Lợi nhuận Hoa Sen đặc biệt bứt phá mạnh trong 2 tháng gần đây, ghi nhận trên 500 tỷ đồng mỗi tháng.
Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đã tăng hơn gấp đôi lên 42.000 đồng/cp phiên ngày 31/5 từ vùng giá 20.000 đồng/cp thời điểm đầu năm và gấp 4 lần vùng giá 10.000 đồng/cp cùng kỳ năm trước.
Đi cùng với đà “thăng hoa” của cổ phiếu là kết quả kinh doanh liên tục cải thiện, trong 9 quý vừa qua (1/1/2019 – 31/3/2021), lợi nhuận tập đoàn tăng mạnh từ 53 tỷ đồng quý II niên độ 2018-2019 lên 1.099 tỷ đồng quý II niên độ 2020-2021.
Lợi nhuận Hoa Sen đặc biệt bứt phát trong 2 tháng gần đây, ghi nhận mức trên 500 tỷ đồng mỗi tháng. Riêng tháng 4 vừa qua, đơn vị lãi 538 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước và thiết lập mức kỷ lục mới ghi nhận trong 1 tháng. Lũy kế 7 tháng niên độ 2020-2021, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp thép ước đạt 2.208 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước và gấp đôi cả niên độ 2019-2020, thực hiện vượt 47% kế hoạch năm.
Lợi nhuận tăng trưởng gấp nhiều lần nhưng vốn điều lệ chỉ tăng khi doanh nghiệp chia cổ tức cổ phiếu (5% hoặc 10% tùy năm) đã giúp lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Hoa Sen cải thiện rất nhiều, tăng từ 827 đồng/cổ phiếu cuối niên độ 2018-2019 lên 2.492 đồng/cổ phiếu cuối niên độ 2019-2020, tăng gấp 3,2 lần. 6 tháng niên độ 2020-2021 EPS đạt 3.610 đồng/cổ phiếu, gấp 4,5 lần EPS 6 tháng niên độ 2019-2020.
Ngoài yếu tố thị trường thép diễn biến thuận lợi thì nội tại doanh nghiệp cũng có bước tiến rõ rệt giúp duy trì lợi nhuận tăng trưởng liên tục. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) – nguyên liệu đầu vào của tập đoàn liên tục tăng trong thời gian qua nhưng biên lợi nhuận gộp vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động từ 15% - 18% trong 6 quý liên tiếp.
Doanh nghiệp lý giải, kết quả này xuất phát từ sức mạnh của hệ thống phân phối hơn 536 chi nhánh-cửa hàng trên toàn quốc và chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nên ngày càng được nhiều quốc gia lựa chọn nhập khẩu.
Trong các năm trước, kênh xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 34-37% cơ cấu sản lượng tiêu thụ thành phẩm của tập đoàn. Tuy nhiên, niên độ 2019-2020, kênh xuất khẩu tăng trưởng mạnh mà chiếm tỷ trọng 43% với 644.000 tấn. Năm qua bên cạnh thị trường truyền thống thì tập đoàn đã mở rộng ra các thị trường tiềm năng như châu Mỹ, châu Âu để tận dụng hiệu quả các điều kiện thuận lợi của CPTPP và EVFTA. Sản lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm của Hoa Sen đạt 416.000 tấn bao gồm tôn mạ 397.000 tấn, ống thép 19.121 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trên sản lượng bán hàng 52,5% trong 4 tháng đầu năm, vượt qua sản lượng tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh đó, Hoa Sen tiếp tục ghi nhận tốc độ giảm chi phí tài chính một cách đáng kể. Quý II, niên độ 2020-2021, chi phí tài chính tập đoàn ở mức 117 tỷ đồng, giảm hơn 42% so với quý II niên độ 2018-2019. Nguyên nhân chính là do đơn vị đã giảm gần 4.200 tỷ đồng các khoản vay ngân hàng, từ mức 10.900 tỷ đồng xuống còn 6.700 tỷ đồng, đưa hệ số nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu xuống mức 0,8 lần.
Hệ thống ERP tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc tối ưu hóa toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó chi phí quản lý của Hoa Sen giảm từ mức 120 tỷ tại quý II niên độ 2018-2019 xuống còn 70 tỷ tại quý II năm nay.
Chi phí bán hàng ghi nhận sự gia tăng 214 tỷ so với quý II niên độ 2018-2019, tương đương tăng 49%. Tuy nhiên tốc độ tăng của chi phí bán hàng vẫn tăng chậm hơn khi so sánh với tốc độ tăng doanh thu (57%) và lợi nhuận gộp (150%).
Như vậy, tỷ lệ tổng chi phí hoạt động/doanh thu đã được liên tục kéo giảm từ 13,8% về 8,4% vào cuối quý II niên độ 2020-2021.
Kết quả kinh doanh ghi nhận liên tục tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian vừa qua đã cho thấy năng lực cạnh tranh mạnh mẽ mà HSG đã xây dựng từ trước mới là yếu tố then chốt mang lại đà tăng trưởng bền vững. Ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết hoàn toàn tự tin sẽ tiếp tục gia tăng thị phần, mang về lợi nhuận bền vững trong thời gian tới.
Thu Hằng