Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của tập đoàn gồm doanh thu 26.914 tỷ đồng, tăng 4%; lợi nhuận thấp hơn 10% so với năm ngoái đạt 4.564 tỷ đồng.
Sáng nay 25/6, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (HoSE: GVR) tổ chức đại hội cổ đông thường niên trực tiếp và thông qua livestream.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Ngọc Nhi |
2021 vẫn là một năm khó, kế hoạch lợi nhuận giảm 10% dù doanh thu tăng
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu 26.914 tỷ đồng, tăng 4% nhưng lợi nhuận dự kiến thấp hơn 10% so với năm ngoái đạt 4.564 tỷ đồng.
Báo cáo tại đại hội, đại diện lãnh đạo tập đoàn nhìn nhận năm 2021 dự báo tiếp tục là một năm khó khăn, nhất là đối với hoạt động khai thác mủ cao su, lĩnh vực kinh doanh mang về doanh thu cao nhất với hơn 13.000 tỷ đồng năm 2020.
Theo GVR, giá bán cao su đã có tín hiệu khởi sắc nhưng chưa cao như kỳ vọng. Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết chỉ tiêu năm nay dựa trên dự báo giá cao su trung bình ở mức 37 - 38 triệu đồng/tấn, cao hơn khoảng 6-7 triệu đồng/tấn so với năm ngoái.
Ông Thuận nói thêm, GVR truyền thống đi lên từ lĩnh vực nông nghiệp và có thêm yếu tố công nghiệp sau này. Nếu nhìn vào nền nông nghiệp cả nước thì tăng trưởng không quá 3%. “Do đó kế hoạch 5 năm chúng tôi đề ra với mức tăng trưởng 8%/năm là an toàn và mang tính lâu dài. Về nguyên tắc quỹ đất, nguồn lực chưa sử dụng giá trị vẫn còn nguyên, nên việc chuyển đổi phát triển hoàn toàn bền vững”, vị chủ tịch nhấn mạnh.
Bên cạnh cao su, GVR còn hoạt động trong 4 lĩnh vực chính khác bao gồm chế biến gỗ; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận lớn nhất là mảng khu công nghiệp mang về 1.522 tỷ đồng doanh thu và 821 tỷ đồng lợi nhuận.
Lãnh đạo GVR cho rằng năm 2021 khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó khối khu công nghiệp thực sự chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…Cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn vẫn tiếp tục kéo dài, biến đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực cùng với yêu cầu tái thiết các công ty cao su khu vực miền Trung do thiên tại dịch của năm 2020 chuyển qua cần phải xử lý, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ… sẽ tiếp tục tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Ông Phạm Văn Thành, Thành viên HĐQT GVR, cho biết các mảng đóng góp lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 bao gồm lĩnh vực nông nghiệp cao su 3.800 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su ước khoảng 700-800 tỷ đồng. Khoảng 500 tỷ đồng từ hỗ trợ bội thường đất. Riêng thoái vốn lợi nhuận dự kiến khoảng 350-400 tỷ đồng, nhưng có thể có triển vọng cao hơn, còn lại khoảng 100-200 tỷ đồng là các lĩnh vực khác.
Ban lãnh đạo công ty cũng nhấn mạnh kế hoạch năm 2021 được xây dựng trên cơ sở tiềm năng của các đơn vị thành viên và phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp. Nếu các cơ chế về đất đai, thoái vốn sớm được khai thông thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn sẽ cao hơn nhiều vì có thể khai thác hết các thế mạnh vốn có của Tập đoàn.
Tăng mạnh đầu tư, tự tin kế hoạch chuyển đất khu công nghiệp
Cũng tại đại hội, GVR đã đưa ra kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu tăng trưởng hơn 50% tổng lợi nhuận. Trong đó, tập đoàn định hướng giảm diện tích đất trồng cao su từ hơn 402.000 ha hiện nay xuống còn khoảng 300.000 ha trong vòng 5-10 năm tới.
