ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch doanh thu 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận 175 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 31% so với kết quả đạt được năm 2020.
Hôm nay (30/6), CTCP Fecon (HoSE: FCN) tổ chức họp ĐHĐCĐ, trình kế hoạch doanh thu 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận 175 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 31% so với kết quả đạt được năm 2020. Fecon lên kế hoạch đầu tư 340 tỷ đồng vào các dự án năng lượng tái tạo và dự án hạ tầng đô thị trong thị trong năm nay và nâng lên 1.220 tỷ đồng trong năm 2022. Dự kiến công ty sẽ chia cổ tức không quá 10% vốn điều lệ.
Chỉ tiêu | Thực hiện 2019 | Kế hoạch 2002 | Thực hiện 2020 | Kế hoạch 2020 |
Doanh thu hợp nhất | 3092 | 4.000 | 3.154 | 3.900 |
LNST hợp nhất | 212 | 233 | 133 | 175 |
Đơn vị: Tỷ đồng
Về định hướng hoạt động trong năm 2021, công ty sẽ nâng cao tỷ trọng doanh thu các mảng kinh doanh chiến lược; nâng cao nền tảng tài chính, tái cấu trúc mảng đầu tư dự án theo hướng tập trung; đẩy mạnh đội ngũ đấu thầu EPC, quản lý dự án... trong các mảng chiến lược mới, đặc biệt là mảng xây dựng công nghiệp và đầu tư.
Đại hội trình cổ đông không tiếp tục thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược như kế hoạch đề ra năm 2020, thay vào đó, phát hành 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán 13.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị chào bán dự kiến là 416 tỷ đồng trong năm nay. Mục tiêu của đợt phát hành là nâng cao năng lực tài chính để phát triển và triển khai các dự án sắp tới, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo và môi trường, bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch doanh thu 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận 175 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 31% so với kết quả đạt được năm 2020. Ảnh: Thuỷ Tiên |
Không hoàn thành kế hoạch 2020
Năm 2020, Fecon ghi nhận doanh thu 3.159,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so với kết quả đạt được năm 2019 nhưng chỉ đạt 79% so với mục tiêu đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 133,5 tỷ đồng, tương đương 57% kế hoạch năm và thấp hơn năm trước khoảng 38%.
Trong đó, lĩnh vực thi công đạt 98% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chưa hoàn thành, theo lý giải của hội đồng quản trị, là do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường với sự tham gia của nhiều đối thủ trong nước và quốc tế. Một số dự án lớn chậm triển khai so với kế hoạch cũng là nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng.
Tuy nhiên, công ty vẫn giữ được sự hiện diện trên thị trường nền móng và phát triển mảng chiến lược mới là xây dựng công nghiệp/năng lượng và công trình ngầm. Bằng chứng là Fecon ghi nhận giá trị hợp đồng khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm, mức cao nhất từ trước đến nay và 60% tỷ trọng nằm ở 2 mảng mới.
Trong lĩnh vực đầu tư, công ty chưa thực hiện hoá được lợi nhuận do dịch Covid-19 khiến việc triển khai các cơ hội hợp tác bị gián đoạn và các giao dịch thoái vốn dự án chưa kịp hoàn thành để đóng góp vào lợi nhuận. Tuy nhiên, Fecon đã hoàn thủ tục và triển khai dự án đầu tư Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng 30 MW có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, các dự án năng lượng sạch tại Bình Thuận, Gia Lai, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp tục theo đuổi các dự bất động sản đô thị tại Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Đồng Tháp. Tính đến nay, trong danh mục phát triển đầu tư dự án của Fecon, có trên 1.000 MW năng lượng tái tạo, trên 800 ha khu công nghiệp và trên 250 ha khu đô thị.
Trong năm qua, doanh nghiệp phát hành 5,9 triệu cổ phiếu trả cổ tức 5% và 2 lần phát hành trái phiếu với tổng khối lượng 130 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. Toàn bộ số trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản.
Thảo luận
- Các lý do khiến công ty không phát hành được cổ phiếu cho cổ đông chiến lược năm 2020? Bài học nào được rút ra?
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT: 3 năm qua, Fecon không phát hành được cổ phiếu cho cổ đông chiến lược do tình hình thị trường chứng khoán bất lợi cho các doanh nghiệp xây lắp. Tại ĐHCCD 2020, chúng tôi đang đàm phán sát với một nhà đầu tư Trung Quốc tuy nhiên sau đại hội lại nhận được thông tin không tích cực về nhà đầu tư này. Để tránh xung đột, chúng tôi không đàm phán tiếp.
Ngay sau đó, chúng tôi đã làm việc với các nhà đầu tư khác và đến thời điểm này đang đàm phán vòng cuối với 2 nhà đầu tư. Giá ban đầu được thông qua là 15.000 đồng/cp nhưng thị trường năm vừa rồi rất xấu, giá cổ phiếu công ty xây lắp giảm sâu, cổ phiếu FCN cũng có lúc xuống dưới 10.000 đồng/cp, từ đó, kết quả đàm phán cuối cùng là 13.000 đồng/cp.
- Ngoài bất động sản dân cư, Fecon có kế hoạch lấn sang BĐS khu công nghiệp (KCN) không? Các dự án đang theo đuổi và lợi thế của Fecon là gì?
