Công ty cổ phần Cảng Phước An (mã PAP), tân binh sàn UPCoM có thể tiếp tục thua lỗ thêm nhiều quý nữa.
Áp lực huy động vốn
Ngày 14/7/2021, Công ty cổ phần Cảng Phước An đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán PAP.
Bản cáo bạch chào sàn của Cảng Phước An cho biết, Công ty được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 440 tỷ đồng. Qua ba lần tăng vốn, quy mô vốn điều lệ hiện tại của Công ty đạt 1.500 tỷ đồng.
Cảng Phước An là chủ đầu tư dự án cảng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) và khu dịch vụ hậu cần cảng. Theo quy hoạch, khu cảng Phước An có năng lực phục vụ tàu có trọng tải đến 60.000 DWT, gồm 10 bến (6 bến container và 4 bến tổng hợp) với tổng chiều dài 3.050 m.
Công suất bến là 2,5 triệu TEU/năm hàng container và 6,5 triệu tấn/năm hàng tổng hợp. Còn khu dịch vụ hậu cần cảng có công suất bến là 2,2 triệu TEU/năm hàng container và 4 triệu tấn/năm hàng tổng hợp.
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp vào tháng 11/2017, tổng diện tích sử dụng của cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng là 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 2.635,7 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.
Hiện Công ty đang triển khai giai đoạn 1 của dự án với diện tích sử dụng 17,4 ha, nhưng đang giãn tiến độ đầu tư và hoàn thiện hồ sơ chất lượng.
Để vào cảng, chỉ có duy nhất một tuyến đường chính được xây dựng theo hình thức BOT do Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai phê duyệt tiến độ từ năm 2021 - 2023.
Theo chia sẻ của Công ty, một phần của tuyến đường từ đường 319 đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đầu tư bằng ngân sách, phần còn lại đang trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Chính vì vậy, tiến độ khai thác cảng Phước An phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng tuyến đường kết nối theo hình thức BOT.
Ngoài ra, trên website của Công ty đã công bố điều chỉnh dự án chia thành 5 giai đoạn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng lên tới 19.428 tỷ đồng. Như vậy, nếu vốn chủ sở hữu phải đảm bảo tỷ lệ 15% tổng vốn đầu tư của dự án, ước tính, tổng vốn chủ sở hữu tài trợ dự án lên tới 2.914,2 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2021, Cảng Phước An ghi nhận tổng tài sản là 1.537,7 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 1.473,3 tỷ đồng, chiếm 95,8% tổng tài sản. Doanh nghiệp thuyết minh, chi phí xây dựng cơ bản dở dang chủ yếu là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, với 1.348,4 tỷ đồng.
Như vậy, về cơ bản, doanh nghiệp chỉ mới trong giai đoạn đầu thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và chưa tiến hành xây dựng. Ngoài ra, việc xây dựng sẽ phụ thuộc vào quá trình xây dựng tuyến giao thông kết nối tới cảng.
Với quy mô vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, ước tính, Cảng Phước An đã giải ngân gần hết số tiền huy động của cổ đông phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Để tiếp tục triển khai dự án, doanh nghiệp phải huy động thêm để tăng cả vốn chủ sở hữu và vốn vay.
Theo kế hoạch điều chỉnh, ước tính doanh nghiệp phải huy động thêm khoảng 1.400 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 16.500 tỷ đồng vốn vay cùng các nguồn vốn khác để phục vụ quá trình triển khai dự án. Đây là áp lực không hề nhỏ của Công ty.
Đường tới lợi nhuận còn xa
Đặt qua một bên câu chuyện áp lực thu xếp dòng tiền đầu tư thì triển vọng lợi nhuận của Cảng Phước An là điểm nhà đầu tư cần chú ý.
Thành lập 13 năm nay, nhưng do chỉ có một dự án duy nhất là cảng Phước An và cảng này chưa đi vào hoạt động nên PAP chưa ghi nhận doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi. Trong những năm qua, doanh thu của Công ty chủ yếu đến từ số tiền huy động từ cổ đông chưa giải ngân và tạm gửi tại các ngân hàng để hưởng lãi suất.
Cụ thể, năm 2019, doanh thu tài chính của Công ty là 34,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là gần 18 tỷ đồng; năm 2020, doanh thu tài chính là 28,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 13,9 tỷ đồng.
Đến quý I/2021, Công ty không còn ghi nhận doanh thu tài chính do đã giải ngân gần hết số tiền huy động từ cổ đông vào việc đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án cảng Phước An, số tiền 50,67 tỷ đồng còn lại là tiền mặt tại quỹ công ty nên không phát sinh lãi. Kết quả là Công ty báo lỗ 0,6 tỷ đồng trong kỳ.
Chính vì vậy, trong những quý tới, doanh nghiệp sẽ đối mặt với bài toán không có doanh thu và vẫn chịu áp lực chi phí quản lý doanh nghiệp, các chi phí khác liên quan. Điều này đồng nghĩa với kịch bản thua lỗ như trong quý I/2021 có thể lặp lại.
Lĩnh vực kinh doanh cảng biển và dịch vụ cảng đang có triển vọng tích cực, cảng Phước An cũng nằm trong khu vực có tiềm năng rất tốt, nằm ở khu vực Đông Nam Bộ - khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước, nhưng khi nào cảng Phước An mới hoàn thành và đi vào khai thác? Câu trả lời không chỉ nằm ở phía doanh nghiệp.
Dự án tuyến đường kết nối vào Cảng Phước An hiện đang trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Đây là tuyến đường duy nhất vào cảng nên nếu việc xây dựng chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án cảng Phước An, từ đó ảnh hưởng tới thời gian hoàn vốn của dự án khi doanh nghiệp đã giải ngân tới 1.473,3 tỷ đồng vào việc đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí khảo sát…
Ngay cả khi những bài toán lớn là việc thu xếp vốn và triển khai dự án đúng tiến độ được giải quyết, thì nhà đầu tư khó trông chờ Công ty sớm có lợi nhuận. Trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng chịu lỗ trong giai đoạn đầu do phải có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các hãng tàu tới cảng, cũng như tìm nguồn hàng.
Như vậy, khi bỏ vốn vào Cảng Phước An, một doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, nhà đầu tư phải đối mặt với kịch bản doanh nghiệp có thể lỗ liên tục trong nhiều năm tới.
Vũ Duy Bắc