VIB chốt ngày chia cổ phiếu thưởng 40%, lợi nhuận 5 tháng tăng 75% so với cùng kỳ

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 31 Tháng Năm 2021 08:54:00

Ngân hàng Quốc tế (VIB) công bố kế hoạch thực hiện chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông 40%, tăng vốn điều lệ lên trên 15.500 tỷ đồng sau khi nhận được văn bản chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Hội đồng quản trị VIB vừa ra quyết định ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông VIB hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 10/06/2021. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phần hiện hữu sẽ được nhận thêm 40 cổ phần mới trong lần tăng vốn này của Ngân hàng.

Cổ phiếu VIB trên thị trường hiện đang giao dịch ở mức giá 64.300 đồng, tăng gần 100% so với đầu năm. Với giá trị vốn hóa tại thời điểm hiện tại đạt trên 70.000 tỷ đồng, VIB đứng thứ 18 trong nhóm các công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường, đứng số 14 trong nhóm các công ty có lợi nhuận quý I/ 2021 lớn nhất thị trường và đứng thứ 8 trong nhóm các ngân hàng có vốn hóa lớn, kể cả khi chưa thuộc danh sách rổ VN30.

VIB tiếp tục khẳng định hiệu quả và tăng trưởng kinh doanh vượt trội. Về kết quả hoạt động kinh doanh, lợi nhuận 5 tháng đầu năm ước đạt mức tăng trưởng 75% so với cùng kỳ, ROE đạt trên 31% thuộc top đầu ngành, với động lực đến các mảng kinh doanh bán lẻ cốt lõi.

Danh mục tín dụng được đa dạng hóa giúp giảm thiểu rủi ro tập trung, đặc biệt trước tác động của đại dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,25% tại thời điểm tháng 5/2021. VIB cũng báo cáo số dư nợ nợ tái cơ cấu Covid tiếp tục giảm chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng, chiếm 0,1% so với tổng dư nợ tín dụng.

Vào ngày 26/03 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng triển vọng của VIB từ “ổn định” lên “tích cực”, với xếp hạng tín nhiệm tiền gửi ở mức B1 và xếp hạng rủi ro đối tác ở mức Ba3. Theo Moody’s, VIB có chất lượng tài sản tốt và ổn định, tỷ suất sinh lợi cao và đảm bảo được nguồn vốn cho phát triển bền vững.

Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng bán lẻ và tỷ lệ bán lẻ dẫn đầu thị trường

Chiến lược dịch chuyển sang bán lẻ trong 5 năm qua đã đưa VIB liên tục dẫn đầu thị trường ở nhiều mảng kinh doanh với tốc độ tăng trưởng dư nợ bán lẻ bình quân trên 50% mỗi năm. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ của Ngân hàng đạt 87% tổng dư nợ tín dụng, trong đó trên 95% dư nợ bán lẻ có tài sản đảm bảo. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ bán lẻ cao nhất trong ngành.

Trong đó, các sản phẩm dịch vụ bán lẻ cốt lõi và chủ lực của VIB đang chiếm số 1 thị phần hoặc chiếm lĩnh thị phần lớn có thể kể đến cho vay mua ô tô, cho vay mua nhà, vay kinh doanh, bảo hiểm, thẻ tín dụng và thẻ thanh toán…

Nền tảng quản trị vững mạnh với các chuẩn mực quốc tế hiện đại hàng đầu

Là ngân hàng TMCP tư nhân đầu tiên hoàn thành 3 trụ cột của chuẩn mực Basel II, VIB tiếp tục tiên phong áp dụng thử nghiệm thành công chuẩn mực Basel III trong quản trị rủi ro. Điều này thể hiện cam kết của Ngân hàng trong việc hướng đến các chuẩn mực quốc tế để đảm bảo quản trị rủi ro, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ và bền vững.

Đi đầu trong chuyển đổi số

VIB đã đón đầu làn sóng chuyển đổi số với việc dành nhiều nguồn lực, đặt trọng tâm trung, dài hạn vào ngân hàng số, các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ và tính tự động cao từ nhiều năm nay.

Ngân hàng số MyVIB của VIB đã 4 năm liên tiếp được Tạp chí The Asset đánh giá là dịch vụ ngân hàng số xuất sắc nhất của năm và trải nghiệm khách hàng tốt nhất tại Việt Nam. Ngân hàng cũng đầu tư chuyển đổi số vào mở tài khoản thanh toán và giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, VIB đã rút ngắn kỷ lục thời gian chờ dùng thẻ chỉ còn 1/500 lần, tương đương 3-4 tiếng đồng hồ so với thời gian trung bình từ 3-5 ngày làm việc trên thị trường. Đồng thời, người dùng có thể có ngay hạn mức thẻ đến 200 triệu đồng chỉ trong vòng 15 phút sau khi hoàn tất các bước đăng ký trực tuyến. Ngay trong tháng 4 vừa qua, VIB đã ra mắt dòng thẻ tích hợp thẻ tín dụng và thẻ thanh toán đầu tiên tại thị trường Đông Nam Á: VIB Online Plus 2in1, đánh dấu bước đi tiên phong của ngân hàng Việt trong lĩnh vực thẻ nói riêng và thanh toán không tiền mặt nói chung trên bản đồ khu vực.

H.C