Giá dầu nguyên liệu tăng 67% so với cùng kỳ năm trước và đạt đỉnh 10 năm.
Giá dầu nguyên liệu đạt đỉnh 10 năm nhưng giá bán không thể tăng
Chiều ngày 17/6, Công ty Dầu thực vật Tường An (HoSE: TAC) đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 bằng phương thức trực tuyến hoàn toàn.
Tại đại hội, ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc công ty báo cáo giá dầu nguyên liệu năm 2020 cao nhất trong 9 năm qua. Cùng với đó, dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu, tăng mua hàng kênh online. Để ứng phó, doanh nghiệp đã tung ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng, gia tăng kênh phân phối để tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn.
Nhờ vậy, Dầu Tường An đã ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong năm vừa qua. Doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu đến từ phân khúc trung và cao cấp tăng 23% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 177 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.
Với kết quả này, HĐQT trình phương án dùng 67,8 tỷ đồng để chia cổ tức tỷ lệ 20%, đã tạm ứng vào đầu năm. Năm trước, doanh nghiệp đã dùng toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư để trả cổ tức đặc biệt tỷ lệ 75% bằng tiền mặt.
Tổng giám đốc đánh giá năm 2021 là năm vẫn còn nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen đối với ngành thực phẩm. Đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất, dịch vụ tiếp tục bị thu hẹp, hoạt động thương mại – đầu tư chưa có dấu hiệu khởi sắc, thị trường tiền tệ không ổn định. Dù một số quốc gia hiện nay đã tiêm ngừa vaccine Covid-19 bắt đầu mở cửa trở lại nhưng hệ thống các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới vẫn còn đứt quãng dẫn đến việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, biến động giá cả, vận chuyển và logistics…
Ông Tùng chia sẻ việc đứt quãng chuỗi cung ứng khiến giá dầu nguyên liệu hiện nay tăng 67% so với cùng kỳ năm trước và đạt đỉnh 10 năm. Trong khi đó, giá bán không tăng theo được do thị trường không chấp nhận. Do vậy, lãnh đạo doanh nghiệp đang cực kỳ thận trọng với nguồn nguyên liệu dầu nhập khẩu trong việc tìm kiếm thị trường và giá mua.
Tại Việt Nam, do sự bùng phát mạnh của dịch Covid – 19 trong những tháng đầu năm và mới đây khiến công ty gặp khó khăn trong việc triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, chưa được thực thi đúng hướng. Tác động của Đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến thói quen và hành vi của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu hợp lý và quan tâm đến các nhóm sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Dù vậy, mức độ tiêu thụ dầu ăn tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực (13,5 kg/năm, theo WHO). Lượng tiêu thụ dầu ăn ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp hơn mức khuyến nghị bởi WHO. Do vậy, ngành dầu ăn tại Việt Nam được dự đoán vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển và được dự báo đạt mức 35.000 tỷ đồng vào năm 2024.
Theo đó, Tường An đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2021 đạt 5.266 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 232 tỷ đồng; lần lượt tăng 3,6% và 5% so với năm 2020. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 20%.
Lãnh đạo Dầu Tường An báo cáo tại đại hội. Nguồn: Ảnh chụp màn hình. |
Chuyển đổi mô hình kinh doanh
Tại đại hội, HĐQT trình phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu ăn, bơ thực vật. Với định hướng chiến lược kinh doanh thay đổi, Dầu Tường An chủ yếu thực hiện sản xuất sản phẩm và bán cho một số khách hàng, việc bán và phần lớn phân phối sản phẩm cho công ty mẹ - Tập đoàn Kido đảm nhận.
Dầu Tường An sẽ ký hợp đồng mua bán sản phẩm cùng Kido để tập đoàn này thực hiện phân phối, bán sản phẩm cho tất cả các kênh bán hàng trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, HĐQT Dầu Tường An trình cổ đông xem xét đầu tư mở rộng nhà máy Dầu Phú Mỹ với tổng vốn đầu tư hơn 625 tỷ đồng và mở rộng nhà máy Dầu Vinh với tổng đầu tư 292 tỷ đồng. Tổng đầu tư khoảng 917 tỷ đồng. Nguồn tiền đầu tư đến từ vốn tự có, vốn vay và vốn phát hành thêm cổ phiếu.
Thảo luận: Các lãnh đạo doanh nghiệp thay nhau trả lời
Dự kiến 6 tháng kết quả kinh doanh ra sao?
- Doanh thu khoảng 3.000 tỷ, tăng 37%; lãi trước thuế 105 tỷ, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch sáp nhập với Kido ra sao?
- Tại Dầu Tường An còn phần vốn thuộc sở hữu của Vocarimex, trong khi SCIC vẫn còn chưa thoái vốn khỏi Vocarimex. Do vậy, khi nào SCIC thoái vốn khỏi Vocarimex thì Dầu Tường An sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường để bàn vấn đề sáp nhập vào Tập đoàn Kido.
Việc dứt quãng chuỗi cung ứng, thiếu container rỗng ảnh hưởng thế nào đến Dầu Tường An?
- Dầu Tường An có nhà cung cấp dầu nguyên liệu ở Indonesia và Malaysia làm việc lâu năm, đảm bảo đáp ứng khi có nhu cầu. Trong khi đó, kênh vận chuyển được thực hiện bằng tàu chuyên biệt nên không bị ảnh hưởng nhiều.
- Chia sẻ rõ hơn về chuyển đổi mô hình kinh doanh? Tại sao Tường An chưa hiện hữu nhiều ở thị trường miền Bắc?
- Việc chuyển đổi mô hình nằm trong chiến lược từ lâu của tập đoàn. Trong định hướng sắp tới, Kido phát triển theo ngành hàng chứ không theo công ty. Các nhà máy trong tập đoàn sẽ tập trung vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Cùng với đó, tập đoàn có chiến lược mở chuỗi bán lẻ để tăng khả năng cạnh tranh khi mà các hiệp định thương mại được ký ngày càng nhiều tạo điều kiện cho các thương hiệu tiêu dùng nước ngoài đưa hàng vào Việt Nam. Nếu không chuẩn bị, hàng hóa Việt Nam có nguy cơ bị mất thị phần ngay trên sân nhà.
Dầu Tường An chưa hiện hữu nhiều ở phía Bắc, ban lãnh đạo tin rằng thời gian tới việc đầu tư nhà máy Dầu Vinh sẽ giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường này.
Ngọc Điểm