Họp ĐHCĐ Minh Phú: Uớc lãi trước thuế 6 tháng đạt 300 tỷ đồng, thiếu container rỗng là rủi ro lớn

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 17 Tháng Sáu 2021 00:45:00

Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 của Minh Phú tăng 62% lên 1.092 tỷ đồng.

Sáng ngày 17/6, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 theo phương thức trực tuyến hoàn toàn.

Kế hoạch lãi tăng 62%

Năm 2021, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 15.774 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận sau thuế 1.092 tỷ đồng, tăng gần 62% so với năm trước. Kế hoạch mới này thấp hơn kế hoạch lãi ban đầu ghi nhận tại báo cáo thường niên là 1.400 tỷ đồng.

Năm ngoái, Minh Phú cũng lên kế hoạch lợi nhuận cao 915 tỷ đồng nhưng không hoàn thành khi đạt 674 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2019. Kết quả thấp do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và công ty gặp khó khi xuất khẩu sang Mỹ (thị trường chủ lực này giảm tỷ trọng từ 38% về 25% doanh thu năm qua).

Với kết quả đạt được, HĐQT trình phương án chia cổ tức tỷ lệ 20%, tương đương với mức thanh toán 400 tỷ đồng, bằng 60% lợi nhuận hợp nhất chưa phân phối tại ngày 31/12/2020. Kế hoạch cổ tức năm 2021 duy trì ở tỷ lệ 70% lợi nhuận chưa phân phối năm 2021.

Ngoài ra, Minh Phú muốn chào bán 6,33 triệu cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), tỷ lệ chào bán 0,32% số cổ phiếu đang lưu hành và giá bán cố định 10.000 đồng/cp.

Cổ đông Minh Phú cũng chấp thuận miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Osada Tsutomu theo thư từ nhiệm, đồng thời bầu bổ sung ông Tsukahara Keiichi vào vị trí thay thế. Đây là sự thay đổi nhân sự của cổ đông lớn MPM Investments Pte.Ltd.

mpc-1-3028-1623904994.png

Tổng giám đốc Lê Văn Quang trả lời tất cả chất vấn cổ đông sáng ngày 17/6. Ảnh chụp màn hình.

Thảo luận

Tổng giám đốc Lê Văn Quang trả lời tất cả chất vấn cổ đông.

Cập nhật tình hình kinh doanh hiện tại?

Tình hình hiện tại tăng trưởng tốt. Minh Phú đang chủ trương không ký hợp đồng dài hạn mà thực hiện theo từng tháng, ưu tiên khách thân thiết với giá tăng khoảng 30%. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh ký mới hợp đồng từ giữa tháng 7 khi giá tốt hơn.

Chủ trương là như thế nhưng 5 tháng đầu năm vẫn ký đến 13.043 tấn tôm với giá trị hơn 150 triệu USD, trong khi kế hoạch cho 2 nhà máy chính chỉ khoảng 7.000 tấn. Trong nửa đầu tháng 6, chúng tôi lại ký thêm 3.500 tấn với giá trị hơn 45 triệu USD.

Tháng 5, Minh Phú ghi nhận xuất khẩu tăng 46,29% về lượng và tăng 59,93% về giá trị. Nếu tình hình không khó khăn về cung tàu thì việc hoàn thành kế hoạch tốt, tuy nhiên chúng tôi không đoán định được yếu tố này. Chúng tôi mới nhận được thông tin thủy thủ đoàn sang Mỹ mắc Covid-19 nên không có tàu để xuất hàng. 

Kết quả hoạt động trong tháng 6 dự kiến vẫn tốt và sẽ tốt hơn nữa vào khoảng tháng 7-10. Lợi nhuận trước thuế 5 tháng đạt hơn 200 tỷ đồng và dự kiến 6 tháng có thể được hơn 300 tỷ đồng.

Những tháng cuối năm chịu rủi ro thiếu container rỗng, đó là yếu tố chúng tôi đau đầu nhất. Nếu Trung Quốc chống dịch tốt để giải phóng tàu bè và Mỹ khắc phục tốt để giải phóng tàu ngoài cảng thì kết quả càng tốt. 

Kế hoạch mới nhất đang khác với số liệu trong báo cáo thường niên, cộng với diễn biến hiện tại thì khả năng hoàn thành kế hoạch ra sao?

