Dự báo, ngành bia sẽ phải mất khoảng 2 năm để phục hồi về mức trước Covid-19 và Nghị định 100.
Chưa kịp “hồi sức” sau năm 2020 đầy sóng gió, nhóm cổ phiếu (CP) ngành bia tiếp tục chịu áp lực từ sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2020.
Đại gia lao đao
Năm 2020 được cho là năm kinh doanh gian nan nhất của ngành sản xuất bia trong khoảng 20 năm trở lại đây, do chịu tác động cùng lúc 3 khó khăn khách quan: đại dịch, luật phòng chống tác động rượu bia (Nghị định 100) và thiên tai. Cả 3 yếu tố này khiến doanh thu thuần trong năm 2020 của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Đơn cử là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) với doanh thu thuần giảm đến 26,2%, đạt 27.961 tỷ đồng.
Theo SAB, trong số các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nhu cầu bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn cả bởi Covid-19 kéo dài trong 3 quý đầu của năm 2020, tương ứng giảm lần lượt 3,6%, 22,9% và 11,9%. Điều này tác động làm giảm sâu lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt với SAB, công ty bia lớn nhất Việt Nam với 26 nhà máy có tổng công suất trên 2 tỷ lít/năm.
Một đại gia khác là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN) cũng ghi nhận mức sụt giảm doanh thu lên đến 1.900 tỷ đồng, xuống còn 7.514 tỷ đồng.
Doanh thu của các đại gia bia hàng đầu cả nước sụt giảm kéo theo hệ sinh thái ngành bị ảnh hưởng theo. Đơn cử là CTCP Bia Sài Gòn - Bình Tây (Sabibeco), một trong những đơn vị gia công khối lượng lớn sản phẩm cho SAB. Trong năm 2020, sản lượng bia gia công mà SAB giao cho Sabibeco sau nhiều đợt điều chỉnh kế hoạch đã giảm từ 218 triệu lít xuống còn 169 triệu lít. Tuy nhiên, sản lượng giao hàng thực tế chỉ đạt 88,5% kế hoạch (149 triệu lít), tương đương 70% so với năm 2019.
Tổng doanh thu của Sabibeco giảm mạnh từ 2.873 tỷ đồng xuống còn 2.008 tỷ đồng (giảm 30%), biên lợi nhuận gộp giảm chỉ còn 7%. Dù chi phí hoạt động được cắt giảm, nhưng phần lỗ trong công ty liên doanh/liên kết tăng gần gấp 3, lên 39 tỷ đồng khiến cho Sabibeco lỗ thuần 100 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ khi đạt đỉnh 247 tỷ đồng năm 2015, lợi nhuận của Sabibeco lao dốc và dự báo sẽ giảm mạnh hơn nữa sau khi khách hàng số 1 là SAB về tay chủ mới.
Niềm vui ngắn ngủi
Kể từ khi về tay người Thái, SAB đã đẩy mạnh chính sách cắt giảm chi phí doanh nghiệp. Nhờ chủ động cắt giảm chi phí kinh doanh và tăng giá bán một số mặt hàng chủ đạo lên 2% trong nửa đầu năm, đã giúp lợi nhuận sau thuế của SAB chỉ giảm 8,1%, đạt 4.937 tỷ đồng.
Ngoài chính sách cắt giảm chi phí, SAB gặp may mắn khi giá nguyên liệu sản xuất bia (đại mạch, nhôm, hoa bia) bất ngờ xuống thấp trong quý IV-2020 do đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới.
Kết quả khả quan trong quý cuối cùng của năm 2020 tiếp tục được duy trì đến quý I năm nay, với doanh thu tăng 19,4% đạt 5.893 tỷ đồng. Với con số này, tính ra mỗi ngày trong quý I, doanh thu bán ra của SAB đạt xấp xỉ 65 tỷ đồng. Sự cải thiện đáng kể về mặt doanh thu đã giúp cho SAB lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý I.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 1.231 tỷ đồng, tăng 30% so với lợi nhuận cùng kỳ 2020 là 945 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu của BHN cũng tăng mạnh 78% trong quý I, đạt 1.375 tỷ đồng, biên lãi gộp được cải thiện từ 19% lên trên 24%. Doanh thu tăng mạnh đã giúp cho BHN ghi nhận lợi nhuận lên đến 47,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 98 tỷ đồng.
Theo báo cáo quý I của Kantar Worldpanel, hầu hết các ngành hàng tiêu dùng đều ghi nhận tăng trưởng âm trong quý I, ngoại trừ mặt hàng bia. Nguyên nhân là do quý I-2020 tăng trưởng đột biến của thị trường FMCG, do tâm lý tích trữ hàng khi đại dịch bắt đầu. Đà hồi phục của thị trường bia kéo dài tới tháng 4, giúp sản lượng sản xuất bia 4 tháng đầu năm 2021 đạt 341 triệu lít (tăng 37%).
Khó khăn tiếp nối khó khăn
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4-2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại đã đẩy các doanh nghiệp bia vào tình thế khó khăn hơn rất nhiều. Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh lần này nguy hiểm và phức tạp, nên biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện trên quy mô lớn và thời gian kéo dài hơn rất nhiểu so với năm ngoái.
Chính sách giãn cách kéo theo sự ngừng trệ của các lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, vũ trường, quán bar... Bên cạnh đó, tác động Covid-19 khiến thu nhập người lao động giảm sút, sức chống chịu của người dân sẽ làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng bia rượu, từ đó khiến lợi nhuận khó tăng trưởng được như quý đầu năm.
Theo CTCK Phú Hưng (PHS), tác động tiêu cực của dịch Covid-19 có độ trễ nhất định đến thu nhập của người dân và nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống. Đáng chú ý là xu hướng của người tiêu dùng cũng thay đổi trong đại dịch.
Theo đó, người tiêu dùng sẽ tập trung vào những sản phẩm thiết yếu tốt cho sức khỏe như nước ép hoa quả hay sữa thay cho đồ uống có cồn, để tăng sức đề kháng trước dịch còn nguy hiểm và phức tạp. Dự báo, ngành bia sẽ phải mất khoảng 2 năm để phục hồi về mức trước Covid-19 và Nghị định 100.
Những điều này gây áp lực lên doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp ngành bia năm 2021, dù mùa nắng nóng đang đến, từ đó ảnh hưởng đến diễn biến giá CP. Thực tế, ngay khi đợt Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, nhóm CP bia đã nhanh chóng hạ nhiệt trước những lo ngại của NĐT về sản lượng tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đơn cử là SAB từ 180.000 đồng/CP trong tháng 4 giảm xuống 150.000 đồng trong tháng 5. Nếu so với mức giá đầu năm là hơn 190.000 đồng/CP, thì mức sụt giảm do tác động của dịch bệnh của SAB lên đến 20%.
Tương tự, BHN thời điểm đầu năm còn giao dịch ở mức giá gần 80.000 đồng/CP, nay giảm xuống chỉ còn hơn 50.000 đồng/CP (tương đương 37%).
Ở hiện tại, dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý II, nhưng theo dự báo, các doanh nghiệp bia sẽ chứng kiến sụt giảm về doanh thu. Mức sụt giảm thậm chí còn lớn hơn trong quý III trước tình hình dịch bệnh và toàn bộ các tỉnh phía Nam áp dụng Chỉ thị 16.
Dù kế hoạch kinh doanh năm 2021 được các doanh nghiệp bia xây dựng ở mức thận trọng, nhưng khả năng về đích cũng là vấn đề cực kỳ nan giải nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Kim Giang