Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) ghi nhận tổng doanh thu 6 tháng đầu năm nay đạt 210 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Gỗ Đức Thành vừa cập nhật bản tin đến các nhà đầu tư, trong đó có cập nhật sơ lược kết quả kinh doanh tháng 6 và 6 tháng đầu năm nay.
Theo đó, doanh thu tháng 6/2021 của doanh nghiệp này đạt 41 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu 6 tháng đầu năm lên 210 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến đầu tháng 7/2021, gỗ Đức Thành đã nhận được đơn hàng xuất khẩu với tổng giá trị hơn 14,5 triệu USD, hoàn thành 86% kế hoạch nhận đơn hàng cho cả năm.
Năm nay, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng 15% so với kết quả năm 2020 (đạt khoảng 460 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế 86,4 tỷ đồng, tăng khoảng 8%.
Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành tiền thân là cơ sở Chế biến Gỗ Tam Hiệp do ông Lê Ba sáng lập, ra đời từ tháng 5/1991 với số vốn ban đầu là 105 triệu đồng và 60 công nhân.
Đến năm 2000, Công ty TNHH Chế biến Gỗ Đức Thành đã chuyển đổi loại hình công ty và trở thành Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành, chuyên sản xuất trang thiết bị nội thất, tủ bếp và nội thất hộ gia đình…
Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT gỗ Đức Thành cho biết, các sản phẩm hiện nay của doanh nghiệp này thuộc nhóm cao cấp.
Bàn, ghế, giường, tủ được cho là chủng hàng hóa dễ sản xuất hơn so với các sản phẩm hiện nay của gỗ Đức Thành.
“Chúng tôi không lựa chọn sản xuất chủng hàng đó vì cạnh tranh nhiều nhưng biên độ lợi nhuận rất thấp. Còn sản phẩm của chúng tôi khó làm hơn nhưng lợi thế cạnh tranh rất lớn, có thể độc tôn một mình một chợ tại thị trường sân nhà”, bà Liễu chia sẻ.
Nhóm sản phẩm nhà bếp đóng góp hơn 61% trong tổng doanh thu năm 2020 của gỗ Đức Thành. Còn nếu xét về thị trường, hơn 85% sản phẩm của doanh nghiệp này được xuất khẩu; trong đó, thị trường chính là các quốc gia châu Á.
Bà Lê Hải Liễu và các thành viên trong gia đình là người nắm cổ phần nhiều nhất, sở hữu trên 50% tại gỗ Đức Thành.
Đầu tháng 7/2021, HĐQT doanh nghiệp này đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Theo đó, doanh nghiệp dự kiến phát hành 843.390 cổ phiếu GDT, tương ứng 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển trong 24 tháng đầu tiên, sau 24 tháng được chuyển nhượng 50% số cổ phiếu và sau 36 tháng được chuyển nhượng hết số cổ phần còn lại.
Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ 23/6 đến 1/7.
"Tôi không chủ trương trả lương quá cao cho người lao động mặc dù biết rõ nếu làm việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho tôi và các thành viên trong ban điều hành vì chỉ cần chấp nhận cắt giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì công ty khó tìm được giải pháp khác nhằm kích thích tinh thần làm việc của anh em. Cho nên, phát hành ESOP cho người lao động là cách bù lại công lao xứng đáng của họ. Mặt khác, tỷ lệ ESOP chiếm không quá nhiều và chỉ chiếm 5%", bà Hải Liễu chia sẻ nguyên do về đợt phát hành hơn 843.000 cổ phiếu ESOP lần này.
Thị Hồng