- Minh Phú trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, năm ngoái khó khăn nhất là cáo buộc gian lận tại thị trường Mỹ nên phải thuê luật sư bên Mỹ với chi phí rất cao để làm các báo cáo chứng minh, lượng công việc mà với đội ngũ Minh Phú tự làm thì mất 3 năm mới làm xong trong khi yêu cầu chỉ 3-6 tháng. Chúng tôi đã tập trung nhiều cán bộ nhân viên để làm báo cáo, thậm chí là có dừng sản xuất. Do đó tình hình năm ngoái không đạt được kế hoạch.

Năm nay dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều, nguyên nhiên liệu tăng rất mạnh thấp nhất 20-50%, chuỗi cung ứng lao đao và phí vận tải tăng liên tục, tình trạng không có container rỗng nên rất khó đoán định.

Cụ thể như dịch ở Quảng Đông (Trung Quốc) khiến tàu không xuống hàng được nên thiệt hại rất trầm trọng. Tàu sang Mỹ thì công nhân mắc Covid-19 nên tàu cũng không xuống được. Tình hình thiếu container rỗng rất trầm trọng nên Trung Quốc đang kéo hết container về nước càng khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, giá cước tăng nhiều khi chi phí đi các cảng tăng 2-4 lần. Chúng tôi không biết có tăng nữa không và có đủ container để xuất không?

Chúng tôi quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng năm nay khó mà hoàn thành kế hoạch với tình hình cước tàu như thế này. Việc sản xuất thì đạt, nhưng kế hoạch bán hàng và lợi nhuận khả năng sẽ chỉ thực hiện được 80% kế hoạch. Chúng tôi giải quyết container xuất hàng tốt thì có thể vượt kế hoạch.

Vì sao cổ tức năm nay còn 20% trong khi các năm trước 50%, liệu hoạt động có đang ổn định?

- Cuối năm 2019 là giai đoạn bắt đầu "đụng" vào kiện tụng và năm 2020 gặp Covid-19 nên chúng ta cần tiền chống chọi với biến đổi của thị trường. Chúng ta không chia cổ tức nhiều mà để phục vụ kinh doanh. 

Tình hình sản xuất ổn định nhưng tình hình xuất hàng là vấn đề công ty không đoán định được. Minh Phú có lợi thế là công ty xuất khẩu lớn nên các hãng tàu ưu tiên nhiều hơn. Ngoài ra công ty có giải pháp làm việc với hãng tàu khác nhỏ hơn và chấp nhận giá cước tàu cao để có thể bán kịp thời cho khách hàng.

Vì sao giá vốn quý I tăng cao và liệu có được cải thiện thời gian tới?

- Quý I năm nay việc sản xuất trùng dịp tết âm lịch nên giá vốn cao. Khi công nhân nghỉ tết vào chúng tôi phải kiểm soát kỹ lượng đồng thời không dám tuyển công nhân mới nên tình hình nhân lực thiếu hụt. Nguyên liệu cũng thiếu khiến công suất hoạt động thấp hơn 30% so với mức bình thường, do sản xuất thấp nên giá thành cao và lợi nhuận quý đầu năm thấp.

Chi phí shipping tăng mạnh có tiếp diễn không?

- Tình hình này vẫn tiếp diễn, theo dự báo của tôi thì tình hình chỉ được cải thiện khi hết năm 2022. Khi dịch bệnh trên toàn cầu được khắc phục thì vấn đề container rỗng mới được giải quyết và các chuỗi cung ứng mới thông suốt.

Với hợp đồng, trước kia chúng tôi ký trước 1 năm hoặc 2-3 tháng nhưng cước tàu hiện nay thay đổi từng ngày, chi phí cước tăng lên nên lợi nhuận sẽ không tốt. Chúng tôi dự tính được tình hình này nên không cho nhân viên ký nhiều hợp đồng, các hợp đồng đấu giá thời hạn 1 năm thì công ty chủ trương không tham gia. Chúng tôi chỉ ưu tiên tham gia bán cho những khách hàng thân thiết mới với giá chào cao hơn 10-30%, nếu họ đồng ý thì mua còn không đồng ý thì tự tìm người bán.

Thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển ảnh hưởng ra sao?

- Các chi phí này ảnh hưởng làm giá thành tăng lên 20%. Giá thức ăn và chi phí vận chuyển đã tính vào giá thành nhưng việc giá cước tăng tăng quá nhanh sẽ là rủi ro.

Cạnh tranh với các đối thủ tôm trên thế giới ra sao?

