Dược Hà Tây: Lợi nhuận đi lùi vì nguyên liệu tăng giá mạnh

BDT | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 20 Tháng Bảy 2021 15:31:00

Hàng loạt nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh khiến lợi nhuận 6 tháng của Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT) giảm 20%.

Nguyên liệu: vừa tăng giá vừa khan hiếm

Dược Hà Tây vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021. Trong quý, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 458 tỷ đồng, tăng 15,6%. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu tăng mạnh khiến giá vốn hàng hóa của công ty tăng 20,4% khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ còn 44 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính và phần lãi thu về từ công ty liên kết tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp quý 2/2021 tăng 6,9% lên 18,6 tỷ đồng, riêng chi phí bán hàng giảm mạnh từ mức 12,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5,8 tỷ đồng quý 2 năm nay (giảm 52%).

Trong quý, lợi nhuận từ lĩnh vực khác của Dược Hà Tây chỉ vỏn vẹn 404 triệu đồng, chưa bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 của công ty chỉ còn xấp xỉ 25 tỷ đồng, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, báo cáo tài chính quý 1/2021 cũng cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty lần lượt giảm 26,7% và hơn 32% so với cùng kỳ năm trước.

Giải thích lý do lợi nhuận giảm, lãnh đạo Dược Hà Tây cho biết, những tháng đầu năm 2021, hàng loạt giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Các nhà cung cấp bao bì tăng giá như: PVC, vỏ hộp giấy... tăng 20%. Nguyên liệu nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước đồng loạt tăng giá 20-70% như: Vitamin B1, Đường kính, Paracetamol...  Nguyên liệu tăng mạnh gây ra tình trạng thiếu nguyên phụ liệu cho sản xuất, tăng giá thành sản phẩm.  

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuận về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dược Hà Tây chỉ đạt 838 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ còn hơn 83 tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ. Tổng cộng lợi nhuận tước thuế của công ty đạt 52 tỷ đồng, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế còn xấp xỉ 42 tỷ đồng, giảm ở mức tương tự.

Năm 2021, Dược Hà Tây lên kế hoạch đạt 1.700 tỷ đồng tổng doanh thu và 112 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng với mức giảm 12,8% và 3% so với thực hiện 2020. Như vậy, nửa đầu năm 2021, Dược Hà Tây mới hoàn thành 49% mục tiêu doanh thu và 46,4% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Lên kế hoạch đầu tư nhà máy, ráo riết thu hồi nợ

Tại thời điểm 30/6, lợi nhuận còn lại chưa phân phối của dược Hà Tây là 40,6 tỷ đồng, do công ty vừa thực hiện chia cổ tức bằng tiền 20% trong năm 2020.  Năm 2021, Dược Hà Tây đặt kế hoạch chia cổ tức 10%, chưa rõ bằng cổ phiếu hay tiền mặt.

Tại thời điểm 30/6, Dược Hà Tây vẫn còn một số khoản thu quá hạn thanh toán (nợ xấu) tại Công ty cổ phần Dược và ngoại thương Việt Nam, bệnh viên Phổi Hải Dương và các khách hàng khác (chủ yếu hàng đấu thầu). Các khoản nợ này đã được công ty trích lập dự phòng nhưng giá trị có thể thu hồi đang sụt giảm đáng kể theo năm. Chính vì vậy, năm nay, công ty dự định sẽ đẩy mạnh thu hồi công nợ với các khách hàng này. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, lãnh đạo Dược Hà Tây cho biết sẽ tập trung đầu tư hai nhà máy. Trong đó, nhà máy sản xuất tại La Khê - Hà Đông có kinh phí dự kiến 30 tỷ đồng. Chủ yếu bổ sung, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nhà máy sản xuất Dược phẩm CNC Hataphar có kinh phí dự kiến 720 tỷ đồng, phục vụ việc hoàn thiện ký hợp đồng thuê hạ tầng, nhận bàn giao đất thuế, đàm phán ký kết với các nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp thiết bị.

Tính đến hết quý 2/2021, tổng tài sản của Dược Hà Tây là 1.267 tỷ đồng, tăng 37,7%, chủ yếu do các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng lên 350 tỷ đồng (bao gồm các khoản tiền gửi tại VietinBank, VietABank, SCB) và tài sản cố định tăng  45 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu DHT sáng nay đang đứng ở mức 47.500 đồng/CP, giảm 12,4% so với đầu năm.

H.T