Nhóm cổ đông Thaco đã bán ra toàn bộ số cổ phần nắm giữ tại Công ty cổ phần Hùng Vương (mã HVG) sau hơn một năm tham gia giải cứu doanh nghiệp này.
Thaco rút lui sau 1,5 năm đầu tư
Đầu tháng 7 này, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trân Oanh và ông Trần Bá Dương đã đồng loạt bán ra 8,6 triệu cổ phiếu (tương 3,79% vốn) và 11,3 triệu cổ phiếu (tương đương 4,96% vốn) HVG.
Hồi đầu tháng 4/2021, ông Nguyễn Phúc Thịnh, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương và là người liên quan của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã bán ra hơn 36,6 triệu cổ phiếu HVG, để giảm sở hữu từ 38,6 triệu cổ phiếu (17,01% vốn) về còn 2 triệu cổ phiếu (0,88% vốn). Trước đó, từ ngày 4/12-11/12/2020, Thaco đã bán ra 31,36 triệu cổ phiếu HVG để giảm sở hữu từ 13,81% về còn 0%.
Như vậy, các cá nhân và tổ chức liên quan tới Thaco đã thoái gần hết số cổ phần nắm giữ tại Thủy sản Hùng Vương. Đây có thể xem là dấu hiệu rút lui của nhóm cổ đông Thaco khỏi HVG sau hơn một năm tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp.
Còn nhớ, hồi tháng 1/2020, Thaco (thông qua công ty con Thadi) và Thủy sản Hùng Vương đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn tại Thủy sản Hùng Vương và góp 65% vốn vào liên doanh sản xuất heo giống với công ty này. Liên doanh này có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2020, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương chia sẻ: “Qua việc hợp tác với Thadi, chúng tôi sẽ thay đổi cuộc chơi. Từ chỗ Thủy sản Hùng Vương nắm đàn heo thì Thadi sẽ nắm đàn heo, vì vấn đề thiếu sót của Thủy sản Hùng Vương nằm ở chỗ xây dựng chuồng trại. Lộ trình Thủy sản Hùng Vương - Thadi dự kiến là tới tháng 6/2020, có chuồng trại cho 18.000 con, kế hoạch tăng đàn năm 2020 dự kiến lên đến 30.000 - 45.000 con”.
Đại hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc “chuyển nhượng 65% vốn góp tại các công ty thuộc mảng kinh doanh thức ăn gia súc, chăn nuôi heo giống cho Công ty cổ phần Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi”; đồng thời, thông qua phương án phát hành riêng lẻ cho Tập đoàn Thaco Group và các bên liên quan 20 triệu cổ phần, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị 200 tỷ đồng.
Thủy sản Hùng Vương “lặn sâu”
Thủy sản Hùng Vương vốn là doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành thủy sản, được mệnh danh là “vua cá tra”. Báo cáo thường niên 2019 của Công ty cho biết, Công ty có 24 công ty thành viên, tạo thành hệ thống khép kín từ sản xuất giống, thức ăn thủy sản, chế biến, kho lạnh và xuất khẩu.
Thời điểm Thaco tham gia đầu tư vào Thủy sản Hùng Vương, Công ty đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Tại ngày 31/12/2019, doanh nghiệp có khoản lỗ lũy kế lên tới 1.742,9 tỷ đồng trên quy mô vốn điều lệ 2.270,4 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn 658,6 tỷ đồng. Công ty có tổng nợ ngắn hạn là 6.951,4 tỷ đồng, vượt tài sản ngắn hạn 1.432,5 tỷ đồng. Trong đó, có tới 2.792,7 tỷ đồng là vay ngắn hạn tại các ngân hàng.
Áp lực trả nợ vay lớn trong khi lượng tiền mặt chỉ có 75,5 tỷ đồng, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu của khách hàng. Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là 3.628,8 tỷ đồng, chiếm 46,6% tổng tài sản.
Trong báo cáo kiểm toán năm 2019 (niên độ kế toán 1/10/2018-30/9/2019), kiểm toán viên đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Bản thân ông Dương Ngọc Minh chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2020 của Thủy sản Hùng Vương: “Khó khăn tài chính 3 năm liền của Hùng Vương vấp phải là do chậm vốn từ ngân hàng”.
Do vậy, khi nhóm cổ đông liên quan đến Thaco (vốn có tiềm lực tài chính mạnh) tham gia vào Thủy sản Hùng Vương, giới đầu tư kỳ vọng, Công ty sẽ được bơm thêm vốn, đưa ra khỏi vũng lầy khó khăn. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó khiến niềm tin này dần mai một.
Cổ phiếu HVG đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE từ ngày 5/8/2020. Nguyên nhân là Thủy sản Hùng Vương đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Hồi giữa tháng 4/2020, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có công văn nhắc nhở Thủy sản Hùng Vương về việc chậm công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020. Tuy vậy, đến giữa tháng 5/2020, công ty này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ và HOSE đã có công văn nhắc nhở tới lần thứ 3.
Theo giải trình của Thủy sản Hùng Vương, việc Công ty chậm nộp các báo cáo tài chính vì số lượng nhân sự kế toán và thống kê của Công ty đang thiếu hụt do một số đã nghỉ hoặc chuyển công tác qua các công ty mới trong thời gian cách ly xã hội từ tháng 4/2020, cùng một số nguyên nhân khác làm gián đoạn việc cung cấp số liệu cho công tác hợp nhất báo cáo tài chính.
Từ khi cổ phiếu xuống giao dịch ở sàn UPCoM thì Thủy sản Hùng Vương không cập nhật thêm một thông tin nào về tình hình hoạt động cũng như thông tin tài chính. Ngày 9/10/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu HVG vào danh sách hạn chế giao dịch do chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020.
Như vậy, báo cáo tài chính gần nhất của Thủy sản Hùng Vương nhà đầu tư có thể tiếp cập là báo cáo tài chính quý I/2020 (kỳ kế toán từ ngày 1/10/2019 đến ngày 31/12/2019), trước thời điểm Thaco tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp.
Việc nhà đầu tư hoàn toàn tù mù về tình hình hoạt động của HVG đã đẩy giá cổ phiếu trượt dài, từ vùng 8.600 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2020 xuống còn 2.100 đồng/cổ phiếu tại ngày 23/7/2021, tức giảm tới 75,6% so với thời điểm thông tin Thaco giải cứu Thủy sản Hùng Vương được đưa ra. Nhiều phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu HVG không có thanh khoản hoặc thanh khoản rất thấp.
Sự im lặng kéo dài của HVG và việc cổ đông chiến lược dứt áo ra đi khi giá trị thị trường của cổ phiếu xuống thấp là chỉ báo cho thấy kế hoạch giải cứu HVG bất thành. Khó khăn của Công ty chắc chắn vẫn còn đó, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn trước.
Vũ Duy Bắc