Ông Phạm Việt Khoa: KCN là một trong các mảng Fecon ưu tiên, công ty đang theo đuổi các KCN thuận lợi về vị trí ở Bắc Giang và Thái Nguyên và xem xem, nghiên cứu một khu ở phía Nam, gần TP HCM. Tên KCN thì chúng tôi chưa thể tiết lộ vì lý do pháp lý.
Nói về lợi thế của Fecon, chúng ta là doanh nghiệp chuyên về hạ tầng, nếu đầu tư KCN thì có thể làm được hết về thi công, hạ tầng. Ngoài ra, chúng ta có mạng lưới đối tác lớn từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, nếu đầu tư thì sẽ thu hút được các nhà sản xuất đến thuê. Bên cạnh đối tác, chúng ta có thể tận dụng đối tác của các nhà đầu tư của Fecon. Chúng tôi tự tin mảng KCN sẽ mang lại lợi ích cho Fecon trong thời gian tới.
- Giá nguyên vật liệu tăng mạnh đã ảnh hưởng như thế nào đến Fecon?
Ông Phạm Việt Khoa: 5 - 6 tháng qua, giá nguyên vật liệu tăng phi mã, đặc biệt là giá thép. Một số dự án bị ảnh hưởng, đặc biệt là các dự án dân dụng khi không có điều khoản điều chỉnh giá. May mắn là cuối 2020, đầu năm 2021, chúng tôi đã làm việc được với một nhà cung cấp thép rất lớn của Nhật Bản, họ đồng ý cung cấp thép với giá không đổi trong 6 tháng. Một số nguyên vật liệu khác là đá và cát, chúng ta đã đàm phán trực tiếp với các chủ đầu tư để họ tháo gỡ, hỗ trợ. Các dự án điện gió đã đàm phán được với các chủ đầu tư.
Trong giai đoạn vừa rồi, chúng tôi đã sát sao trong việc đôn đốc, đàm phán giá, dự phòng việc tăng giá và đưa ra điều khoản điều chỉnh giá với các chủ đầu tư.
- Vì sao giá cổ phiếu Fecon không tăng so với thị trường?
Ông Phạm Việt Khoa: Giai đoạn 2020 và đầu năm 2021, công ty chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và suy giảm kinh tế toàn cầu, các dự án bất động sản, hạ tầng, KCN bị dừng, chậm tiến độ. Đặc biệt, các dự án KCN lớn bị chậm cả năm vì các chuyên gia nước ngoài không sang được. Ngoài ra, tình hình chung của các công ty xây lắp cũng rất khó khăn, phải giảm giá để vào được các dự án. Do đó, kết quả kinh doanh không được như mong đợi, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Cách duy nhất để tăng giá cổ phiếu là đạt kết quả kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.
- Cơ sở nào để xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021?
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc: Về doanh thu, chúng tôi căn cứ từ hợp đồng chuyển tiếp từ năm 2020 khoảng hơn 2.000 tỷ đồng và các hợp đồng ký mới. Từ đầu năm đến nay, công ty đã ký mới được 1.600 tỷ đồng rồi. Chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu doanh số.
Lợi nhuận 175 tỷ, chúng tôi có thể đạt được từ sản xuất kinh doanh, xây dựng khoảng 140-150 tỷ đồng, thoái vốn và thu lợi nhuận từ dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 khoảng hơn 30 tỷ đồng. Chúng tôi cũng kỳ vọng thu được lợi nhuận từ các dự án bất động sản nếu điều kiện thuận lợi. Nếu thoái được vốn thì mục tiêu lợi nhuận là khả thi.
- Gần đây có các dự án điện gió ngoài khơi với vốn đầu tư lớn sắp vào Việt Nam, Fecon có kế hoạch gì để thi công các dự án nước ngoài như thế này không?
Ông Phạm Việt Khoa: Chiến lược 2020-2025, Fecon trở thành tổng thầu xây dựng công nghiệp và hạ tẩng ở Việt Nam. Năm nay, chúng tôi đang triển khai các dự án điện gió đầu tiên với vị trí tổng thầu xây dựng, hạ tầng, đã ký được 8 dự án, sắp tới sẽ đàm phán 5-6 dự án và kỳ vọng trúng 3-4 trong số đó, tất cả là các dự án trên bờ và gần bờ. Còn ngoài khơi thì chúng tôi đang tích cực tiếp cận nguồn lực công nghệ tiên tiến để thi công được bởi kết cấu lớn hơn, điều kiện thi công khó hơn, mực nước sâu hơn, sâu trên dưới 50m. Fecon đang nghiên cứu cùng lúc 3 công nghệ thi công điện gió ngoài khơi.
- Tổng giá trị hợp đồng đã ký mà chưa ghi nhận doanh thu?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Giá trị hợp đồng đã ký và thực hiện trong năm 2021 là 3.600 tỷ đồng. Trong đó, 2.000 tỷ đồng được chuyển tiếp từ năm 2020 và 1.600 ký mới từ đầu năm đến nay. Chúng tôi đã thực hiện sản lượng 2.000 tỷ đồng, ghi nhận doanh thu 1.400 tỷ đồng, còn lại là chưa thực hiện và dự kiến ghi nhận trong thời gian tới.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Thủy Tiên