Tổng công ty cổ phần Vinaconex đã hoàn tất việc chuyển nhượng phần vốn góp hơn 24,3 tỷ đồng, tương đương 12,4% vốn điều lệ của Công ty TNHH Vina Sanwa cho Tập đoàn Sanwa Holdings.
Như vậy, kể từ ngày 14/6/2021, Công ty TNHH Vina Sanwa không còn là công ty liên doanh của Tổng công ty cổ phần Vinaconex (HoSE: VCG).
Tháng trước, Công ty cổ phần Xây dựng Đà Nẵng cũng không còn là công ty con của Vinaconex khi Tổng Công ty bán trực tiếp toàn bộ 765.000 cổ phần tại đây cho nhà đầu tư chưa được tiết lộ danh tính.
Song song đó, Vinaconex còn tăng vốn lệ Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư từ 880 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng từ 200 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.
Cụ thể, Tổng Công ty sẽ góp bổ sung lần lượt 620 tỷ đồng và 600 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ 2 công ty trên trong quý II và quý III/2021.
Gần đây nhất, Vinaconex tham gia mua toàn bộ cổ phần Nhà nước thoái tại Công ty cổ phần Xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp (BDT) và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này, khi mua vào hơn 9,3 triệu cổ phiếu BDT, tương đương nắm 24,13% vốn điều lệ.
Cũng trong đầu tháng 06 năm nay, HĐQT Vinaconex đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền có bảo đảm với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Tổng mệnh giá trái phiếu phát hành đợt này tối đa 2.200 tỷ đồng.
Thời gian phát hành cũng trong quý II và quý III/2021.
Mục đích của đợt phát hành nhằm bổ sung vốn cho hoạt động hợp tác đầu tư cùng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex phát triển phân khu cao tầng CT02 của dự án Cát Bà Amatina và các hạng mục hạ tầng của dự án này.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 được tổ chức vào cuối tháng 4/2021, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, Tập đoàn này sẽ tiếp tục triển khai các thương vụ M&A như cách làm tại dự án thuỷ điện Đăkba (Quảng Ngãi).
Nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh sẽ đến từ các hình thức mà Tập đoàn này vừa triển khai trong tháng 06 đã nêu trên như phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ,…
Về dài hạn, Vinaconex vẫn theo đuổi con đường đầu tư đặt trọng tâm ở các thị trường bất động sản tại tỉnh, thành phố lớn.
Về dự án Cát Bà Amatina, trong giai đoạn phát triển, việc tăng vốn được ban lãnh đạo công ty lý giải là cần thiết để Vinaconex ITC có đủ năng lực thực hiện và phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn nhất Hải Phòng.
Dự án này do Vinaconex đầu tư phát triển từ hơn 10 năm trước và việc triển khai hiện nay được yêu cầu phải thận trọng, chuyện nghiệp.
Trong năm nay, Tổng Công ty này kỳ vọng ghi nhận khoản doanh thu bất động sản khoảng 1.000 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng từ đại dịch với nhu cầu từ thị trường, Vinaconex đang cân nhắc các phương án kinh doanh với 2 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã trúng đấu giá tại Phú Yên và Quảng Ngãi.
“Để phát triển một dự án bất động sản không phải là câu chuyện sớm chiều, đối với các dự án quy mô lớn có thể phải mất 10-15 năm. Vinaconex phải đi theo con đường phát triển các dự án lớn để trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành xây dựng và bất động sản”, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex nói và cho biết mục tiêu đến năm 2025, Vinaconex sẽ có tên trong tốp 3 trong nhà thầu xây dựng, tốp 10 nhà đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam.
Đến năm 2025, Vinaconex kỳ vọng cán mốc doanh thu 30.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận 2.000 tỷ đồng.
Còn lợi nhuận sau thuế năm nay của Vinaconex được kỳ vọng đạt 1.008 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận trước thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, đặt ra yêu cầu trung bình mỗi tháng Tổng công ty này phải có lợi nhuận 100 tỷ đồng.
Phân theo 3 lĩnh vực chính thì mục tiêu hơn 10.000 tỷ đồng tổng doanh thu năm nay của Vinaconex sẽ có 60% đến từ xây dựng và phần còn lại đến từ bất động sản cũng như các khoản đầu tư tài chính.
Theo Báo cáo thường niên năm 2020, Công ty TNHH An Quý Hưng là cổ đông lớn nhất của Vinaconex, với tỷ lệ sở hữu 57,7% vốn.
Thị Hồng