Hơn 2/3 thị phần logistics Việt Nam rơi vào tay doanh nghiệp (DN) ngoại, bởi những “khoảng trống” về nhân lực và tiềm lực tài chính của các DN logistics nội. Để chuyển mình và lớn mạnh hơn, các DN trong nước cần tận dụng tốt những đổi mới từ cơ chế chính sách, nguồn lực… trong thời gian tới.
Báo cáo của Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA) cho biết, cả nước hiện có hơn 3.000 DN tham gia cung cấp dịch vụ logistics (70% có trụ sở tại Tp.HCM), trong đó 1.300 DN đang hoạt động tích cực, 89% DN 100% vốn trong nước, còn lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, phần lớn DN logistic Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa (72% có vốn dưới 20 tỷ đồng), số lượng lao động 30 - 40 người, trong đó chỉ 5 - 7% có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.
“Khoảng trống” nguồn nhân lực
Theo VLA, trong giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong ngành logistics đang tạo ra một “lỗ hổng” khó san lấp.
Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký VLA, cho biết: “Nguồn nhân lực trong ngành logistics đang thiếu kiến thức toàn diện, trình độ công nghệ thông tin (ICT) còn hạn chế, chưa theo kịp tiến bộ phát triển của logistics thế giới. Chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ, 30% DN phải đào tạo lại nhân viên”.
Nguyên nhân là do công tác đào tạo logistics ở bậc đại học và sau đại học đang còn nhiều trở ngại. Đơn cử, các trường chưa có mã ngành logistics, số lượng sinh viên chưa nhiều, phần thực hành về ngành nghề cũng chưa đầy đủ, sự gắn kết giữa DN và nhà trường chưa chặt chẽ, chưa thiết thực.
Sau “khoảng trống” về nhân lực là những điểm yếu về nội lực. Gần 70% DN logistics trong nước thuộc loại không tài sản, việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài. Chính vì thế, DN Việt Nam đang yếu thế trên sân nhà với chỉ 25% thị phần, 75% còn lại rơi vào tay DN nước ngoài.
Các chuyên gia đánh giá năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ logistics tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, chi phí logistics cao, cơ sở hạ tầng logistics nhỏ và phân tán… Đơn cử, về chi phí, nếu chi phí logistics trên tổng GDP tại Singapore, Bắc Mỹ, châu Âu chỉ có khoảng dưới 10%, thì tại Việt Nam, chi phí logistics lên tới xấp xỉ 20%.
Kỳ vọng vào những đổi mới
Để gỡ khó về nhân lực, các chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần đẩy nhanh hỗ trợ các trường được cấp mã ngành cấp 4 về đào tạo logistics. Cần có chính sách hỗ trợ các trường trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, tạo điều kiện tham gia vào các đề án phát triển nhân lực và vật lực, để nâng cao chất lượng đào tạo.
Đồng thời, xây dựng và củng cố cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành liên quan về đào tạo logistics, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo về logistics và nghiên cứu, tăng cường phối hợp giữa DN và cơ sở đào tạo.
Về giải pháp nâng cao năng lực nội tại cho các DN logistics nội, Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics Việt Nam đến năm 2025 cũng đang mang đến nhiều kỳ vọng.
Sáu nhóm nhiệm vụ chính được đưa ra bao gồm hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực và các nhiệm vụ khác được cụ thể hóa nhằm đem lại các giải pháp tổng lực “kích cầu” ngành logistics nội địa.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên, đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics của khu vực.
Để hoàn thành mục tiêu này, bên cạnh những thay đổi từ cơ chế chính sách, bản thân các DN logistics nội cần tự thân vận động để vươn mình. Liên kết hoặc M&A với các DN nước ngoài đang là xu hướng được nhiều DN trong nước lựa chọn. Trong khoảng 3 - 5 năm trở lại đây, đang có thêm nhiều liên kết “cộng hưởng” nội - ngoại.
Điển hình như mối liên kết giữa công ty CP Vinafco và một DN Hàn Quốc để thành lập công ty TNHH Logistics HTNS - Vinafco; công ty CP Logistics Hàng không (ALS) liên kết với Samsung SDS (công ty con của Samsung) thành công ty liên danh mang tên công ty CP ALS - SDS (ALSDS)…
Ông Ngô Thế Hùng - Phó Giám đốc công ty CP logistics Thắng Lợi, nhận định muốn hợp tác, liên kết với khối ngoại, DN trong nước phải làm tốt, với chất lượng dịch vụ và uy tín, ngược lại, sẽ mãi chỉ làm ăn nhỏ lẻ, đi thuê lại của nhau. Tuy nhiên, không nên trông chờ vào “luồng gió” ngoại, DN phải tự có chiến lược phát triển riêng, nâng cao chuẩn chất lượng dịch vụ để hợp tác trực tiếp với đối tác nước ngoài, thay vì dừng lại ở vai trò nhà thầu như hiện tại.
Văn Nguyễn