Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ giải quyết xong tồn tại về nợ xấu với EVN và công ty sẽ được hoàn nhập các dự phòng mà năm 2020 đã trích.
Sáng ngày 27/5, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (Power, HoSE: POW) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Năm 2021, PV Power đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 28.403,6 tỷ đồng giảm 6% so với thực hiện năm 2019 và lãi trước thuế 1.548 tỷ đồng, giảm 42%. HĐQT sẽ chỉ đạo, giám sát công tác tổ chức thực hiện đầu tư dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 theo kế hoạch, tiến độ đề ra. Công ty sẽ triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy điện Cà Mau 3 và kho LNG Nam Du sau khi được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí.
Bên cạnh đó, công ty cũng triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy điện miền Trung 1 và 2.
Về công tác thoái vốn, năm 2021, công ty dự kiến hoàn thành việc ghi nhận khoản đầu tư tại Thủy điện Sơn Trà – Sông Đà (1,2 tỷ đồng) và Năng lượng châu Á Thái Bình Dương (550 triệu đồng).
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, tỷ lệ cổ tức là 2% tương ứng số tiền chỉ trả gần 468,4 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức năm 2021 cũng là 2%.
ĐHĐCĐ sẽ thực hiện biểu quyết đẻc miễn nhiệm chức danh thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2023 đối với bà Nguyễn Hoàng Yến để bầu là làm Thành viên HĐQT.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng sẽ bầu thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Hoàng Yến và ông Vũ Chí Cường. Kết quả, bà Yến và ông Cường đều trúng cử, trong đó, ông Cường giữ vị trí thành viên độc lập HĐQT. Ông Cường là Phó Tổng giám đốc của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
ĐHĐCĐ của PV Power. Ảnh chụp màn hình. |
Phần thảo luận:
- Giải thích thêm về tỷ lệ cổ tức 2020 và 201? Liệu công ty có thể duy trì cổ tức 2% không?
Ông Hồ Công Kỳ - Chủ tịch HĐQT: Phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 với tỷ lệ cổ tức 2%/VĐL. Về mặt giá trị tuyệt đối tổng số tiền khoảng 468 tỷ đồng. Năm 2021, công ty dự kiến khởi công dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 với công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư 32.000 tỷ đồng, Trong đó, vốn chủ sở hữu là 35% là 8.000 tỷ đồng và phần còn lại là vốn vay với 24.000 tỷ đồng. Năm 2018, PV Power đã hoạt động theo mô hình CTCP và tất cả lợi nhuận trước đó đã phân phối về cho Nhà nước, quỹ đầu tư phát triển hiện còn ít nên HĐQT thấy rằng việc trình chia cổ tức 2% và phần còn lại để bổ sung quỹ đầu tư phát triển đầu tư dự án Nhơn Trạch 3 và 4 cũng như các dự án trong tương lai.
Cổ đông có thể cần chấp nhận có những năm không nhận cổ tức hoặc cổ tức chỉ ở vừa phải để công ty tập trung đầu t nhằm đạt được mục tiêu cao hơn trong tương lai.
Việc đề xuất tỷ lệ bao nhiêu còn phải tùy thuộc kết quả sản xuất kinh doanh từng năm. Ban lãnh đạo cố gắng duy trì tỷ lệ cổ tức 2%, nhưng nếu có yếu tốt bất thường thì sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét lại.
- Tình hình triển khai dự án Nhơn Trạch 3, 4?
Đây là dự án năng lượng quan trọng của quốc gia, công suất 1.500 MW gồm 2 nhà máy. Theo cấu hình 1-1-1, tổng mức đầu tư là 1,4 tỷ USD (32.000 tỷ đồng). Trong cơ cấu vốn vay, công ty sẽ vay tín dụng người mua và vay thương mại (VND và USD). Phương án tài chính đã và đang đi vào giai đoạn cuối để chốt được. Công ty đã hoàn tất đàm phán hợp đồng mua bán điện và khí. Sau khi lựa chọn tổng thầu EPC, sẽ chốt phương án hợp đồng tín dụng xuất khẩu cũng như hợp đồng vay thương mại.
Ngày 6/5, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã họp và có quyết định quan trọng về công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Với diện tích 54 ha cần giải phóng thì hiện chỉ còn 7,5 ha còn những vấn đề tồn lại và xử lý. Hiện nay, bộ đơn giá đền bù cho 7,5 ha này đã được duyệt.
Về việc triển khai lựa chọn các nhà thầu, 8/18 gói thầu đã lựa chọn được. Giá trị trúng thầu giảm 27% so với giá gói thầu. Hiện đang hoàn tất lựa chọn nhà thầu san lấp, giám sát dự án. Gói thầu EPC đang trong giai đoạn trả lời các vấn đề nhà thầu quan tâm. Theo kế hoạch sẽ đóng thầu và nộp thầu vào đầu tháng 7/2021. Tùy tình hình thực tế, ban lãnh đạo có thể quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu nếu thấy cần thiết.
