Họp ĐHĐCĐ ACV: Nhiều vướng mắc thể chế đã được giải quyết, lãi nửa đầu năm giảm 38%

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 27 Tháng Bảy 2021 11:04:00

ACV lên kế hoạch tổng doanh thu 2021 đạt 10.654 tỷ đồng, lợi nhuận 2.359 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 18% so với thực hiện 2020.

Kế hoạch lãi 2021 tăng 18%

Sáng ngày 27/7, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 theo phương thức trực tuyến.

acv-dai-hoi1.png

ACV tổ chức họp trực tuyến sáng ngày 27/7. Ảnh: Chụp màn hình

Tại đại hội, Tổng giám đốc Vũ Thế Phiệt báo cáo năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, ngành hàng không chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều cảng hàng không trên thế giới rơi vào cảnh khó khăn, phá sản. Sản lượng vận chuyển toàn mạng của ACV giảm 44% xuống 65 triệu người, thực hiện 94% kế hoạch năm. Lượng khách quốc tế giảm 82% về mức 7,4 triệu người, thực hiện 54% kế hoạch. Lượng khách nội địa 57,8 triệu người, giảm 22% so với năm 2019 và vượt 4% kế hoạch năm.

Theo đó, ACV ghi nhận 10.159 tỷ đồng tổng doanh thu và 1.642 tỷ đồng lãi sau thuế, tương đương 49% và 20% thực hiện năm 2019; lần lượt thực hiện 90% và vượt 9% kế hoạch năm. Lãi sau thuế giảm ít hơn doanh thu nhờ các giải pháp tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành.

Điểm sáng là rất nhiều vướng mắc thể chế quan trọng của ACV đã được xem xét giải quyết trong năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2007 giao ACV quản lý khai thác khu bay, giai đoạn đầu không hình thành vốn Nhà nước và sau đó dần dần định giá để đưa vào phần vốn ACV. Tiếp theo là Nghị định 05/2021/NĐ-CP ngày 5/1/2021 đảm bảo quyền và trách nhiệm doanh nghiệp cảng trong đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng tại cảng hàng không. ACV đã có quyền đầu tư tại các cảng hàng không, nếu ACV không đủ khả năng làm thì mới kêu gọi nhà đầu tư khác.

Tổng giám đốc ACV nhấn mạnh đây là những tháo gỡ về mặt thể chế rất có ý nghĩa với tổng công ty, các vướng mắc này đều gây ra nhiều tranh cãi kể từ cổ phần hóa.

acv-dai-hoi-2591-1627356363.png

Tổng giám đốc ACV báo cáo tại đại hội. Ảnh: Chụp màn hình

Với năm 2021, lãnh đạo ACV đánh giá từ đầu năm, dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp trên toàn cầu và Việt Nam đang chịu tác động tác động trước làn sóng Covid-19 thứ 4. Thị trường hàng không diễn biến bất thường, khó dự báo và việc phục hồi thị trường phụ thường hoàn toàn vào kiểm soát dịch bệnh trong nước và thế giới. Quý III sẽ là thời gian tập trung kiểm soát dịch bệnh tạo nền tảng tăng trưởng trong quý IV.

Ông Phiệt nhận định thị trường hàng không sẽ phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát với nhiều chính sách hỗ trợ, kết nối giao thương, kích cầu phát triển du lịch. Sau chiến lược vaccine của Mỹ và châu Âu được thực hiện thì tỷ lệ khách hàng không quay lại đã tương đương với năm 2019. ACV luôn chuẩn bị trạng thái tốt nhất để phục vụ khi dịch được kiểm soát, các cảng được cấp giấy chứng nhận Airport Health Accreditation (AHA) tạo niềm tin cho khách hàng và thuận lợi mở lại đường bay quốc tế. 

Trên cơ sở dự báo tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát trong tháng 8 và các đường bay quốc tế phục hồi dần từ cuối quý III, ACV dự kiến tổng sản lượng lượng hàng khách khoảng 75-79 triệu khách, tăng 19%; tổng hàng hóa – bưu kiện tăng 11% lên 1,45 triệu tấn và số lượt cất hạ cánh tăng 22% lên 557.000 lượt. Qua đó, tổng doanh thu dự kiến đạt 10.654 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 2.359 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 18% so với thực hiện năm 2020. 

Giải ngân đầu tư gần 5.000 tỷ đồng năm 2021

Về hoạt động đầu tư, năm 2020, tổng công ty đã giải ngân 2.551 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch năm. Kế hoạch giải ngân trong năm 2021 là 4.996 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà gia T2 và hạ tầng đồng bộ - cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nhà ga T2 – cảng hàng không quốc tế Phú Bài;, nhà ga hàng hóa cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), đầu tư xây dựng cảng hàng không Điện Biên.

