Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam được dự báo tăng trưởng 17%, nhưng không phải doanh nghiệp nào trong ngành cũng tận dụng được cơ hội, CMC là ví dụ.
Ngày 21/7/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC (CMC, mã chứng khoán CMG) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Theo tài liệu họp đại hội, năm 2020, kết quả kinh doanh của CMC không đạt kỳ vọng, dù năm qua được coi là thiên thời của doanh nghiệp công nghệ thông tin khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi số.
Cụ thể, trong năm 2020, CMC đạt doanh thu hợp nhất 5.181 tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 290 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch.
Báo cáo của Hội đồng quản trị CMC gửi tới các cổ đông không nêu nguyên nhân khiến Tập đoàn không về đích kế hoạch kinh doanh 2020, song một trong những dự án được kỳ vọng nhiều nhất chưa thấy tiến triển, đó là phát huy mối quan hệ đối tác chiến lược với Samsung SDS.
Hội đồng quản trị CMC thừa nhận, “còn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác như khác biệt về văn hoá, cơ chế làm việc cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Thị trường hầu như không có thông tin về những hoạt động hay hợp đồng CMC đạt được khi bắt tay với Samsung SDS về những giải pháp rất có triển vọng trong bối cảnh đại dịch mà Tập đoàn từng kỳ vọng như giải pháp nhà máy thông minh, điện toán đám mây, phân phối thiết bị thông minh, các giải pháp ngành liên quan đến bán lẻ, quản trị toà nhà thông minh…
Vì thế, mục tiêu tham vọng mà CMC đặt ra hiện khó thuyết phục giới đầu tư. Trong chiến lược đến năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu trở thành tập đoàn số với quy mô 10.000 nhân sự và doanh thu 1 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu này, CMC đã hợp tác với McKinsey - một trong những công ty tư vấn chiến lược chuyển đổi số tốt nhất thế giới, triển khai dự án “Tư vấn chiến lược phát triển và chuyển đổi số” cho Tập đoàn.
Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là, CMC phải thuê McKinsey tư vấn chuyển đổi số, vậy bản thân CMC sẽ tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác như thế nào? Đây có phải là lý do năm 2020 vắng bóng các hợp đồng chuyển đổi số của CMC?
Năm 2021, Hội đồng quản trị CMC đặt mục tiêu đạt 6.127 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 323,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng lần lượt 18% và 11% so với năm 2020. Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận này thấp hơn dự báo tăng trưởng trung bình của ngành công nghệ thông tin.
Fitch Solutions (Anh) dự báo, thị trường công nghệ thông tin Việt Nam bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin, phần mềm, phần cứng và thiết bị sẽ tăng trưởng khoảng 17%, đạt 7,3 tỷ USD. Trong đó, việc ứng dụng các dịch vụ phần mềm và cơ sở hạ tầng đám mây sẽ là một xu hướng nở rộ.
Năm 2020, công ty chuyên về dữ liệu thị trường và tiêu dùng Statista (Đức) ước tính, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam đạt 1,12 tỷ USD, tăng so với năm 2019 (1,1 tỷ USD). Sang năm 2021, Statista dự báo, doanh thu sẽ đạt 1,18 tỷ USD và tiếp tục tăng lên mức 1,43 tỷ USD vào năm 2025.
Tiềm năng của thị trường công nghệ thông tin toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ. Đặc biệt, nhu cầu chuyển đổi số tăng cao còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh phần mềm như FPT, CMC… được hưởng lợi.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nhận xét, biến tiềm năng thành lợi nhuận là không dễ đối với CMC. Trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm nay, CMC công bố thay Tổng giám đốc. Lãnh đạo mới là ông Hồ Thanh Tùng, người không mấy xa lạ với CMC khi ông Tùng trước đó đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Điều hành cấp cao.
Việc đổi tướng này có đem lại làn gió mới trong tốc độ thực thi và nắm bắt tốt các cơ hội hay không, nhà đầu tư cần thấy được các động thái rõ ràng hơn từ CMC.
Huyền Linh