Từ vị thế doanh nghiệp sản xuất rượu lớn nhất tại Việt Nam với thương hiệu Vodka Hà Nội, tình hình kinh doanh của Halico ngày càng đi xuống, kinh doanh thua lỗ triền miên.
Thua lỗ triền miên
Báo cáo tài chính quý II/2021 của Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) tiếp tục cho thấy kết quả kinh doanh kém khả quan, với quý thua lỗ thứ 13 liên tiếp.
Cụ thể, trong quý này, Halico đạt 17,2 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp lỗ 2,5 tỷ đồng, so với con số lãi 2,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Halico ghi nhận 58,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2020, nhưng lợi nhuận sau thuế lỗ 13,4 tỷ đồng. Qua đó, nâng khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán lên 457,9 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần vốn điều lệ (200 tỷ đồng).
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4/2021, cổ đông của Halico đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với 114,62 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ trước thuế 30,19 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, Công ty đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và và 44% “kế hoạch lỗ” đề ra.
Tương lai u ám
Halico từng là một trong những doanh nghiệp sản xuất rượu lớn nhất tại Việt Nam với thương hiệu Vodka Hà Nội một thời chiếm thị phần lớn trên thị trường rượu, nhất là tại khu vực phía Bắc. Năm 2011, Halico từng được Diageo (một trong những nhà sản xuất rượu lớn nhất thế giới) chi 1.800 tỷ đồng để sở hữu 45,57% cổ phần. Tuy vậy, trái ngược với kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau khi có cổ đông nước ngoài hỗ trợ, kết quả kinh doanh của Halico lại đi xuống và liên tục thua lỗ suốt từ năm 2014 đến nay.
Bước sang năm 2021, triển vọng kinh doanh của Công ty không mấy khả quan. Sản phẩm của Halico không có nhiều đổi mới, trong khi thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng rượu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh, bao bì. Trong khi đó, Công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất rượu trong và ngoài nước với nhiều thương hiệu và mẫu mã mới hấp dẫn người tiêu dùng.
Sản lượng tiêu thụ thấp, nhà máy chưa phát huy được hết công suất, khiến chi phí khấu hao lớn, kéo giảm biên lợi nhuận gộp.
Tính đến cuối quý II/2021, giá trị hàng tồn kho của Halico có giá trị 81,9 tỷ đồng, nhưng đã phải trích lập dự phòng 13,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 17,2%. Trong số này, giá trị tồn kho nguyên vật liệu là 39,3 tỷ đồng, thì đã trích lập dự phòng đến 12,26 tỷ đồng (tỷ lệ 31,1%). Trích lập dự phòng tăng cũng là nguyên nhân khiến giá vốn vượt doanh thu và Công ty phải báo lỗ trong quý vừa qua. Đối với khoản phải thu ngắn hạn có giá trị 19,56 tỷ đồng, Công ty cũng đã phải trích lập 10,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 50%.
Điểm tích cực với Halico là cấu trúc tài chính khá tốt với việc không dùng đến nợ vay. Các khoản nợ phải trả đến cuối quý II/2021 chỉ 26,3 tỷ đồng, chiếm 6,9% cơ cấu nguồn vốn. Dù đang lỗ lũy kế, nhưng vốn chủ sở hữu vẫn là nguồn vốn kinh doanh chính của Công ty nhờ quỹ đầu tư phát triển lớn tích lũy từ giai đoạn trước. Tuy vậy, nếu tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài và ăn dần vào vốn chủ sở hữu, thì cũng đến ngày nguồn dự trữ này bị dùng hết.
Tuy vậy, với quy mô tổng tài sản, nguồn vốn chỉ 388 tỷ đồng, có thể thấy, nguồn lực tài chính của khá nhỏ nếu so sánh với các “ông lớn” sản xuất bia, rượu trong ngành hiện nay. Tính đến cuối quý II/2021, khoản mục tài sản cố định hữu hình của Halico có nguyên giá là 740,8 tỷ đồng, thì giá trị khấu hao đã chiếm tới 82,2%. Giá trị tài sản đã khấu hao hết, nhưng vẫn còn sử dụng là 336,4 tỷ đồng, cho thấy nhiều máy móc, thiết bị của Công ty đã khá cũ kỹ.
Trong báo cáo kiểm toán năm 2020, Công ty TNHH PwC (Việt Nam) đã nêu ý kiến ngoại trừ với giá trị xây dựng cơ bản dở dang 1,386 tỷ đồng liên quan đến Dự án dây chuyền sản xuất cồn khô bị dừng hoạt động từ năm 2012 và hiện tại, Halico không có kế hoạch và cũng không cho rằng, dự án này có thể tiếp tục đâu tư. Nếu ghi nhận giảm giá trị chi phí xây dựng dở dang của dự án này, lỗ lũy kế sẽ tăng thêm 1,386 tỷ đồng.
V.L