Là doanh nghiệp mạnh, tiền mặt dư dả, mạnh tay tái cấu trúc, hoạt động của Vinaconex đã có hiệu quả rõ rệt, được thể hiện trên báo cáo tài chính quý I/2021.
Mạnh tay tái cấu trúc
Nhằm cơ cấu lại khoản đầu tư, từ ngày 22-30/6/2021, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG, sàn HOSE) đăng ký mua hơn 6,4 triệu cổ phần CTCP Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 2 (NEDI 2, mã ND2, sàn UpCoM) thông qua cả 2 hình thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nếu thương vụ thành công, Vinaconex sẽ nâng sở hữu tại NEDI 2 từ 38% lên 51,1% (hơn 25,5 triệu cổ phần).
Trước đó, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của Nedi 2, các cổ đông đã thông qua tờ trình về việc để Vinaconex nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Nedi 2 mà không phải thông qua hình thức chào mua công khai. Theo danh sách, có 7 nhà đầu tư đều là các cá nhân, sẽ chuyển nhượng tổng số cổ phần bằng đúng số cổ phần Vinaconex chào mua nói trên.
Đáng chú ý, đầu năm 2021, cũng chính Vinaconex đã chuyển nhượng gần 17,5 triệu cổ phần ND2, tương ứng tỷ lệ 35% cho Toyota Tsusho Corporation.
Ngoài ra, Vinaconex gần đây cũng công bố sẽ góp 620 tỷ đồng nhằm tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư lên mức 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vinaconex sẽ góp thêm 600 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng nhằm tăng vốn điều lệ tại đây lên 800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II và quý III/2021. Đây đều là các doanh nghiệp mà Vinaconex nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Ở chiều ngược lại, Vinaconex đã hoàn tất chuyển nhượng phần vốn góp hơn 24 tỷ đồng (tương ứng 12% vốn) tại Công ty TNHH VINA-SANWA cho Tập đoàn SANWA Holdings cũng trong tháng 6. Kể từ ngày 14/6, Công ty TNHH VINA-SANWA sẽ chính thức không còn là công ty liên doanh tại Vinaconex. Trước đó, hồi tháng 5/2021, Vinaconex cũng thoái toàn bộ vốn tại công ty con là CTCP Xây dựng Đà Nẵng.
Có thể nói, một loạt động thái thoái vốn, tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu, bơm vốn cho các công ty con được Vinaconex thực hiện từ đầu năm đến nay nằm trong chiến lược tái cấu trúc của công ty.
Chính hoạt động này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, được thể hiện trên báo cáo tài chính quý I/2021 của Vinaconex. Cụ thể, quý I/2021, mặc dù doanh thu thuần chỉ đạt 952 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng Vinaconex ghi nhận lợi nhuận sau thuế 345 tỷ đồng, gấp 5,4 lần cùng kỳ.
Đóng góp chủ yếu trong số đó là 452 tỷ đồng từ lãi chuyển nhượng công ty con, công ty liên doanh liên kết. Trong văn bản giải trình, Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông cũng xác nhận đây là nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận của Tổng công ty tăng mạnh trong quý I.
So với kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu hợp nhất dự kiến là 12.230 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.008 tỷ đồng, Vinaconex đã hoàn thành 35% chỉ tiêu lãi sau thuế cả năm.
Tiền mặt là thế mạnh của Vinaconex
Mặc dù hoạt động thoái vốn đem lại dòng tiền rất tốt cho Vinaconex, nhưng như đã nêu ở trên, công ty cũng đang mạnh tay thực hiện thâu tóm, bơm vốn vào các công ty con.
Dựa trên các số liệu thể hiện ở Bảng cân đối kế toán, có thể thấy tiền mặt là thế mạnh của Vinaconex.
Tính đến 31/3/2021, tiền và các khoản tương đương tiền của Vinaconex xấp xỉ 895 tỷ đồng, giảm 1.100 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, Vinaconex vẫn còn 1.693 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, mà chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 3 đến 12 tháng tại các ngân hàng.
Dù dư dả tiền mặt, nhưng Vinaconex cũng ghi nhận dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm hơn 1.512 tỷ đồng (cùng kỳ âm 1.061 tỷ đồng). Nguyên nhân chính của vấn đề này là do các khoản phải thu của công ty tăng mạnh.
Để giải bài toán nguồn vốn, tăng sức khỏe tài chính doanh nghiệp, kỳ họp ĐHĐCĐ Vinaconex đã thông qua các phương án phát hành cổ phiếu và trái phiếu dự kiến sẽ đem về cho công ty khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ tối đa 2.000 tỷ đồng, phát hành khoảng 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng không bao gồm quyền chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, Vinaconex cũng thông qua phương án chào bán gần 58,29 triệu cổ phiếu với ước tính số tiền có thể thu về ít nhất vào khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngày 10/6 vừa qua, HĐQT Vinaconex cũng đã chốt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo, với tổng mệnh giá trái phiếu phát hành tối đa là 2.200 tỷ đồng. Mục đích của việc huy động trái phiếu là nhằm tăng quy mô vốn cho dự án Phân khu cao tầng CT02 của Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà - Dự án Cát Bà Amatina.
Kỳ Thành