Chủ tịch Vinachem: Có thể thoái vốn DAP Vinachem về 0%

Báo Nông nghiệp | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 26 Tháng Năm 2021 13:58:00

Trong 12 dự án yếu kém ngành Công thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 4 dự án và chỉ DAP Vinachem đủ điều kiện thoái vốn.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về kết quả và lộ trình thoái vốn và tái cơ cấu Vinachem trong giai đoạn tiếp theo.

chu-tich-vinachem-2461-1622012081.png

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Vướng nhất nhà đất

- Ông cho biết việc tái cơ cấu, cổ phần hóa Vinachem từ năm 2018 theo Quyết định số 16/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?

- Thực hiện Quyết định số 16 của Thủ tướng về cổ phần hóa công ty mẹ tập đoàn và Công ty Apatit, Tập đoàn đạt đúng những tiến độ đề ra. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa cổ phần hóa được, nguyên nhân đến từ những khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp. Tập đoàn chỉ làm phần việc của mình như nhà, đất, báo cáo cấp trên là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Đến thời điểm hiện tại, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định 167/NĐ-CP của Tập đoàn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa được chốt. Đó là khó khăn chung của việc cổ phần hóa của cả nước và Ban chỉ đạo TW cũng đã thấy rồi.

Phần của Vinachem các nhiệm vụ được giao đã hoàn thành, đã gửi, đã báo cáo, tuy nhiên vẫn vướng, cần đợi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đi kiểm tra, chính quyền địa phương rà soát về nhà đất. Tới đây, việc cổ phần hóa cần phải được tháo gỡ, áp dụng thêm các Nghị định liên quan, Ban chỉ đạo TW cũng đang rà soát, chỉ đạo để tháo gỡ.

- Vậy sau khi Quyết định số 16 của Thủ tướng kết thúc năm 2020, lộ trình tái cơ cấu, thoái vốn của Vinachem trong giai đoạn tiếp theo như thế nào thưa ông?

- Trong cổ phần tái cơ cấu Vinachem có 3 nội dung: nội dung 1 là cổ phần hóa, 2 là thoái vốn theo Quyết định số 16 của Thủ tướng phê duyệt, tập đoàn sẽ thoái vốn về 0%, về trên 51% và về 36%.

Quyết định có hiệu lực từ năm 2018 đến hết 2020, nhưng chỉ thực hiện tốt trong đơn vị, còn các đơn vị khác còn nhiều vướng mắc, vướng mắc lớn nhất là về nhà, đất. Ví dụ như Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam đơn vị thoái vốn nhưng do đất, lịch sử đất đai để lại nhiều phức tạp, Cao su Miền Nam gồm mấy đơn vị Cao su Bình Lợi, Cao su Đồng Nai từ thời trước giải phóng để lại cho nên khi xác định giá trị doanh nghiệp rất khó, chưa thể xác định nên không thể thoái vốn.

Một số đơn vị tập đoàn thoái không được vì thị trường chưa quan tâm, giá cao, thời điểm thực hiện thoái vốn thị trường chứng khoán tăng giảm không ở vị trí cố định, đặc biệt năm 2020, năm chịu tác động bởi dịch Covid-19, thị trường đi xuống, người đầu tư không quan tâm.

Có những đơn vị vướng bởi câu chuyện xác định lịch sử văn hóa. Lịch sử văn hóa rất khó định lượng, sau nhiều lần báo cáo xin hướng dẫn, Bộ Tài chính ra quyết định tối thiểu bằng 1% của tất cả các phần trước cộng lại, nhưng vẫn rất khó khi định lượng lịch sử văn hóa, bởi giá trị thương hiệu được tính rồi, lợi thế nhà đất tính rồi, các đơn vị rất băn khoăn. Bởi thế, hết năm 2020 theo Quyết định 16 nhưng vẫn còn một số đơn vị chưa thoái được.

Nhưng ngay từ tháng 6/2020, tập đoàn đã rà soát, đánh giá khả năng thực tiễn và báo cáo lên Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước đề xuất phương án, một là ban hành quyết định mới, hai là gia hạn quyết định 16.

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cho phép tập đoàn tiếp tục thực hiện theo Quyết định 16, tập Đoàn đã tiến hành rà soát lại và xây dựng các phương án của năm 2021. Rà soát, lên phương án các đơn vị đủ điều kiện thoái vốn, bao gồm: Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Cao su Miền Nam, Bột giặt và Hóa chất Đức Giang,…, riêng Công ty cổ phần DAP Vinachem đã lãi từ năm 2018, thị trường được nhiều người quan tâm, đang chờ ý kiến của Thủ tướng.

ddv-vinachem-2843-1622012081.png

Công ty Cổ phần DAP Vinachem là doanh nghiệp duy nhất trong 12 dự án kém hiệu quả ngành Công thương đã được ra khỏi danh sách, chờ Thủ tướng cho phương án thoái vốn. Ảnh: DDV.

Đang chờ Thủ tướng đồng ý thoái vốn DAP Vinachem

- Cụ thể, 4 đơn vị thuộc Vinachem nằm trong 12 dự án thua lỗ hoạt động kém hiệu của ngành Công thương việc tái cơ cấu đến nay ra sao thưa ông?