Theo tổng sơ đồ điện 8 hiện đang trình Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, tổng công suất của cả nước khoảng 134.000 MW, còn hiện tại tổng công suất đạt 69.000MW nên dư địa để đầu tư phát triển cho vấn đề điện là rất lớn. Việc đầu tư để tăng về mặt quy mô và chất lượng rất quan trọng. Theo đó, ngoài Nhơn Trạch 3,4, PV Power còn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đồng ý cùng với nhà đầu tư Nhật Nản và một nhà đầu tư trong nước đầu tư dự án LNG ở Quảng Ninh – đây là cụm LNG đầu tiên ở phía Bắc. Tiếp đến là kho LNG ở Nam Du để cung cấp LNG cho nhà máy Cà Mau 3, bổ sung khí cho nhà máy Cà Mau 1 và 2 để tăng sản lượng tại vùng Tây Nam bộ khoảng 11 tỷ kWh/năm. Đây là cụm dự án trọng điểm và quan trọng trong quá trình phát triển của PV Power.
Ban lãnh đạo trình lên HĐQT và có thể là cả ĐHĐCĐ để có thể thành lập các CTCP với mục đích xã hội hóa vốn chủ cùng tham gia. Ban lãnh đạo trình ban quản lý vốn, bộ Công Thương và Chính phủ để giao PV Power làm chủ đầu tư dự án Miền Trung 1 và 2.
Các dự án này triển khai theo hình thức cuốn chiếu cùng với sự hỗ trợ của PVN nên kỳ vọng sẽ thực hiện được.
- Dự án Sông Hậu 1 – Thái Bình 2 sau khi hoàn thành vận hành thương mại có bàn giao cho PV Power không?
Đến thời điểm hiện tại, PVN chưa có chủ trương bàn giao hay chuyển nhượng cho PV Power. Nếu chuyển nhượng thì do đây là giao dịch với bên liên quan nên việc quyết định có nhận chuyển nhượng hay không phải do các cổ đông (ngoại trừ PVN) của PV Power biểu quyết.
- Việc thu hồi nợ xấu từ EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam)?
Hợp đồng mua bán điện của Cà Mau 1 và 2 được ký năm 2008 trên cơ sở được chấp thuận của Thủ tướng và Bộ Công Thương. EVN và PVN (chủ dự án) hồi đó đã đàm phán và thống nhất ký hợp đồng mua bán điện từ 2008 sau đó thành lập PV Power và chuyển đổi cho công ty tiếp tục thực hiện hợp đồng này. Từ năm 2008 đến nay, hợp đồng mua bán này vẫn còn nguyên hiệu lực. Từ 2008 đến tháng 2/2018, mọi việc thanh toán diễn ra bình thường.
Từ tháng 2/2018, EVN đã đơn phương hàng tháng giữ lại tiền điện của Cà Mau, phần chênh lệch tỷ giá phí công suất bình quân mỗi tháng khoảng 60 tỷ đồng/tháng. Có thời điểm EVN giữ số lũy kế lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo đã nỗ lực làm việc với EVN và báo cáo với PVN hay Bộ Công Thương về vấn đề này. EVN đã có 2 lần chuyển trả với tổng số tiền hơn 1.300 tỷ đồng là phần chênh lệch phí công suất từ tháng 2/2018 mà EVN giữ lại đến hết năm 2019. Hiện tại EVN đang tiếp tục giữ lại từ tháng 1/2020 đến nay tức khoảng 834 tỷ đồng.
Phần nợ trên hợp đồng này đương nhiên EVN phải trả cho PV Power. EVN đang muốn tạo ra áp lực để PV Power phải hoàn thành việc chuyển đổi hợp đồng mua bán điện của dự án Cà Mau để tham gia thị trường điện từ năm 2021. Việc này 2 bên đã nỗ lực và sự khác biệt dần được thu hẹp. Hiện có 5 vấn đề vướng mắc đến việc này là tỷ giá chuyển đổi của phí công suất từ USD sang VND, tỷ lệ huy động, Tmax (số giờ hoạt động tối đa 1 năm), thời điểm bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng chuyển đổi, chi phí O&M (đã hết hiệu lực năm 2020).
Trong đó, đã thống nhất 3 vấn đề: Tỷ lệ sẽ là 35%, tỷ giá chuyển đổi là 22.950 đồng/USD theo ý kiến của Ủy ban quản lý vốn. Vấn đề Tmax, PV Power có thể chấp nhận là 6.000 giờ.
Về 2 vấn đề còn lại, PV Power đề nghị đàm phán chuyển đổi ngày nào sẽ có hiệu lực ngày đó. Về chi phí O&M, PV Power đề nghị áp dụng theo trên tối đa như thông tư 57 cho cả thành phần O và M chứ không tách riêng ra từng loại. Nếu không PV Power sẽ thiệt mỗi năm khoảng 200 – 300 tỷ đồng chi phí O&M. Ban lãnh đạo hi vọng 2 sự khác biệt này sẽ được giải quyết trong tháng 6 và khi đó, PV Power sẽ được giải quyết xong tồn tại và được hoàn nhập các dự phòng mà năm 2020 đã trích. Ban lãnh đạo hi vọng không còn phát sinh nợ xấu EVN từ 2 dự án trên.
- Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 có quá thận trọng?
Năm 2021 có nhiều khó khăn khi cả Cà Mau 1, 2 và Vũng Áng phải bảo dưỡng và dừng máy khoảng 45 – 50 ngày. Xu thế giá dầu biến động khó lượng. Giá dầu biến động quanh 65-70 USD khiến giá đầu vào tăng. Huy động của các nhà máy điện khí ở mức dè chừng. Ban lãnh đạo khẳng định sẽ cố gắng hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021 và duy trì cổ tức khoảng 2%.
Bảo Lâm