Cụ thể, dự án nhà ga hành khách T3 – cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến quý IV có thể triển khai. Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã được phê duyệt đầu tư. ACV được giao làm chủ đầu tư dự án thành phân 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không với tổng mức đầu tư 99.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào đầu năm. Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – cảng hàng không quốc tế Phú Bài đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác vào quý III/2022. Dự án mở rộng sân đỗ máy bay (GĐ 1) – cảng hàng không quốc tế Phú Bìa cũng đã khởi công từ cuối năm trước và dự kiến hoàn thành vào quý III.

Tính đến cuối năm 2020, tổng công ty có khoản lợi nhuận chưa phân phối 8.542 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết đang chờ ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phương án phối lợi nhuận còn lại và chia cổ tức.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về phương án chia cổ tức, phân phối lợi nhuận sau thuế các năm 2019, 2020 và giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý với chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của ACV để đầu tư tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Việc này nhằm tạo điều kiện cho ACV có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đã được nhà nước giao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Đại hội thảo thuận:

Nửa đầu năm lãi giảm 38%, niêm yết HoSE vẫn chờ được bàn giao quản lý khu bay

Xin cập nhật kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm? Nếu tách biệt riêng hoạt động khu bay thì kết quả của ACV ra sao?

Ông Vũ Thế Phiệt: Quý II, doanh thu không bao gồm khu bay 1.239 tỷ đồng, có thêm khu bay là 333 tỷ. Lợi nhuận trước thuế 405 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 173 tỷ đồng. Do quý II năm trước diễn biến dịch phức tạp, cả nước phải lockdown. Quý II năm nay, trong tháng 4 và 5 là thời điểm dịch bệnh ít ảnh hưởng, trước 30/4 và 1/5 sản lượng tăng cao.

Lũy kế 6 tháng, sản lượng khách 26,6 triệu, giảm 21% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu 4.519 tỷ đồng, doanh thu tài chính 1.749 tỷ. Lợi nhuận trước thuế 1.228 tỷ đồng, giảm 38,3% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế không bao gồm lợi nhuận tài chính âm khoảng 400 tỷ đồng.

Cập nhật về tiến độ xây dựng sân bay Long Thành và nguồn vốn huy động để đầu tư?

Ông Vũ Thế Phiệt: Sân bay Long Thành có tổng đầu tư khoảng 99.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp chuẩn bị nguồn tiền 36.000 tỷ đồng vốn tự có, số tiền còn lại huy động từ các tổ chức tài chính. Tổng công ty đã làm việc với các tổ chức tài chính và hạn mức vay có thể đạt 6 tỷ USD (138.000 tỷ đồng). Riêng Vietcombank và ACB cam kết cho ACV vay khoảng 2 tỷ USD. ACV sẽ đàm phán với các tổ chức để vay bằng USD do có nguồn thu ngoại tệ, lãi suất không vượt báo cáo khả thi khoảng 5%.

ACV đã có số tiền tích lũy cho giai đoạn đầu, giải ngân nhiều nhất vào 2023-2024 nên là thời điểm phải vay thêm vào khoảng cuối 2022. ACV đã chọn được nhà thầu tư vấn, kỹ thuật, tiếp theo sẽ làm tổng dự toán các hạng mục, đặc biệt là nhà ga để tiến hành vay.

Một điểm nữa là ngày 19/7 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã quyết định ủng hộ ACV giữ lại lợi nhuận để đầu tư. Điều này sẽ giúp ACV hạn chế khoản tiền phải vay thêm để đầu tư.

Chia sẻ liên quan đến thủ tục niêm yết HoSE?

Ông Vũ Thế Phiệt: Hiện nay, BCTC kiểm toán của ACV vẫn còn ý kiến kiểm toán liên quan đến tài sản khu bay sau cổ phần hóa. Chính phủ đã ban hàng Quyết định 2007 giao ACV quản lý khai thác tài sản khu bay. Tổng công ty đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải phân định rõ phần tài sản này để quyết toán cổ phần hóa thì mới đủ điều kiện niêm yết HoSE.

Theo Quyết định 2007, doanh thu và chi phí tài sản khu bay đưa vào BCTC, nhưng lợi nhuận được tách ra nộp vào ngân sách nhà nước. Trong quá trình triển khai Quyết định 2007, Bộ Giao thông Vận tải chưa ban hành quyết định bàn giao nên chưa đưa vào BCTC quý II và kỳ vọng đến BCTC quý III có thể thể hiện.

Ngọc Điểm