Vietnam Airlines kế hoạch giảm gần 11.000 tỷ đồng từ thuế, phí và tự thân

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 14 Tháng Bảy 2021 14:01:00

Hãng hàng không lên kế hoạch xây dựng hãng hãng không vận chuyển hàng hóa sau dịch bệnh.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ của Vietnam Airlines sáng nay, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa cho biết từ cuối tháng 3/2020, mạng bay quốc tế đi/đến Việt Nam gần như dừng hoạt động, chỉ còn đối tượng khách chuyên gia hoặc công dân hồi hương. Sản lượng khách tổng thị trường bằng 19,7% năm 2019. Thị trường nội địa giảm 23,3% so với mới năm trước do ảnh hưởng lớn từ đợt giãn cách xã hội. Mặt bằng giá vé giảm mạnh do dư thừa cung.

hvn3-jpeg-7805-1626239530.jpg
 

Trước điều kiện hoạt động nhiều bất lợi, Tổng công ty chủ động tổ chức lại hoạt động sản xuất, tận dụng mọi cơ hội để tăng nguồn thu và dòng tiền. Trong năm ngoái, Vietnam Airlines đã mở 22 đường bay nội địa mới, thực hiện 276 chuyến bay, vận chuyển 694.000 khách, mang lại 1.788 doanh thu đạt 1.788 tỷ đồng. Triển khai gần 3.900 chuyến bay chở hàng mang lại doanh thu trên 2.800 tỷ đồng.

Trong năm ngoái, Chính phủ thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng; cho phép điều chỉnh chính sách khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng phù hợp với công suất sử dụng tài sản; giảm thuế bảo vệ môi trường, phí cất cánh, điều hành bay, phí bảo lãnh chính phủ. 

Theo đó, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất 42.276 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 11.178 tỷ đồng trong năm ngoái. 

Kế hoạch năm nay tiếp tục được xây dựng trên giả định Chính phủ cho phép áp dụng tiếp các chính sách về khấu hao tài sản và phân bổ chi phí theo đề xuất, bên cạnh giải pháp tự thân 6.800 tỷ đồng trong đó lớn nhất đến từ kế hoạch đàm phán với các nhà cung ứng, các đối tác cho thuê tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng… Qua đó, chi phí cắt giảm mục tiêu đạt trên 10.000 - 10.800 tỷ đồng.  

Từ những giải pháp này, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm 11,6% so với thực hiện năm trước. Lỗ sau thuế là 14.526 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc về cổ công ty mẹ là 12.908 tỷ đồng. 

Về kế hoạch đầu tư, hãng hàng không triển khai kế hoạch đầu tư phát triển 31 dự án gồm 17 dự án chuẩn bị đầu tư và 14 dự án thực hiện đầu tư với tổng kinh phí khoảng 181,8 tỷ đồng, chiếm 64,5% tổng giá trị kế hoạch đầu tư phát triển cả năm 2021. Nguồn vốn đầu tư đến từ 81,8 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 100 tỷ đồng vốn vay. 

HĐQT Vietnam Airlines trình cổ đông phương án phát hành 800 triệu cổ phần HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Số vốn huy động sau đợt phát hành là 8.000 tỷ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu HVN theo phương thức chuyển giao quyền mua. Cổ đông được chuyển nhượng quyền mua 1 lần và chỉ được chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân trong nước. 

Mục đích phát hành để thanh toán nợ quá hạn, nợ đến hạn; trả nợ vay ngắn và dài hạn đến hạn; bổ sung vốn lưu động. Thời gian phát hành dự kiến trong quý III-IV sau khi có chấp thuận của UBCK.

Vietnam Airlines dự kiến bán 6 máy bay ATR72 sản xuất năm 2009-2010 trên 12 năm tuổi để chuyển sang  dòng tàu bay phản lực khu vực (Regional Jet - RJ) nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo ổn định khai thác và nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Các máy bay ATR72 này đang được dùng để khai thác các đường bay đến các sân bay hạn chế, không tiếp cận được dòng tàu bay từ A320 trở lên gồm Côn Đảo, Kiên Giang, Cà Mau và Điện Biên. 

Thảo luận

- Hiện chở hàng là nguồn thu tích cực tại sao Vietnam Airlines không mở hãng bay chở hàng chuyên biệt?

- Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà: Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng vận tải hàng không, chủ yếu vận tải hành khách. Một trong những giải pháp là vận chuyển hàng hóa đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh. Vietnam Airlines tháo ghế 5 tàu bay A350 và 2 tàu A321 để tăng vận tải hàng hóa lên gấp đôi.

Doanh nghiệp đã nghiên cứu 4-5 năm nay về vận tải hàng hóa riêng biệt nhưng việc tổ chức vận tải hàng hóa cần quy mô đủ lớn để khai thác nguồn hàng đi/đến Việt Nam. Thực tế, Korean Air và China Airlines hai hãng vận tải hàng hóa có quy mô để khai thác hiệu quả hoạt động này. 

Việc tổ chức vận tải hàng hóa chưa đem lại hiệu quả trong giai đoạn trước dịch, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì hoạt động này đóng vai trò quan trọng để tập dượt và xây dựng đề án hãng hãng không vận chuyển hàng hóa sau dịch bệnh.

- Năm ngoái, Vietnam Airlines thực hiện nhiều giải pháp cắt giảm chi phí, năm nay còn dư địa cắt giảm không? Khả năng thanh toán khoản vay?

- Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền: Năm nay, ảnh hưởng dịch nặng nề hơn năm ngoái, tổng công ty xây dựng kế hoạch cắt giảm cũng như tối ưu hóa chi phí, tăng thu và tận thu để giảm lỗ và ứng phó với dịch bệnh.

Kế hoạch tự thân cắt giảm chi phí tự thân còn nhiều dư địa. Trong năm nay, tổng giải pháp tự thân nhằm giảm chi phí là 6.800 tỷ đồng, thông qua đàm phán các nhà cung ứng, đối tác để giảm giá, giãn tiến độ thanh toán, đàm phán với các đối tác lớn trong lĩnh vực cho thuê tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng. Trong năm ngoái, tổng công ty cắt giảm 5.474 tỷ đồng (trong đó cắt giảm chi phí nhân công là 1.775 tỷ đồng) đưa mức lỗ cổ đông công ty mẹ giảm 5.800 tỷ đồng. 

Nhóm chi phi thứ 2, tổng công ty cũng tiếp tục kiến nghị với Nhà nước về chính sách hỗ trợ chi phí hạ cất cánh, điều hành bay, thuế bảo vệ môi trường, khấu hao tài sản và phân bổ chi phí phù hợp. Hai nhóm này đưa vào mục tiêu cắt giảm năm nay để giảm chi phí trên 10.000 - 10.800 tỷ đồng.

Khả năng thanh toán các khoản vay, đặc biệt khoản vay tàu bay liên quan đến bảo lãnh của Chính phủ, Vietnam Airlines cam kết không có thanh toán nợ quá hạn dẫn đến hệ lụy cho doanh nghiệp và nhà nước. Đàm phán với tổ chức tín dụng Mỹ và các đối tác cho vay như ECA và US - Eximbank giãn tiến độ thanh toán. Năm ngoái, tổng công ty đã đạt được thỏa thuận đối với các tín dụng xuất khẩu để giãn tiến độ thanh toán 65 triệu USD và giãn tiến độ 40 triệu USD trong năm nay. 

- Định hướng năm 2021? Lao động nghỉ không lương có chính sách như nào, có kế hoạch cắt giảm nhân sự không?

- Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa: Tết Nguyên đán và mùa hè là giai đoạn sôi nổi của ngành hàng không nhưng lại phải chứng kiến đợt dịch lần 3 và 4. Tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước dịch, hãng vận chuyển 500-600 chuyến/ngày, tuy nhiên hiện nay tổng công ty chỉ duy trì 40 chuyến bay một ngày để vận chuyển hàng hóa, phục vụ các tỉnh vùng miền đang cách ly theo Chỉ thị 15, 16 và giữ các giao thương tối thiểu khác. 

Dự kiến cuối quý III-IV ngành hàng không hoạt động trở lại sau khi người dân được tiêm vaccine nhiều. Các nước đang phát triển như Mỹ và châu Âu đạt được miễn dịch cộng động, vận tải hãng hàng không bắt đầu sôi động, thậm chí nhiều chuyến bay không đủ phi công, tiếp viên sau khi cắt giảm nhân lực mạnh.