- Tình hình Ấn Độ dịch nặng nên nuôi trồng và chế biến của họ gặp nhiều khó khăn, sản lượng họ giảm 50% tức khoảng 350.000 tấn. Nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng và không có doanh nghiệp nào bù được lượng giảm này, do vậy giá tôm trên thị trường sẽ tăng.

Thực tế từ tháng 5 đến nay giá tôm tăng liên tục, dự kiến tăng mạnh vào tháng 8-10 khi các doanh nghiệp chuẩn bị tôm nguyên liệu bán dịp lễ Noel và cuối năm. Người nuôi tôm Ấn Độ khó nuôi kịp dù cho tình hình dịch có được kiểm soát. Do vậy tôi đã chỉ đạo nhân viên từ tháng 5 không vội bán, không vội ký kết nhiều.

Riêng Ecuador lại tăng mạnh sản lượng bán vào Mỹ, tuy nhiên phân khúc của họ là bán nguyên con chứ không phải hàng giá trị gia tăng. Giá thành tôm của Ecuador chỉ bằng phân nửa giá thành tôm của Việt Nam nên rất khó cạnh tranh với họ.

Công nghệ nuôi tôm công nghệ cao ra sao?

- Chúng tôi kỳ vọng rất lớn nhưng có nhiều khó khăn về con giống tôm bố mẹ thiếu trầm trọng, do đó chúng tôi không đẩy nhanh được mà chuyển sang làm từng bước. Trong 2 năm qua chúng tôi "chạy nhanh" tiến độ nên có rủi ro về con người, công nghệ và quản lý.

Mục tiêu đến 2025 là đẩy mạnh chế biến xuất khẩu, tiếp đến tập trung cho nuôi tôm công nghệ cao và sau đó mới triển khai về tôm giống.

Công ty chủ động bao nhiêu phần trăm tôm giống?

- Chúng tôi hông có nguồn lực và con người để làm nhiều công việc cùng lúc. Hoạt động nuôi tôm giống nếu sản xuất đến đâu bán đến đó thì lợi nhuận rất tốt hơn biên lợi nhuận gộp hơn 60%, nhưng không bán được thì lỗ cũng rất lớn do không tồn kho được.

Chúng tôi vẫn có kế hoạch nuôi tôm giống, dự kiến đến 2022 sẽ cung cấp được 30% nhu cầu nuôi, sau đó tăng dần tỷ trọng do việc xây dựng hệ thống phải chi tiết và tốn thời gian. Đến 2025, chúng tôi cố găng chủ động 70% con giống và đến 2030 có thể chủ động toàn bộ. Nếu không bán ra ngoài thì lợi nhuận sẽ cực tốt.

Tiền đầu tư của MPM Investment được sử dụng ra sao?

- Chúng tôi rất tích cực triển khai dự án theo kế hoạch nhưng vụ kiện ở Mỹ khiến công ty tập trung nguồn lực vào đối phó, dẫn đến kế hoạch mở rộng nhà máy tạm dừng. Sau khi thắng vụ kiện thì chúng tôi đã khẩn trương đầu tư 2  nhà máy bao gồm Nhà máy tẩm bột Hậu Giang, đã khởi công vào ngày 20/5  vàdự kiến tháng 1/2022 đi vài hoạt động, có thể chậm 2 tháng do mưa lớn.

Nhà máy Minh Phát Cà Mau cũng lên kế hoạch khởi công tháng 5 nhưng vướng luật Đầu tư mới nên dự tính khởi công vào 15/7. Dự án có gặp khó khăn khi nguyên vật liệu tăng khiến giá xây dựng tăng lên, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ để nhà máy đi vào hoạt động tháng 5-7/2022.

Vì sao công ty thường nộp báo cáo tài chính trễ hạn?

- Minh Phú có 2 công ty con nước ngoài ở Mỹ và Nhật Bản. Trong đó công ty MSeafood tại Mỹ không nộp báo cáo đúng thời gian do đơn vị này bán hàng cho người tiêu dùng cuối cùng nên tổng hợp báo cáo rất lâu, thủ tục bên Mỹ làm rất chậm và  chúng tôi chưa có giải pháp khắc phục nên phải chấp nhận.

Nếu công ty muốn báo cáo đúng thì hiện phải tách ra Mseafood không còn là công ty con. Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở và đưa nhiều giải pháp nhưng chưa có cách giải quyết, do các đơn vị bán hàng gửi báo cáo rất chậm. 

Huy Lê