Casumina thận trọng với kế hoạch kinh doanh

BDT | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 29 Tháng Sáu 2021 13:52:00

Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) đưa ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với năm 2020, dựa trên những thách thức mà Casumina phải đối mặt.

Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng vọt, cạnh tranh gay gắt và xuất khẩu vào thị trường Mỹ chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển tăng cao, cùng chính sách thuế chống trợ cấp chính phủ và thuế chống bán phá giá là những khó khăn mà Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) đang phải đối mặt.

Nguyên vật liệu tăng giá

Tai Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, HĐQT Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 4.504,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, giảm 7% về doanh thu và 12% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2020.

Đây được xem là kế hoạch thận trọng sau khi Công ty vừa kết thúc năm 2020 khá thành công với doanh thu tăng 10% và lợi nhuận tăng 73%, bất chấp ảnh hưởng do Covid-19. Tuy vậy, sự thận trọng này được đánh giá là có cơ sở trong bối cảnh từ đầu năm đến nay các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như cao su tự nhiên, cao su tổng hợp, thép, than đen đều tăng giá mạnh.

Tính đến giữa tháng 6/2021, giá hợp đồng cao su tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2021 tại Sở Giao dịch hàng hóa Osaka ở mức quanh 237 JPY (2,2 USD)/kg, cao hơn trên 70% so với thời điểm cách đây 1 năm. Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, có lúc giá mặt hàng này đã tăng lên mức 330 JPY/kg và thiết lập vùng giá cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Giá cao su tăng trong bối cảnh sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2020 giảm do thời tiết bất thường, bệnh ở cây cao su ảnh hưởng đến sản xuất tại nhiều nước. Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRCP) mới đây dự báo sản lượng cao su ở một số nước thành viên như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và Sri Lanka quý II/2021 sẽ thấp hơn so với quý I/2021. Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên thế giới đang tăng do nhu cầu sản xuất các sản phẩm phòng dịch như găng tay y tế, hoạt động sản xuất tại nhiều nước hồi phục sau những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin.

Cao su tự nhiên, cao su tổng hợp và than đen là những nguyên vật liệu chính, chiếm gần 60% chi phí nguyên vật liệu sản xuất săm lốp. Bởi vậy, giá nguyên vật liệu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo Báo cáo tài chính của Casumina, trong quý I/2021, biên lợi nhuận gộp đạt 15,3%, giảm so với mức 17,34% của quý III/2020, dù theo chia sẻ của HĐQT, trước tình hình giá cao su thiên nhiên tăng cao, Công ty đã 2 lần điều chỉnh giá bán trong tháng 12/2020 và tháng 4/2021, mỗi lần tăng 3% để bù vào phần tăng chi phí nguyên vật liệu.

Hoạt động xuất khẩu còn chịu ảnh hưởng hơn khi các sản phẩm của Công ty trong nhóm bị Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định áp thuế chống trợ cấp chính phủ (CVD) và thuế chống bán phá giá (AD) từ cuối năm 2020. Tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo Công ty cho biết, Công ty đã giảm 5% giá bán cho các khách hàng đối với các dòng sản phẩm chịu thuế để cùng chia sẻ các mức thuế này với đối tác.

Sản lượng tiêu thụ dự kiến sụt giảm

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Casumina, ngoại trừ dòng sản phẩm lốp radial toàn thép (TBR) cho ô tô, máy kéo được kỳ vọng tăng trưởng 32% so với năm 2020 và dòng sản phẩm ống cao su dân dụng tăng trưởng 20%, kế hoạch sản lượng tiêu thụ của đa phần dòng sản phẩm còn lại đều giảm, trong đó mức giảm dự kiến của dòng sản phẩm lốp radial bán thép (PCR) cho ô tô, máy kéo đến 44%. Sản lượng giảm cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch doanh thu giảm, dù giá bán các sản phẩm đã tăng theo áp lực tăng chi phí đầu vào.

Tại thị trường nội địa vốn đang đóng góp khoảng 60% vào doanh thu Công ty, tình hình kinh doanh các dòng sản phẩm chính đều gặp khó khăn về động lực tăng trưởng.

Cụ thể, đối với mảng săm lốp xe đạp được xem là không còn dư địa tăng trưởng do nhu cầu sử dụng các phương tiện thô sơ giảm, khiến doanh số bán hàng hầu như không tăng, thậm chí sụt giảm những năm gần đây. Đối với dòng sản phẩm săm và lốp xe máy, tốc độ tăng trưởng cũng chậm do cạnh tranh từ các nhà sản xuất khác và từ lốp nhập khẩu, cùng xu hướng dùng lốp không săm. Tại mảng lốp ô tô, máy kéo, các sản phẩm lốp radial toàn thép cũng bị cạnh tranh từ các thương hiệu lớn như Bridgestone, Goodyear, Michelin và đặc biệt là lốp giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan…

“Để giữ được thị phần trong điều kiện mãi lực thị trường nội địa suy giảm, các doanh nghiệp sản xuất săm lốp đã tìm mọi cách cạnh tranh lẫn nhau, đặc biệt về giá bán và áp dụng các chính sách theo hướng tiêu cực, làm thu hẹp hiệu quả tính trên toàn bộ ngành và tạo điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài lấn dần thị phần, gây bất lợi về lâu dài cho ngành sản xuất săm lốp xe Việt Nam”, Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2020 của Casumina đánh giá.

Thực tế, doanh thu nội địa của Casumina đã tăng trưởng khá thấp thời gian qua, với chỉ 3,1% trong năm 2020. Trước đó, trong năm 2019, khi thị trường chưa chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mức tăng trưởng cũng chỉ 3,7%.

Đối với thị trường xuất khẩu, vốn là động lực tăng trưởng doanh thu chính những năm gần đây, mức tăng 12,4% về doanh thu trong năm 2020 cũng giảm đáng kể so với tăng trưởng 27% của năm 2019.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, lãnh đạo Casumina cho biết, Công ty đang hướng đến xuất khẩu sang châu Âu cũng như các nước ASEAN để hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam đã ký. Công ty cũng chuẩn bị đẩy mạnh nguồn hàng cho các đối tác tại Brazil sau khi nước này vừa tăng thuế đối với lốp Trung Quốc. Tuy vậy, việc phát triển các thị trường mới cần nhiều thời gian.

Lâm Vũ