Được đánh giá có tiềm năng đột phá về doanh thu và lợi nhuận, song giá trị phải thu lớn với tỷ lệ trích lập dự phòng khó đòi cao là rủi ro đáng kể về tài chính của ITD.
Hưởng lợi từ sóng đầu tư công
Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD, mã CK: ITD, HoSE, trụ sở tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM) hoạt động trong 4 lĩnh vực: điện - tự động và đo lường; điện - điện công nghiệp; giao thông thông minh; viễn thông - tin học. Trong đó, mảng giao thông thông minh đang được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng.
Trong niên độ tài chính 2020 - 2021 (từ ngày 1/4/2020 đến 31/3/2021), doanh thu của ITD đạt 595,4 tỷ đồng, tăng 52,5% so với thực hiện niên độ trước và lợi nhuận sau thuế 52,4 tỷ đồng, tăng 119%.
Sự tăng trưởng mạnh của doanh thu và lợi nhuận chủ yếu là nhờ sự đóng góp của mảng giao thông thông minh. Trong niên độ 2019 - 2020, mảng này chỉ đóng góp 28% doanh thu và 25% lợi nhuận gộp, thì sang niên độ 2020 - 2021, những con số trên đã tăng lần lượt là 34,7% và 39,1%.
Riêng trong quý IV của niên độ 2020 - 2021, ITD ghi nhận doanh thu 188,2 tỷ đồng, tăng 35,5% so với cùng kỳ niên độ trước và lợi nhuận sau thuế đạt 20,1 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi. Lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với doanh thu nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 29,3% so với mức 25,05% cùng kỳ năm trước, giúp giá trị lợi nhuận gộp tăng đến 58,5%.
Rủi ro từ khoản phải thu
Báo cáo tài chính của ITD cho thấy, tính đến cuối niên độ 2020 - 2021, quy mô tài sản của Công ty là 593,4 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu niên độ. Trong đó, các khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 48,9%; giá trị 290,4 tỷ đồng, tăng 25,3% so với đầu niên độ. Đối tác phải thu lớn nhất của ITD là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC với 87,17 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị phải thu của Công ty.
Việc bị đối tác chiếm dụng vốn và giá trị các khoản phải thu tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của ITD có xu hướng nhỏ hơn khá nhiều so với lợi nhuận.
Trong niên độ 2020 - 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh của ITD là 6,4 tỷ đồng, tương đương hơn 10% lợi nhuận trước thuế.
Cũng cần lưu ý là, do đặc thù ngành kinh doanh, ITD còn phải thực hiện trích lập dự phòng cho chi phí bảo hành. Trong niên độ 2020 - 2021, giá trị trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa của Công ty đã tăng 7,2 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh âm hoặc thặng dư thấp hơn nhu cầu đầu tư vào tài sản và chi trả cổ tức đã khiến nợ vay của Công ty có xu hướng gia tăng. Tính đến ngày 31/3/2021, dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn là 79 tỷ đồng, tăng gấp 2,27 lần dư nợ đầu niên độ.
Dù tỷ lệ nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn còn khá thấp, chỉ 14,4%, nhưng xu hướng vay nợ tăng đang làm tăng đáng kể chi phí tài chính mà chủ yếu là chi phí lãi vay phải trả, từ 424 triệu đồng trong niên độ 2018 - 2019 lên 1,77 tỷ đồng trong niên độ 2019 - 2020 và 3,74 tỷ đồng trong niên độ 2020 - 2021.
Bên cạnh vấn đề dòng tiền, giá trị trích lập dự phòng phải thu khó đòi của ITD cũng đang có xu hướng tăng nhanh theo giá trị các khoản phải thu.
Tính đến hết quý IV niên độ 2020 - 2021, trong khoản mục “Phải thu khách hàng” của ITD có giá trị 296,5 tỷ đồng, thì trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên tới 37,7 tỷ đồng, chiếm 12,7%, tăng 48,4% so với đầu niên độ. Giá trị trích lập dự phòng tăng nhanh và chiếm tỷ lệ lớn trong khoản mục phải thu nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là vấn đề ẩn chứa nhiều rủi ro cho lợi nhuận và dòng tiền của ITD trong tương lai.
Lâm Vũ