Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai (Dolico, UPCoM: NSS) sẽ dùng hơn 126 tỷ đồng tiền mặt để chia cổ tức năm 2020, với tỷ lệ xấp xỉ 123%/vốn điều lệ.
Dolico là công ty con của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (sở hữu 84,3% vốn).
Năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận 356 tỷ đồng doanh thu và 137 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt vượt 62% và gấp 4 lần kế hoạch đề ra.
Trong đó, hơn 97% doanh thu năm đến từ hoạt động kinh doanh heo thịt, với gần 347 tỷ đồng. Phần lớn lợi nhuận của Dolico từ hoạt động sản xuất kinh doanh heo thịt.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, tỷ trọng lợi nhuận từ hoạt động chính có sự tăng trưởng rõ rệt khi lợi nhuận từ heo thịt tăng từ 82,61% lên 95,14%. Đây cũng là lý do khiến họ tăng mức chia cổ tức, trong khi kế hoạch là trên 50%.
Trước đó, vào cuối năm ngoái, doanh nghiệp này đã tạm ứng cổ tức 40% (tương đương 4.000 đồng/ổ phiếu), với tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng.
Hiện Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đang tiếp tục triển khai kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Dolico.
Ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Dolico cho biết, hiện đã có chứng thư thẩm định của đơn tư vấn, đang chờ quyết định thoái vốn của UBND tỉnh Đồng Nai.
Do vậy, doanh nghiệp này cũng chưa đặt ra mục tiêu kế hoạch phát triển dài hạn mà chỉ tập trung vào một số chiến lược ngắn hạn trong năm nay như tuyệt đối không được để dịch bệnh xảy ra; hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng, doanh thu, lợi nhuận được giao; tăng lương cho người lao động ít nhất là 5% so với năm 2020 (hiện có khoảng 120 lao động).
Theo đó, kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Dolico là sản lượng thịt heo sản xuất - tiêu thụ khoảng 4.200 tấn, tổng doanh thu 270 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 43,3 tỷ đồng và chia cổ tức 30%.
Trong chăn nuôi heo chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng 75% giá thành sản phẩm. Giám đốc Dolico đánh giá, tình hình lưu thông hàng hóa trong năm nay chưa thể trở lại bình thường, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp như khô đậu tương, bắp…
Vị này cho rằng, giá cả các loại nguyên liệu thức ăn gia súc vẫn ở mức cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng nguồn nguyên liệu trong nước.
Nhưng đi kèm với những thách thức luôn có những cơ hội đó là thị trường thịt heo trong nước vẫn còn thiếu.
Năm 2020, mặc dù Bộ NN & PTNT có những chính sách ưu đãi để tái đàn heo tuy nhiên do dịch bệnh vẫn còn phức tạp đặc biệt là nguồn giống ông bà, bố mẹ không đủ cho nên việc tái đàn vẫn chưa bù đắp được lượng thiếu hụt như trước dịch.
Do vậy, Ban lãnh đạo Dolico nhận định năm 2021 vẫn còn cơ hội cho ngành chăn nuôi heo.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT Dolico dự báo năm nay, doanh nghiệp này tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thử thách đối với sự biến động giá cả nguyên vật liệu đầu tăng cao và không có dấu hiệu giảm và tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh nguy hiểm đối với con người.
Đại dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, có thể dẫn đến giá bán sản phẩm chăn nuôi không ổn định và đang có dấu hiệu giảm.
Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt hơn của các nhà đầu tư chăn nuôi mới, thuộc các Tập đoàn trong và ngoài nước cạnh tranh trên thị trường diễn ra ngày càng khốc liệt.
Dolico hiện có 3 trại heo tại Suối Cao (huyện Xuân Lộc), Tân An và Xuân Thành.
Dolico Suối Cao là trại sản xuất chủ lực của doanh nghiệp này, chuyên sản xuất giống 3 cấp từ cụ kỵ, ông bà, bố mẹ với công suất thiết kế là 2.400 nái sinh sản.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng đàn tại trại xấp xỉ 10.000 con. Trong đó, tổng đàn nái sinh sản hơn 2.200 con.
Tổng doanh thu tại trại này đạt gần 13 tỷ đồng trong năm ngoái.
Trại heo thứ hai là Dolico Tân An, chăn nuôi tổng hợp bao gồm nái sinh sản và heo thịt thương phẩm, có công suất thiết kế 1.200 nái sinh sản.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng đàn đạt hơn 12.800 con trong đó đàn nái có 981 con, doanh thu tại trại là hơn 169.3 tỷ đồng.
Trại heo thứ ba là Dolico Xuân Thành, chỉ nuôi heo thịt thương phẩm với công suất thiết kế là 10.000 heo thịt.
Tính cuối năm 2020, tổng đàn heo tại trại này đạt hơn 9.500 con. Doanh thu tại trại là hơn 165 tỷ đồng.
Thị Hồng