Quy mô hoạt động của Công ty Vinasun ngày càng bị thu hẹp với số nhân sự và tài sản cố định sụt giảm, kéo theo sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận.
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã: VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần đạt hơn 150 tỷ đồng, giảm hơn 3,5% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế hơn 66,6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 111,3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun đạt tổng mức doanh thu thuần hơn 373 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng taxi này chịu lỗ gộp gần 20 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vinasun lỗ sau thuế 97 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 126 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, doanh thu của Vinasun chủ yếu đến từ việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi, đạt gần 309,5 tỷ đồng, giảm gần 32% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cũng ghi nhận các khoản doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng (hơn 59 tỷ đồng) và các dịch vụ khác như du lịch lữ hành nội địa và quốc tế, đại lý bán vé máy bay và cho thuê mặt bằng (hơn 4 tỷ đồng).
Năm nay, Vinasun đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.050 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với năm trước; lỗ sau thuế giảm từ 211 tỷ đồng trong năm 2020 xuống còn 79 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 35,5% mục tiêu doanh thu và lỗ vượt kế hoạch.
Tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của Vinasun đạt 1.830 tỷ đồng, giảm 11% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tổng giá trị của tài sản cố định đạt 1.233 tỷ đồng, chiếm hơn 67% tổng tài sản. Ngoài ra, các khoản tiền và tương đương tiền ghi nhận hơn 347 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm.
Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả cuối kỳ của doanh nghiệp gần 444 tỷ đồng, giảm 32% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn gần 149 tỷ đồng, giảm 13% và dư nợ vay dài hạn gần 100 tỷ đồng, giảm 41%. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của Vinasun là 1.386 tỷ đồng với khoản lãi sau thuế chưa phân phối hơn 347 tỷ đồng.
Được biết, để ứng phó với xu hướng tiêu dùng mới, những năm qua, Công ty CP Ánh dương Việt Nam (Vinasun Taxi) đã thực hiện nhiều giải pháp như phát triển ứng dụng đặt xe, triển khai phát triển phương thức thanh toán online, nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý và điều hành xe thông qua GPS kết hợp với khai thác thế mạnh của việc điều xe qua hệ thống tổng đài - điều mà các hãng công nghệ không có. Đồng thời, Công ty đẩy mạnh các mảng hoạt động phụ trợ như quảng cáo trên taxi…
Mới đây, Vinasun chính thức ra mắt dòng xe taxi với nhận diện màu sắc mới - màu đỏ.
“Taxi đỏ” của Vinasun sử dụng dòng xe Toyota Wigo mới 100% với mong muốn đổi mới để nâng cao chất lượng, gia tăng tiện ích phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Sự ra đời của taxi Vinasun đỏ cũng nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực cạnh tranh và góp phần tăng thu nhập cho lái xe, tăng lợi nhuận cho công ty trong năm 2021.
Theo đại diện của Vinasun Taxi, trong năm 2021, công ty sẽ phát triển việc thanh toán online trên Vinasun App kết hợp với các ví điện tử và các Mobile Money App sắp được triển khai. Công ty sẽ thay thế toàn bộ POS thanh toán hiện nay bằng SmartPOS, tiếp tục nâng cấp GPS từ 2G lên 4G và hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý - điều hành xe đồng thời với việc thử nghiệm việc đồng bộ thông tin của đồng hồ taximete trên điện thoại thông minh của lái xe nhằm phát huy các ưu điểm của Vinasun App.
Song song đó, Vinasun Taxi sẽ khai thác triệt để thế mạnh của việc điều xe qua hệ thống tổng đài, phát triển hơn nữa các chức năng trên App nhằm đáp ứng nhu cầu nhanh nhất của khách hàng, giữ vững và phát triển thêm các điểm tiếp thị chiến lược…Nỗ lực thay đổi, nhưng triển vọng kinh doanh của công ty này được đánh giá là còn rất nhiều khó khăn trong năm 2021.
Năm 2021, việc dịch bệnh diễn biến phức tạp ở trong nước và cả quốc tế khiến nhu cầu đi lại trong nước vẫn ở mức thấp. Cùng với đó, các tuyến vận tải hành khách quốc tế tiếp tục đóng băng (ngoại trừ các chuyến bay giải cứu công dân). Nhiều địa phương bao gồm cả các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội - các địa điểm hoạt động chính của Vinasun do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng giảm nhu cầu đi lại, trong đó có nhu cầu sử dụng các phương tiện vận tải như taxi.
Diễn biến dịch bệnh khiến triển vọng cải thiện nhu cầu đi lại của người dân từ nay đến cuối năm chưa khả quan, bởi ngay cả trong kịch bản vắc-xin có thể sớm được tiêm chủng đại trà, thì thời gian để các hoạt động vận tải, du lịch trở lại như trước khi có dịch bệnh cũng phải được tính bằng năm.
Ngoài ra, tại Vinasun, tỷ lệ đóng góp từ mảng kinh doanh khác như thanh lý tài sản cố định và quảng cáo trên xe taxi vẫn đang chiếm phần lớn lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến doanh thu quảng cáo trên xe của Vinasun trong thời gian tới.
Cùng với đó, dù đã có kế hoạch cải tổ mạnh mẽ, nhưng kết quả kinh doanh của Vinasun cũng chưa khả quan.
Một khó khăn nữa không thể không kể đến đó là sức ép từ các hãng taxi công nghệ. Thực tế, đây không phải là khó khăn mới, mà đã kéo dài suốt nhiều năm qua.
Giải pháp để vượt khó đã có nhưng kết quả của các giải pháp đó dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thực tế, quy mô hoạt động của Công ty Vinasun ngày càng bị thu hẹp với số nhân sự và tài sản cố định sụt giảm, kéo theo sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận.
Khánh Hà