Lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) trong nửa đầu năm đạt 557,8 tỷ đồng, bằng 195,6% so với cùng kỳ năm 2020 là kết quả cao kỷ lục trong lịch sử.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021.
Theo đó, Tập đoàn này ghi nhận doanh thu hợp nhất ước đạt 7.250 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, đạt 43,1% kế hoạch cả năm.
Mặc dù thị trường 6 tháng đầu năm hồi phục tốt, nhưng doanh thu chỉ tương đương cùng kỳ năm trước do không còn nguồn thu từ đồ bảo hộ y tế và để phòng ngừa rủi ro nên trong nửa đầu năm nay, Vinatex ưu tiên lựa chọn các đơn hàng CM thay cho các đơn hàng FOB (các đơn hàng FOB có doanh thu cao hơn so với CM)
Về lợi nhuận hợp nhất, Vinatex ghi nhận kết quả cao kỷ lục trong 25 năm thành lập, ước đạt 557,8 tỷ đồng, bằng 195,6% so với cùng kỳ, đạt 79,7% kế hoạch cả năm.
Ban lãnh đạo công ty lý giải, mặc dù doanh thu hợp nhất ngang bằng so cùng kỳ năm ngoái, nhưng biên lợi nhuận được cải thiện đáng kể, gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái do ngành sợi có kết quả tốt đóng góp 60% hiệu quả hợp nhất của Tập đoàn.
Sau 2 năm liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành sợi đã có nhiều chuyển biến tích cực, cầu và giá bán cùng tăng cao.
Theo đó, ước tính lợi nhuận ngành sợi 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 320 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ 69 tỷ).
Lần đầu tiên sau 25 năm thành lập, Vinatex có kết quả tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm cao như của năm 2021, bằng 195% kết quả cùng kỳ năm trước và vượt 50% kết quả cùng kỳ của năm 2019 – năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Trong 6 tháng cuối năm, thị trường dệt may được nhận định sẽ mang nhiều rủi ro và nhiều yếu tố bất định; thị trường sợi trầm lắng hơn, dịch bệnh bùng phát tại phía Nam… Năm nay, Vinatex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 17.365 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất đạt trên 700 tỷ đồng.
Chia sẻ hôm 14/7, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, Tập đoàn đang trong thời kỳ khó khăn nhất suốt 18 tháng có dịch bệnh Covid -19.
Bởi, các địa phương là trung tâm sản xuất có tỷ trọng lớn, hiệu quả cao của Tập đoàn đều nằm trong tâm dịch, mà nghiêm trọng nhất là tại TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Định.
Lần đầu tiên trong hệ thống các doanh nghiệp của Tập đoàn có các ca F0 và diễn biến trên diện rộng, cùng với việc áp dụng chính sách giãn cách, cách ly của các địa phương để phòng chống dịch, nhiều cơ sở sản xuất của Tập đoàn đã phải giảm mạnh sản xuất từ 50-70%, thậm chí phải dừng sản xuất trong 14 ngày nếu có F0.
Số lượng lao động không thể đi làm thuộc Vinatex đã lên tới hơn 10.000 người, lớn nhất là của Công ty Việt Tiến, Hữu Nghị tại Đồng Tháp.
"Khó khăn sẽ còn chồng chất hơn khi chúng ta đang có đủ đơn hàng ở tất cả các đơn vị đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12, cam kết giao hàng và thực hiện trách nhiệm của hợp đồng kinh tế cũng là rủi ro rất lớn với từng doanh nghiệp", ông Lê Tiến Trường nói.
Thị Hồng