EVNGenco 3: Lần đầu chia cổ tức, niêm yết HoSE sau khi tình trạng ‘nghẽn lệnh’ được giải quyết

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Bảy, 29 Tháng Năm 2021 07:40:00

Lãi tăng cao năm 2020, ENVGenco 3 dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 10%, lần đầu chia cổ tức kể từ khi cổ phần hóa.

Theo Nghị quyết họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, cổ đông Tổng công ty phát điện 3 (EVNGenco 3, UPCoM: PGV) đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 của công ty mẹ gồm tổng doanh thu 39.791 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.311 tỷ đồng; lần lượt tăng 2% và giảm 19% so với năm trước. Tỷ lệ chia cổ tức không thấp hơn 7% vốn điều lệ. Doanh nghiệp không có chỉ tiêu cho hợp nhất.

Về kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2021, tổng công ty dự kiến nhu cầu khoảng 6.090 tỷ đồng gồm 5.320 tỷ đồng trả nợ gốc vay và 770 tỷ đồng đầu tư thuần. Năm 2020, doanh nghiệp cũng đã trả 5.674 tỷ đồng nợ gốc vay và đầu tư thuần 314 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý I, tổng công ty có 2.827 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với số đầu năm; vay nợ dài hạn 45.285 tỷ đồng, không thay đổi nhiều.

Năm 2020, EVNGenco 3 ghi nhận 1.694 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, tăng 89% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.815 tỷ đồng, tăng 61% (phần thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.786 tỷ đồng).

Ban lãnh đạo cho biết lợi nhuận tăng cao năm vừa qua nhờ doanh nghiệp đã tối ưu doanh thu phát điện trên thị trường điện tăng thêm được 148 tỷ đồng, việc tối ưu chi phí sản xuất kinh doanh điện như chi phí vận hành, sữa chữa nhà máy điện… giúp giảm chi phí khoảng 248 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình hình lãi suất USD libor 6 tháng giảm dần giúp chi phí lãi vay giảm hơn 100 tỷ đồng. Cuối cùng, việc đánh giá lại số dư khoản vay ngoại tệ giúp lỗ chênh lệch tỷ giá giảm mạnh.

Với kết quả này, doanh nghiệp chốt phương án chi trả cổ tức tỷ lệ 10%, trong đó 5% trả bằng tiền mặt và 5% trả cổ phiếu; tổng giá trị chia gần 1.070 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp chia cổ tức kể từ khi cổ phần hóa (2018).

dai-hoi-pgv-6304-1622197035.png

Nguồn: EVNGenco 3

Liên quan đến doanh thu chênh lệch tỷ giá, lãnh đạo tổng công ty cho biết mới ghi nhận đến năm 2018, dự kiến còn 827 tỷ năm 2019 và 837 tỷ năm 2020 sẽ được ghi nhận khi có quyết định của Bộ Công Thương. Như vậy, tổng công ty có khoảng 1.664 tỷ đồng doanh thu chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện.

Bên cạnh đó, cổ đông cũng đã thông qua phương án chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang HoSE. Ban lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến việc chuyển sàn sẽ được thực hiện trong năm 2021 hoặc sau khi tình trạng nghẽn lệnh của hệ thống HoSE được giải quyết.

Ngoài ra, lãnh đạo của EVNGenco 3 cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch thoái vốn khỏi Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH), Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) và Điện Việt Lào đồng bộ với định hướng sắp xếp, tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025.

Riêng với việc thoái vốn Vĩnh Sơn – Sông Hinh, lãnh đạo EVNGenco 3 đánh giá khó có thể thoái vốn trên sàn chứng khoán do EVNGenco 3 có tỷ lệ sở hữu rất cao bởi EVN.

Về tình hình phát triển điện mặt trời, lãnh đạo tổng công ty nhận định khó có thể bùng nổ như giai đoạn vừa qua do chính sách hỗ trợ điện mặt trời (giá FIT1) đã hết hiệu lực và chưa có quy định mới. Hơn nữa, định hướng chính sách hiện nay thì các dự án điện mặt trời sẽ thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Với điện gió thì đầu tư phức tạp và chi phí cao hơn nhiều nên khó phát triển nhanh như điện mặt trời. Do vậy, đến thời điểm kết thúc giá ưu đãi vào cuối tháng 10 tới đây, dự báo khả năng đưa vào vận hành dự án điện gió hạn chế so với số lượng dự án được bổ sung Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Tường Như