Mặc dù giảm diện tích trồng nhưng kế hoạch sản lượng cao su của GVR dự kiến tăng đều trong 5 năm tới. Tổng giám đốc Huỳnh Văn Bảo cho biết điều kiện để đưa ra cơ sở tăng sản lượng cao su trong các năm tới là phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, theo đó diện tích đưa vào kinh doanh sẽ bằng hoặc cao hơn hiện nay. Năm 2021, kế hoạch sản lượng cao su đạt 380.000 tấn, riêng nửa đầu năm ước đạt khoảng 31%, con số cả năm sẽ có chênh lệch so với kế hoạch nhưng không lớn.
Cũng theo chiến lược đề ra trong đề án tái cơ cấu sau cổ phần hoá gửi Chính phủ xem xét, diện tích đất cao su của GVR dự kiến giảm khoảng 100.000 ha. Quỹ đất này sẽ được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng sang phát triển khu công nghiệp khoảng 20.000 ha, phát triển nông nghiệp công nghệ cao 40.000 ha và còn lại dùng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng dự án, cũng nhu cầu sử dụng của từng địa phương.
Cũng theo lãnh đạo GVR, năm 2021 Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Việc chuyển đổi theo hướng làm việc với địa phương để có quy hoạch, sau đó triển khai hằng năm. Nghị định 148 đã tháo gỡ bước đầu, khẳng định nghị quyết 20 của Quốc hội về việc không phải đấu giá để làm chủ đầu tư khai thác khu công nghiệp trên đất trồng cao su. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo nghị định khác có liên quan để xác định pháp lý. Để thực hiện nội dung này cần có thời gian, tuy nhiên chúng tôi tin Chính phủ thấy nhu cầu địa phương cao và quỹ đất chúng tôi có, kế hoạch mở khu công nghiệp sẽ đạt đúng kế hoạch đề ra”, chủ tịch GVR nói thêm.
Theo ông Phạm Văn Thành, hiện nay tập đoàn đang triển khai dự án mở rộng khu công nghiệp Nam Tân Uyên, khu công nghiệp Rạch Bắc, khu công nghiệp Tân Bình (Bình Dương), khu công nghiệp Minh Hưng, Bắc Đồng Phú (Bình Phước), riêng khu công nghiệp Hiệp Thạnh (Tây Ninh) quy mô 500 ha đang hoàn chỉnh thủ tục. Tại Đồng Nai, GVR có các dự án khu công nghiệp Long Khánh, Dầu Giây mở rộng, đang xin thủ tục đầu tư khu công nghiệp Cẩm Mỹ nhưng dự kiến phải đến 2022- 2023 mới triển khai được. Tại khu vực Tây Nguyên, GVR đang triển khai khu công nghiệp Nam Pleiku 300 ha, và làm việc với một số tỉnh để triển khai vài cụm công nghiệp trên khu vực với diện tích mỗi cụm 50 đến 70 ha.
Đáng chú ý, năm nay, GVR tăng mạnh kế hoạch đầu tư phát triển với 2.631 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm ngoái. Trong đó phần lớn tập trung cho đầu tư tài chính dài hạn. Theo Tổng giám đốc Huỳnh Văn Bảo, kế hoạch 2.000 tỷ đồng tập trung vào các dự án dang dở, tái canh vườn cây hiện có, xây dựng các nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu. “Thông thường các dự án đầu tư cao su kéo dài 10-15 năm và gần như không phát triển dự án mới”. Riêng tại công ty mẹ, kế hoạch đầu tư năm nay 580 tỷ đồng chủ yếu là tiền mua lại khu đất 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa làm trụ sở công ty kết hợp khai thác kinh doanh. “Đây là dự án tập đoàn đã xin thủ tục mua lại nhiều năm nay, nếu cơ chế được thông qua, chúng tôi sẽ đóng tiền sử dụng đất để xây dựng”, ông Bảo nói.
Ngọc Nhi