Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS) sẽ chi trả cổ tức còn lại của năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông nhận về 5.000 đồng/cổ phiếu.
Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) vừa ra thông báo chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức còn lại năm 2020 bằng tiền, với tỷ lệ chi trả 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu phổ thông được nhận về 5.000 đồng (không áp dụng với cổ phiếu ưu đãi).
Ngày thanh toán dự kiến là 15/7/2021.
Như vậy, với hơn 50,7 triệu tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn sẽ chi khoảng 253,7 tỷ đồng cho đợt chia trả cổ tức lần này.
Trong đó, là cổ đông lớn nhất của Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn khi sở hữu hơn 18,4 triệu cổ phần (tương đương 31,8%), Công ty cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) sẽ nhận về hơn 92,2 tỷ đồng; Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam dự kiến nhận 37,5 tỷ đồng và 36 tỷ đồng cổ tức cho cổ đông là công ty TNHH MTV Sửa chữa máy bay 41.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn được tổ chức vào đầu tháng 6/2021, đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, với tỷ lệ cổ tức 80%.
Trước đó, SCSC đã tạm ứng cổ tức tỷ lệ 30% và sẽ hoàn tất nghĩa vụ trả cổ tức năm 2020 sau khi hoàn thành phần còn lại trong lần này.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty này năm nay dự kiến đạt lần lượt 780 tỷ đồng và 540 tỷ đồng, cùng tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 36%.
Trong khi lĩnh vực vận chuyển hành khách với các hãng bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong làn sóng lần thứ 4 xuất hiện từ cuối tháng 4 đến nay nhưng với hãng vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không như Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn lại ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Cụ thể, ban lãnh đạo công ty cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng vận chuyển tăng hơn 22% trong 5 tháng đầu năm nay (sản lượng hàng nội địa tăng 41%, sản lượng hàng quốc tế tăng 15.7%) và lợi nhuận trước thuế tăng xấp xỉ 25%, đạt 247 tỷ đồng.
Dịch bệnh dù có ảnh hưởng đến thị trường chung nhưng cảng của Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn là cảng ga hàng hoá nên hoạt động kinh doanh không chịu nhiều ảnh hưởng từ các quy định phòng chống dịch.
Theo đánh giá của ban điều hành công ty, việc cước đường biển đang tăng mạnh cùng sự rối loạn trong chuỗi cung ứng đường biển giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu chính như EU, Mỹ lại có tác động tích cực đến sản lượng hàng hoá hàng không.
Đặc biệt, với các mặt hàng yêu cầu thời gian vận chuyển nhanh như sản phẩm điện tử, hàng hoá tươi sống thì SCSC sẽ chuẩn bị nguồn lực để tổ chức sản xuất, đón cơ hội từ thị trường.
Chuỗi cung ứng đường biển thời gian qua đã có sự thay đổi đột biến và ban lãnh đạo Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn dự đoán tình trạng này sẽ được phục hồi, quay lại thời điểm như trước đây trong vòng 1-2 năm tới.
Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ bấm nút khởi công dự án cảng hàng hoá hàng không ở Long Thành (Đồng Nai), mục tiêu đưa giai đoạn 1 vào khai thác từ năm 2025.
Dự án hướng tới trở thành điểm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực với công suất hàng năm 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hoá.
Đây là dự án lớn, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp logistics lĩnh vực hàng không nói chung và Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn nói riêng. SCSC kỳ vọng đây là cơ hội lớn có thể mở rộng thị trường và thị phần tại khu vực miền Nam, trong dài hạn.
Hồng Phúc