Với kịch bản điều hành năm nay là xấu, tổng công ty đưa ra giải pháp tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có vốn trả nợ và vốn lưu động; tìm mọi giải pháp tăng thu, tận thu; tăng cường vận tải hàng hóa nội địa. 

Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8, Vietnam Airlines thận trọng mở cửa thị trường quốc tế. Tổng công ty đang bắt đầu mở cửa và báo cáo bộ ngành liên quan về sử dụng hộ chiếu vaccine.

Trước dịch 65% doanh thu của hãng đến từ vận tải quốc tế nhưng hiện nay bay quốc tế chỉ có chuyến hồi hương, giải cứu, vận tải hàng hóa chiếm 1%. 

Doanh thu hàng hóa tháng 6 cũng đang hơn doanh thu vận tải hành khách là tiền đề lập công ty vận tải hàng hóa chuyên biệt. 

Trong 6 tháng đầu năm, khoảng 9.700 lao động không có công ăn việc làm do giờ bay thấp. Với người lao động, phi công tiếp viên làm theo giờ bay thực tế, 30% lao động gián tiếp đã cho tạm hoãn lao động với hợp đồng 6 tháng đến 1 năm nhưng tiếp tục đào tạo để khi thị trường phục hồi có thể nhanh chóng hoạt động trở lại. Những cán bộ cho nghỉ được trợ cấp 1 triệu/tháng, bên cạnh hỗ trợ khác như bảo hiểm sức khỏe, miễn giảm cước. Ngoài ra, tổng công ty khuyến khích người lao động nghỉ hưu sớm.

- Hãng sử dụng gói 4.000 tỷ đồng như thế nào? Cổ đông Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng 86% trong khi room ngoại hạn chế, giải quyết câu chuyện “bình mới rượu cũ” như nào?

- Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền: Tuần trước Vietnam Airlines đã ký kết, hoàn thành thủ tục và sẵn sàng giải ngân gói cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng với 3 ngân hàng. Số tiền này được dùng để thanh toán một phần khoản nợ quá hạn với nhà cung cấp của Vietnam Airlines. Để sử dụng hiệu quả, hãng cũng sẽ đàm phán với chủ nợ để tối đa hiệu quả thu được từ đợt giảm, giãn, hoãn từ các đối tác. 

Dòng tiền từ gói tăng vốn 8.000 tỷ đồng dự kiến về trong quý III để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thanh khoản cho Vietnam Airlines. Số tiền được dùng để thanh toán nợ và bổ sung vốn tránh hãng lâm vào âm vốn chủ sở hữu, làm lành mạnh hơn các chỉ số trong bảng cân đối kế toán.

Gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng sẽ giải quyết thâm hụt, khó khăn năm ngoái nhưng không giải quyết được triệt để các vấn đề trong năm 2021 trước diễn biến dịch bệnh, tình trạng lỗ và thiếu hụt dòng tiền.

Về cơ cấu cổ đông, việc hát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ không thay đổi cấu trúc cổ đông nếu cổ đông mua hết phần của mình. Trong quyết định mới nhất của Thủ tướng, Vietnam Airlines được đưa vào nhóm doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 50% dưới 60%.

Để triển khai phương án tái cơ cấu một cách tổng thể, trong tương lai hãng cần phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc riêng lẻ để tăng vốn hoạt động bù đắp ảnh hưởng từ dịch. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể mua cổ phiếu để thay đổi sở hữu.

- Kế hoạch thay thế đội tàu bay ATR  

- Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà: Việc cấu trúc lại đội tàu bay ATR72 được đưa ra từ năm 2018, triển khai năm 2019. Trong năm 2019, tổng công ty khảo sát và đánh giá thị trường ATR72 và lựa chọn Regional Jet - RJ phù hợp. Tuy nhiên, thời điểm đó không có nhiều tàu RJ sẵn có trên thị trường và đầu năm 2020, các chương trình cũng bị chậm lại do ảnh hưởng Covid-19. Trong năm nay, hãng nhanh chóng triển khai thay thế đội tàu bay để tăng cạnh tranh trên các đường bay hạn chế. Theo đó, trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines dự kiến triển khai thuê ngắn hạn RJ theo hình thức thuê có tổ bay (thuê ướt) hoặc không có tổ bay (thuê khô) để khai thác thử nghiệm, đo lường mức độ phản ứng của thị trường.

Kết thúc cuộc họp, cổ đông thông qua tất cả tờ tình.