Đúng như dự đoán của giới phân tích chứng khoán, thực hiện quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty HDI Global SE đã bán cổ phiếu Công ty cổ phần PVI, nhưng sang tay qua hình thức thỏa thuận.
HDI thực thi quyết định xử phạt thế nào?
Cuối tháng 4/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định phạt vi phạm hành chính đối với HDI Global SE (HDI), tổng số tiền phạt là 185 triệu đồng. Lý do là công ty này vi phạm nhiều lỗi, trong đó có hành vi thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với một chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định; vi phạm tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, che giấu tỷ lệ sở hữu cổ phiếu thực.
Theo cơ quan chức năng, tính đến ngày 31/1/2019, HDI sở hữu tổng cộng 126.297.216 cổ phiếu PVI, bao gồm sở hữu trực tiếp 83.711.071 đơn vị, sở hữu 27.117.895 đơn vị thông qua Funderburk Lighthouse Limited (FLL), sở hữu 15.468.250 đơn vị thông qua Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời, chiếm 54,64% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết và vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại PVI (49%) trước ngày 19/4/2019.
Ngoài bị phạt tiền, HDI còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải chuyển nhượng cổ phiếu trong thời hạn tối đa 60 ngày để giảm tỷ lệ nắm giữ theo quy định.
Trước khi thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, giới phân tích chứng khoán đã đặt ra câu hỏi, HDI sẽ bán ra cổ phiếu PVI theo phương thức nào, khớp lệnh hay thỏa thuận? Có hay không việc một tổ chức hay cá nhân đầu tư nào đó được thỏa thuận để đứng ra làm “chân gỗ” mua lại số cổ phần PVI mà HDI sẽ thoái vốn?
HDI sau đó đã thông báo bán ra hơn 13,8 triệu cổ phiếu PVI trong khoảng thời gian từ ngày 10/6 - 22/6/2021, tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 85,3 triệu cổ phiếu PVI, tương đương với 38,18% vốn điều lệ.
Trong phiên 22/6, thị trường ghi nhận 13,8 triệu cổ phiếu PVI được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị 501 tỷ đồng, tương ứng bình quân khoảng 36.300 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) công bố, ngày 22/6 đã mua hơn 13,8 triệu cổ phiếu PVI, tỷ lệ nắm giữ cổ phần là 5,91% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn tại PVI.
Cùng ngày 22/6, tổ chức có liên quan với HDI là FLL bán ra gần 123.000 cổ phiếu PVI, giảm sở hữu xuống 27 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 12,08%. Ngoài ra, FLL đăng ký bán thêm 2 triệu cổ phiếu PVI từ ngày 21/6 đến 16/7/2021 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Hiện tại, tổng số lượng cổ phiếu PVI mà nhóm nhà đầu tư có liên quan đến HDI nắm giữ là 112,3 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,26%. Nếu FLL hoàn tất bán cổ phiếu PVI như đã đăng ký, tỷ lệ sở hữu của HDI và FLL sẽ xuống dưới 49%.
Theo đó, cơ cấu cổ đông ở PVI tới đây sẽ ở thế chân kiềng. Nhóm cổ đông nước ngoài HDI và FLL sở hữu dưới 49%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu gần 36%, HSC sở hữu trên 5%. Với cơ cấu cổ đông như vậy, HSC nghiêng về bên nào, bên đó có tiếng nói quan trọng tại PVI.
Có hay không một thỏa thuận ngầm giữa nhóm cổ đông HDI và HSC như đã từng tồn tại thỏa thuận giữa HDI và Sunway (công ty có trụ sở trùng với địa chỉ trụ sở của Chứng khoán SSI tại 1C Ngô Quyền, Hà Nội) là câu hỏi mà thị trường đang quan tâm.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, trước khi thông báo bán cổ phiếu PVI, HDI đã có công văn hỏi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc thực hiện việc bán ra như thế nào để tuân thủ quyết định của cơ quan này.
Thế khó ở PVI
Từ cuối năm 2020, HDI có tỷ lệ sở hữu cổ phần trực tiếp và gián tiếp lên tới 53,92% vốn điều lệ PVI, đồng thời có 5 đại diện nắm ghế thành viên Hội đồng quản trị. PVN sở hữu gần 36% cổ phần PVI, với 4 ghế trong Hội đồng quản trị.
Hiện tại, Hội đồng quản trị PVI có 8 thành viên, sau khi một thành viên thuộc nhóm HDI tử nạn hồi đầu năm nay trong một tai nạn ở Đức. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của PVI, nội dung bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng quản trị do HDI đưa ra đã bị phủ quyết.
Cùng với động thái thoái bớt vốn của cổ đông lớn nước ngoài, Hội đồng quản trị PVI mới đây đã thông báo chốt danh sách cổ đông để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 31/7 tới.
Một nguồn tin cho biết, nội dung của đại hội sẽ bàn về ghế Tổng giám đốc PVI và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.
Vào cuối tháng 7/2021, nhiệm kỳ của ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc (CEO) PVI sẽ kết thúc. Ông Thuận đã có hơn 20 năm gắn bó với PVI và giữ nhiều vị trí quan trọng tại Công ty. Để được tái bổ nhiệm, ông Thuận phải được Hội đồng quản trị phê chuẩn. Hiện nay, Hội đồng quản trị PVI rất phân hóa, trong đó có 4 ghế thuộc về cổ đông lớn HDI, 4 ghế do PVN giới thiệu.
Theo Luật Doanh nghiệp, khi số phiếu trong hội đồng quản trị là cân bằng, quyết định sẽ nghiêng về phía có lá phiếu của chủ tịch, tức nhóm cổ đông HDI đang có cơ hội đưa người vào vị trí CEO. Tuy nhiên, điều lệ PVI có quy định, CEO của doanh nghiệp phải được đại hội đồng cổ đông phê chuẩn. Hiện PVN sở hữu trên 35% cổ phần tại PVI, đồng nghĩa có quyền phủ quyết nhân sự CEO.
Ứng viên CEO nào sẽ được cả 2 bên ủng hộ là câu hỏi được quan tâm ở PVI lúc này, nhưng câu hỏi lớn hơn là các cổ đông lớn của PVI sẽ ngồi lại với nhau như thế nào để các “trận chiến” căng thẳng như trong thời gian qua kết thúc?
Một nguồn tin chia sẻ, cơ quan chức năng đã có công văn yêu cầu PVN phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để bảo vệ quyền lợi cổ đông nhà nước tại PVI.
Thủy Anh - Hoàng Việt