Kế hoạch kinh doanh 2021 của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 tăng trưởng khá khiêm tốn trong bối cảnh dịch bệnh, trong khi chi phí đầu vào tăng.
Kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 6/2021, Hội đồng Quản trị CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Xi măng Hà Tiên 1) đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 7,51 triệu tấn xi măng và clinker, tăng 4,2% so với thực hiện năm 2020; doanh thu thuần và thu nhập khác đạt 8.079 tỷ đồng, tăng 1,3%; lợi nhuận trước thuế 815 tỷ đồng, tăng 6,27%.
Đây được đánh giá là kế hoạch khá khiêm tốn trong bối cảnh năm 2020, doanh thu giảm 9,9%, xuất khẩu giảm 54,95% và lợi nhuận sau thuế giảm 17,9% so với năm 2019. Với kế hoạch kinh doanh năm nay, giả sử hoàn thành mục tiêu đề ra, thì lợi nhuận của Xi măng Hà Tiên 1 vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2019.
Về tình hình kinh doanh năm nay, Hội đồng Quản trị Xi măng Hà Tiên 1 đánh giá, việc khởi công các dự án thành phần đoạn phía Đông của tuyến cao tốc Bắc - Nam cùng với hàng loạt dự án sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu đô thị liên quan được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ xi măng từ năm 2021.
Tuy vậy, triển vọng kinh doanh của ngành xi măng nói chung và Xi măng Hà Tiên 1 nói riêng vẫn khó khăn do Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo giá một số nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Đơn cử, giá than thế giới đã tăng gần 50% so với đầu năm 2021 và đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trong khi đó, thị trường xi măng trong nước vẫn trong tình trạng dư cung. Tính đến cuối năm 2020, ngành xi măng có công suất sản xuất thực tế khoảng 122 triệu tấn xi măng/năm, nhưng thị trường nội địa chỉ tiêu thụ hơn 65 triệu tấn/năm, số lượng còn lại được tiêu thụ qua kênh xuất khẩu. Tình trạng dư cung xi măng khiến cạnh tranh trong nội bộ ngành gay gắt, khả năng tăng giá bán bị hạn chế, thậm chí các công ty phải hạ giá tại thị trường nội địa để giành thị phần, nhất là khi hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn.
Kết thúc quý I/2021, doanh thu thuần của Xi măng Hà Tiên 1 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.741,2 tỷ đồng, trong khi giá vốn tăng nhanh hơn, khiến biên lợi nhuận gộp chỉ còn 13,76%, giảm 3,28 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 127,2 tỷ đồng, giảm 8,7% dù các chi phí bán hàng, quản lý và chi phí tài chính nhìn chung đều được tiết giảm trong quý đầu năm.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong quý I/2021, giá bán xi măng trung bình của Xi măng Hà Tiên 1 đã giảm thêm 5% so với quý I/2020 (giảm 2% so với quý IV/2020) để hỗ trợ tăng trưởng sản lượng. Đây là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp trong quý I/2021 giảm mạnh, mặc dù sản lượng tiêu thụ tăng 8% so với quý I/2020.
VCSC cũng cho biết, Xi măng Hà Tiên 1 sẽ tiếp tục duy trì chính sách giá bán trung bình thấp để hỗ trợ sản lượng bán trong bối cảnh cạnh tranh.
Điểm tựa tài chính
Trong bối cảnh kinh doanh đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, việc giảm mạnh nợ vay, tương ứng tiết giảm chi phí lãi vay được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đáng kể cho lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm nay.
Tính đến ngày 31/3/2021, tổng dư nợ vay và thuê tài chính của Xi măng Hà Tiên 1 là 2.250 tỷ đồng, giảm 5,3% so với đầu năm và thấp hơn 26% so với cuối quý I/2020. Nợ vay hiện chiếm gần 1/4 cấu trúc nguồn vốn, với toàn bộ là các khoản nợ vay ngắn hạn. Việc giảm mạnh nợ vay đã giúp chi phí lãi vay trong quý I/2021 chỉ còn 31,3 tỷ đồng, giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Việc lãi vay giảm được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho kết quả lợi nhuận trong những quý còn lại của năm 2021 cũng như những năm tiếp theo, khi Công ty đang có khoảng 808 tỷ đồng nợ vay dài hạn được chuyển sang nợ vay ngắn hạn và dự kiến thanh toán hết vào cuối năm nay.
Những năm qua, dòng tiền kinh doanh có thể xem là điểm mạnh trong bức tranh tài chính của Xi măng Hà Tiên 1, với thặng dư vượt xa lợi nhuận. Trong điều kiện nhu cầu đầu tư không lớn (dưới 100 tỷ đồng/năm), dòng tiền kinh doanh thặng dư tốt giúp từng bước giảm nợ, giảm chi phí tài chính và cải thiện cơ cấu vốn, dù vẫn phải duy trì việc chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Xi măng Hà Tiên 1 đã thông qua phương án chi trả cổ tức tiền mặt năm 2020 với số tiền khoảng 457 tỷ đồng.
Dù áp lực trả nợ vay cũng như nguồn vốn khá lớn để trả cổ tức, nhưng nếu tiếp tục duy trì được dòng tiền kinh doanh thặng dư tốt như những năm vừa qua, Xi măng Hà Tiên 1 hoàn toàn có thể kỳ vọng, sau khi hoàn tất thanh toán các khoản nợ vay dài hạn, Công ty sẽ từng bước gia tăng được nguồn vốn dự trữ, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng lợi nhuận.
Lâm Vũ