Xuất khẩu cao su đạt kim ngạch 275,4 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ và tăng 92% so tháng trước.
Sản lượng xuất khẩu tháng 6 tăng nhưng giá hạ
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 163.280 tấn, trị giá 275,4 triệu USD; lần lượt tăng 19,7% về lượng và tăng 69,6% về trị giá so cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp, sản lượng và giá trị xuất khẩu cao su đã tăng trở lại. So với tháng 5, sản lượng xuất khẩu cao su tăng 97,3% và giá trị tăng hơn 92%. Giá xuất khẩu tháng 6 đạt 1.686 USD/tấn, giảm 2,6% so với tháng 5.
Đơn vị: triệu USD |
Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu cao su đạt 714.320 tấn, tăng 48,2%; trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 88,5% so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu đạt 1.680 USD/tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cao su giữ ở mức cao trong các tháng đầu năm và có xu hướng hạ nhiệt kể từ cuối tháng 5. Tính đến 28/7, giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo ở mức 210 JPY/kg, về vùng giá thấp của thời điểm tháng 9/2020 và vẫn tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá cao su hạ nhiệt là nhu cầu tiêu thụ chậm lại của Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới và yếu tố mùa vụ. Từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6, các nhà cung cấp cao su lớn như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia… đã bước vào thời kỳ tăng sản lượng. Dù vậy, nguồn cung chưa tăng mạnh do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Nguồn: tradingeconomics.com |
Doanh nghiệp cao su đồng loạt lãi lớn
Diễn biến thuận lợi ở thị trường xuất khẩu đã thúc đẩy kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cao su. Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (HoSE: GVR) mới đây công bố doanh thu quý II tăng 72% lên 5.688 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tập đoàn cao su vẫn gấp 5,5 lần cùng kỳ năm trước lên 846 tỷ đồng. Lợi nhuận riêng mảng kinh doanh mủ cao su đạt 540 tỷ đồng, gấp 6,6 lần quý II/2020.
Doanh nghiệp cho biết giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, ổn định; doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng, giá ván một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su cũng tăng. Điều này giúp lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đại đa số các đơn vị có vốn góp tập đoàn đều cải thiện so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu sản xuất và kinh doanh mủ cao su chiếm tỷ trọng lớn nhất 58% với 3.297 tỷ đồng, tăng 94% cùng kỳ năm trước. Doanh thu chế biến gỗ lớn thứ 1 với 1.084 tỷ đồng, tăng 69%; doanh thu các sản phẩm từ cao su cũng tăng 86% lên 880 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần tập đoàn đạt 10.537 tỷ đồng, tăng 77%; lãi sau thuế 1.664 tỷ đồng, tăng 165%. Doanh nghiệp đã thực hiện 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) cho biết sản lượng tiêu thụ trong quý II đạt 2.431 tấn, tăng 35%; giá bán bình quân 45,9 triệu đồng/tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, doanh thu thuần tăng 11% lên 218 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 32 tỷ đồng, tăng 23%. Lũy kế nửa đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 420 tỷ đồng, tăng 41%; lãi sau thuế 86 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.
Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) báo cáo doanh thu quý vừa qua đạt 199 tỷ đồng, gấp 2,4 lần; lãi sau thuế 84 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm, doanh thu đạt 376 tỷ đồng, gấp 2,7 lần; lãi sau thuế gấp 3,8 lần lên 121 tỷ đồng. Sản lượng và giá bán tăng là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp.
Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRG) thông tin giá bán cao su bình quân quý II của công ty mẹ đạt 39,9 triệu đồng/tấn, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước; giá bán của công ty con tại Lào đạt 1.797 USD/tấn, tăng 48%. Nhờ đó, doanh nghiệp có lãi ròng 32 tỷ đồng quý II, cùng kỳ năm trước lỗ 26 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm lãi 58 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 20 tỷ cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI) cũng chuyển từ lỗ 26 tỷ cùng kỳ năm trước sang lãi 33 tỷ quý này. Sản lượng trong kỳ tuy giảm gần 14% xuống 2.746 tấn nhưng giá bán mủ bình quân tăng 48% lên 1.799 USD/tấn. Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp lãi 50 tỷ đồng thay vì lỗ 22 tỷ như cùng kỳ năm trước.
Theo BCTC hợp nhất quý II, Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) cho biết doanh thu tăng 64% lên 451 tỷ đồng, song lợi nhuận gộp giảm 23% về 67 tỷ đồng. Nguyên nhân là do cùng kỳ năm trước đơn vị có khoản doanh thu ghi nhận 1 lần đối với hoạt động cho thuê khu công nghiệp. Trong khi hoạt động kinh doanh mủ cao su khởi sắc tại công ty mẹ, doanh thu tăng 142% lên 349 tỷ đồng; lãi gộp gấp 3,6 lần lên 32 tỷ đồng. Đồng thời, hụt thu từ đền bù đất dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 đến 300 tỷ đồng khiến lợi nhuận PHR giảm sâu 77% xuống 76 tỷ đồng.
Cao su Tây Ninh (HoSE: TNC) cũng giảm lãi quý II do hụt thu cổ tức được chia và thanh lý cây cao su. Hoạt động kinh doanh chính có lãi gộp 1,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ.
* Lợi nhuận riêng mảng kinh doanh mủ cao su. Đơn vị: tỷ đồng |
Ngọc Điểm