Nhà máy Thượng Kon Tum có công suất hơn 1 tỷ kWh, nâng công suất của doanh nghiệp lên 2,4 lần.
Nhà máy Thượng Kon Tum đã vận hành thương mại từ tháng 4
Nhà máy Thượng Kon Tum của Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH) đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4. Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 18/6, ban lãnh đạo cho biết đang nỗ lực hoàn thành công tác quyết toán, kiểm toán trong tháng 6, hoàn thành công tác đàm phá giá điện trong tháng 7 và 8 để nhà máy được áp dụng giá bán điện mới trong tháng 9.
Nhà máy Thượng Kon Tum đi vào vận hành thương mại sau 11 năm. |
Dự án thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên sông Đắk Nghé là một nhánh của sông Đắk Bla. Công trình có hồ chưa, tuyến đầu mối thuộc 2 địa bàn xã Đắk Kôi huyện Kon Rẫy và xã Đắk Tăng – huyện KonPlong, tỉnh Kon Tum.
Vĩnh Sơn -Sông Hinh được phê duyệt quyết định đầu tư vào dự án thủy điện Thượng Kon Tum từ 2009. Trải qua 11 năm với không ít vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, chậm trễ ở tuyến năng lượng hay sự rút lui của nhà thầu Trung Quốc, nhà máy được hoàn thành toàn bộ vào tháng 10/2020.
Dự án có công suất thiết kế 220 MW, sản lượng điện trung bình hơn 1 tỷ kWh. Ban đầu, nhà máy có tổng vốn đầu tư 5.744 tỷ đồng nhưng đến nay tăng lên hơn 9.000 tỷ đồng.
Sau khi nhà thầu Trung Quốc rút khỏi dự án Thượng Kon Tum thì REE Corporation (HoSE: REE) bắt đầu đổ vốn vào Vĩnh Sơn - Sông Hinh thông qua mua phần vốn từ SCIC. Vào đầu năm 2020, REE tiếp tục nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên hơn 50% vốn. Không chỉ vậy, REE liên tiếp rót hàng trăm tỷ đồng mua trái phiếu của Vĩnh Sơn – Sông Hinh để tài trợ dự án Thượng Kon Tum.
Nguồn thu của Vĩnh Sơn – Sông Hinh hiện chủ yếu đến từ 2 nhà máy Vĩnh Sơn và Sông Hinh với tổng công suất khoảng 734 triệu kWh. Như vậy, khi nhà máy Thượng Kon Tum với công suất 1 tỷ kWh đi vào vận hành thương mại sẽ giúp doanh thu bán điện của doanh nghiệp tăng lên đáng kể.
Lên kế hoạch chia cổ tức sau 3 năm
Năm 2020 dù điều kiện thời tiết thuận lợi hơn nhưng lưu lượng nước bình quân về vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm gây khó khăn cho hoạt động sản xuất điện của doanh nghiệp. Do vậy, Vĩnh Sơn – Sông Hinh báo cáo doanh thu thuần giảm 15% xuống 341 tỷ đồng. Song, doanh thu tài chính tăng mạnh đến từ thoái vốn và nhận cổ tức Biditour đã giúp lãi sau thuế doanh nghiệp đạt 188 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm trước.
Tính đến cuối năm 2020, doanh nghiệp tích lũy được nguồn lợi nhuận giữ lại 877 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 356 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ 2.062 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT tiếp tục trình và được cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức 2020 để bảo đảm nguồn vốn cho nhà máy Thượng Kon Tum vận hành ổn định trong giai đoạn đầu. Đây là năm thứ 3 liên tiếp đơn vị không chia cổ tức.
Năm 2021, lãnh đạo Vĩnh Sơn – Sông Hinh cho biết tình hình khí hậu biến đổi bất lợi, diễn biến phức tạp, hạn hán, nắng nóng cục bộ và gay gắt còn tiếp diễn.
Dù vậy, việc nhà máy Thượng Kon Tum đi vào vận hành thương mại có thể giúp sản lượng điện sản xuất gấp đôi năm trước đạt mức 1,4 tỷ kWh, riêng Thượng Kon Tum là 759 triệu kWh. Doanh thu theo đó tăng mạnh từ 341 tỷ đồng lên 1.283 tỷ đồng, riêng Thượng Kon Tum đóng góp 807 tỷ đồng.
Song, lợi nhuận ghi nhận giảm 39% xuống 114 tỷ đồng do dự án Thượng Kon Tum có thể lỗ 53 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 4% vốn điều lệ.
Nguồn: Vĩnh Sơn - Sông Hinh |
Để có nguồn vốn đầu tư dự án Thượng Kon Tum, Vĩnh Sơn – Sông Hinh đã tăng nợ đáng kể. Tính đến cuối quý I, doanh nghiệp có khoản nợ vay dài hạn 4.996 tỷ đồng và nợ vay ngắn hạn 541 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,5 lần. Các năm vừa qua, dự án chưa đi vào vận hành, chi phí lãi vay của doanh nghiệp chỉ rơi vào khoảng 1-1,3 tỷ đồng mỗi năm. Khi nhà máy Thượng Kon Tum vận hành thương mại thì chi phí này có thể tăng mạnh.
Quý I, tương tự nhiều doanh nghiệp thủy điện khác, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng mạnh từ 36 tỷ lên 190 tỷ đồng; lãi sau thuế 101 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 1 tỷ đồng.
Tường Như