- Ngoài khó khăn trên, đơn vị còn thêm khó khăn nữa đó là có 4 đơn vị nằm trong 12 dự án của ngành Công thương là: Công ty CP Phân đạm Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP Vinachem (DDV); Công ty CP DAP số 2 Vinachem; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chỉ thực hiện thoái hết vốn sau khi doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và có lãi.

Chữ có lãi được hiểu theo 2 cách: một là lãi dòng tiền, hai là trả hết lỗ lũy kế. Trong 4 đơn vị có Công ty cổ phần DAP Vinachem bắt đầu có lãi từ 2018, là lãi dòng tiền, hoạt động sản xuất dương, nhưng còn khoản lỗ lũy kế hơn 200 tỷ của năm 2016 để lại, mặc dù năm 2018 doanh nghiệp đã trả được hơn nửa, nhưng trên danh nghĩa vẫn chưa hết lỗ lũy kế.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho DDV ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém vào năm ngoái. Nhưng ra khỏi dự án yếu kém rồi vẫn chưa thoái được bởi nó vướng câu chuyện lỗ lũy kế. Hiện Tập đoàn đã báo cáo Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước và Ủy ban đã báo cáo Thủ tướng, đang chờ quyết định của Thủ tướng đồng ý Tập đoàn triển khai.

Về phương án thoái vốn DDV dự kiến, có thể thoái về dưới 51% hoặc có thể về 0%, Tập đoàn đang xin ý kiến cấp trên về nội dung thoái.

- Thưa ông, nhiều người cho rằng, hiện ngành phân bón đang có lợi thế, mặt hàng phân bón DAP lại đang được hưởng chính sách thuế tự vệ nên năm nay hoặc muộn nhất năm sau là thời điểm thoái vốn tốt nhất cho DDV bởi chính sách thuế chỉ có hiệu lực tới năm 2021?

- Nói thế cũng chưa hẳn đúng, thuế tự vệ DAP chỉ là một phần, DAP Vinachem hiện có thị trường tốt, thương hiệu mạnh, làm ăn có lãi và ngày càng hiệu quả. Bằng chứng là mặc dù niêm yết trên sàn Upcom nhưng giá cổ phiếu DDV tăng từ 5.000 lên gần 16.000 và hiện xung quanh 11.000 đồng/CP. Giá cổ phiếu là nhiệt kế đo sức khỏe doanh nghệp chuẩn nhất.

Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của DDV không phải là thuế tự vệ mà chính là việc hiện công ty đang sở hữu cảng nước sâu chuyên dụng cho hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất tại Đình Vũ, Hải Phòng, đây mới là thứ mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư họ quan tâm và đánh giá cao.

- Vậy, phướng án, chủ trương thoái vốn, tái cơ cấu, cổ phần hóa Vinachem trong giai đoạn tiếp theo có thay đổi gì so với giai đoạn 2018 - 2020 không thưa ông?

- Thời gian tới tập đoàn tiếp tục tái cơ cấu sắp xếp lại các nhóm, ngành hàng, những thứ liên quan đến thiết yếu về góp phần đảm bảo an ninh lương thực và ổn định sản xuất trong nước. Trong đó, nhóm sản phẩm phân bón chia ra nhóm cần phải cơ cấu lại và nhóm thoái vốn. Các doanh nghiệp phân lân sẽ tạm thời giữ nguyên hoặc thoái vốn nhà nước giữ trên 51%.

Sản phẩm điện khoáng, điện ắc quy, các đơn vị nhỏ lẻ có thể là thoái vốn toàn bộ, những đơn vị chủ lực như Pinaco sắp xếp lại bởi nhu cầu tới đây để sản xuất ô tô điện, điện mặt trời, điện gió, điện tử ắc quy. Nếu không có doanh nghiệp do Nhà nước quản lý sẽ bị nước ngoài thao túng, rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam ổn định được. Đơn củ như hóa chất cơ bản như Chloramine B Nhà nước phải chỉ đạo, chi phối bởi Chloramine B là doanh mục hàng hóa dự trữ Quốc gia.

"Việc tái cơ cấu, thoái vốn của Vinachem phải đảm bảo hai nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao. Thứ 2, nhiệm vụ dẫn dắt. Là đơn vị được Nhà nước giao vốn cho nên mình phải thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ví dụ ứng phó với Covid-19, Tập đoàn có văn bản chỉ đạo các đơn vị ưu tiên sản xuất mặt hàng phục vụ công tác chống dịch như Chloramine B, gel sát khuẩn tay, các chất tẩy phục vụ cho vệ sinh sàn nhà, thiết bị máy móc, cung cấp oxy cho các bệnh viện…

Hay như thị trường phân bón vừa rồi bị “sốt”, giá tăng cao, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị dừng các đơn hàng xuất khẩu, ưu tiên cung cấp sản phẩm phân bón ure, DAP cho nhu cầu trong nước. Giá thấp hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, có thời điểm thấp hơn tới 20% so với hàng nhập khẩu." Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Huân thực hiện