Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần tăng 26% lên 4.876 tỷ đồng; DPM báo lãi ròng 872 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2020.
Tổng Công ty phân bón & Hóa chất Dầu khí – CTCP (mã chứng khoán DPM) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận đồng loạt tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính riêng quý 2, doanh thu thuần đạt 2.931 tỷ đồng, tăng 34% so với quý 2/2020, chi phí giá vốn lại tăng ít hơn doanh thu, chỉ gần 24%% nên dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ thu về hơn 940 tỷ đồng, vọt tăng gần 65% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 32%.
Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính của DPM đạt hơn 28 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 3 tỷ đồng xuống còn xấp xỉ 19 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay đã hơn 17 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng trong quý tăng 20% so với cùng kỳ, lên mức 162 tỷ đồng, trong khi đó chi phí QLDN lại ghi nhận giảm gần 20% xuống mức hơn 76 tỷ đồng.
Kết quả, quý 2 DPM ghi nhận đạt hơn 693 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,2 so với số lãi đạt được quý 2 năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 684 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần tăng 26% lên 4.876 tỷ đồng; DPM báo lãi ròng 872 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2020. So với kế hoạch, DPM đã thực hiện 59% mục tiêu doanh thu song đã vượt gần 140% kỳ vọng lãi cả năm. Đáng chú ý, kết quả tích cực DPM đạt được diễn ra trong bối cảnh Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng bảo dưỡng định kỳ 30 ngày trong quý 2.
Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do giá bán mặt hàng phân bón quý 2/2021 tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận tăng tương ứng. Đồng thời, việc điều chỉnh các bút toán theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng làm tăng lợi nhuận ghi nhận trong kỳ báo cáo.
Về các chỉ tiêu sản xuất, 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội trong hoạt động của DPM về cả mặt phân bón và hóa chất. Tổng sản lượng kinh doanh phân bón đạt hơn 560 nghìn tấn, hóa chất đạt gần 62 nghìn tấn, vượt kế hoạch đề ra.
Nửa cuối năm 2021, DPM đặt kế hoạch sản xuất hơn 500 ngàn tấn Đạm Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ và hơn 40 ngàn tấn hóa chất; kinh doanh hơn 550 ngàn tấn phân bón và gần 70 ngàn tấn hóa chất các loại.
Nhóm sản phẩm hóa chất của DPM chủ yếu là các loại hóa chất chuyên dụng, gồm: NH3 (ammonia), UFC 85, CO2 và hóa chất chuyên dụng dầu khí. Theo số liệu thống kê của CRU và Fertecon (các Công ty phân tích, dự báo thị trường có uy tín quốc tế), giá ammonia trên thế giới đã gia tăng mạnh mẽ do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu từ các hộ tiêu thụ lớn tiếp tục tăng lên trong những tháng đầu năm 2021.
Tháng 12/2020, giá ammonia tại khu vực Biển Đen vẫn còn giao dịch ở mức 223$/tấn thì qua năm 2021 giá ammonia đã tăng không ngừng nghỉ. Một số nhà sản xuất ammonia lớn như ToAz, Sabic, Kaltim, Ma’aden cũng tuyên bố không còn hàng để chào bán cho đến hết tháng 7/2021. Dự báo trong ngắn hạn giá ammonia vẫn neo ở mức cao.
Báo cáo tài chính DPM ghi nhận, tiền và các khoản tương đương tiền đến cuối quý 2 còn 2.627 tỷ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tăng gấp đôi so với đầu năm, lên mức 518 tỷ đồng, nhờ đó giúp tăng nguồn thu từ lãi tiền gửi.
Phương Linh