tại của cổ phiếu SHB trên thị trường chứng khoán (trong phiên giao dịch hôm nay SHB có giá 27.400 đồng/cổ phiếu) Điều này sẽ giúp gia tăng lợi ích cổ đông, đồng thời SHB cũng có thêm thặng dư vốn. Kế hoạch năm 2021, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng mạnh lên hơn 26.674 tỷ đồng.
Nguồn tin của Thanh Niên từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện tại toàn bộ hồ sơ trình phương án tăng vốn điều lệ của SHB đã được cơ quan này xem xét và nhiều khả năng sẽ sớm phê duyệt trong thời gian ngắn sắp tới. Bên cạnh đó, tin vui đối với cổ đông SHB là nhà băng này cũng đang chuẩn bị chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HoSE trong tuần tới.
Việc tăng vốn điều lệ lên 26.674 tỉ đồng đưa SHB vào trong tốp 10 các nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Cùng với đó, việc giao dịch tại HoSE sẽ gia tăng thanh khoản, cơ hội để SHB đẩy mạnh vị thế, hình ảnh, đặc biệt là tạo sức hút hơn đối với các cổ đông lớn là tổ chức nước ngoài.
Anh Vũ