Từng là một mã cổ phiếu được các nhà đầu tư khá mong đợi trước thềm IPO với số lượng đặt mua vượt số lượng chào bán, nhưng đến nay POW của PV Power lại đang trở thành cơn ác mộng của cổ đông đang nắm giữ, bất chấp việc thị trường chung khởi sắc.
Hoạt động sản xuất kinh doanh ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, thậm chí còn được hưởng lợi từ việc giá dầu khí giảm mạnh, cùng với đó là sự thăng hoa của thị trường chung, nhưng cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) vẫn ì ạch ở mức giá tham chiếu không thể bứt phá.
Hào quang quá khứ
Chắc hẳn các nhà đầu tư còn nhớ phiên IPO của PV Power diễn ra hồi đầu năm 2018 được đánh giá là khá thành công khi thu hút gần 2.000 nhà đầu tư tham gia. Hơn 468 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) được bán hết với giá bình quân 14.938 đồng/cp, mang về cho Nhà nước 6.996,5 tỷ đồng.
Sở dĩ phiên IPO của PV Power được nhiều nhà đầu tư quan tâm như vậy là bởi với vị thế đầu ngành cùng những thay đổi tích cực trong cơ cấu tài sản, nguồn vốn cùng triển vọng tích cực của ngành điện thời điểm đó thì đây thật sự là một cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Với những lợi thế này, trước thềm IPO, các chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán còn đưa ra mức định giá hợp lý cho cổ phiếu POW lên tới 16.000-17.000 đồng/cp. Thậm chí, trong báo cáo phân tích tháng 12/2017 của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) còn đưa ra mức định giá lên tới 18.820 đồng/cp cho POW.
Ngay sau khi IPO thành công, đến tháng 3/2018, PV Power chính thức đưa 460 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.900 đồng/cp và đạt đỉnh ở mức 17.800 đồng/cp ngay trong phiên chào sàn, sau đó giảm dần và có lúc giảm sâu đến vùng giá gần 11.000 đồng/cp.
Sau 9 tháng giao dịch trên UPCoM, vào những ngày đầu năm mới 2019, HoSE đã quyết định chấp thuận cho PV Power được niêm yết toàn bộ hơn 2,34 tỷ cổ phiếu trên sàn giao dịch này từ ngày 14/1 với giá tham chiếu 14.900 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức giá của phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 16.000 đồng/cp.
Trong phần lớn năm 2019, POW giao dịch không mấy nổi bật trong vùng giá 14.000-16.000 đồng/cp. Khủng hoảng thật sự của POW bắt đầu từ những tháng cuối năm 2019 khi bắt đầu giảm về mức giá 13.000 đồng/cp, rồi 12.000 đồng/cp và lao về mức 7.000 đồng/cp hồi giữa năm 2020.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm tạo đáy này, diễn biến giá cổ phiếu POW dần quay trở lại nhịp tăng bền bỉ và đã tăng hơn 100.28% kể từ đáy lên mức 14.750 đồng/cp (phiên 18/1/2021), là một trong những cổ phiếu có mức tăng tốt nhất trong các cổ phiếu ngành điện.
Nỗi thất vọng kéo dài
Thế nhưng, trong những ngày gần đây, câu chuyện về POW lại làm nóng các diễn đàn chứng khoán khi giá cổ phiếu POW chọn đường ngược chiều, ghi nhận giảm tới hơn 20% so với đầu năm về mức giá dưới 12.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, cổ phiếu POW cũng thường xuyên nằm trong danh sách bán ròng của khối ngoại. Thống kê giao dịch trong khoảng 1 tháng trở lại đây cho thấy, của nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng POW 16/20 phiên với số lượng khá lớn.
Đơn cử như phiên 6/5, nhà đầu tư nước ngoài bán hơn 3 triệu cổ phiếu; trước đó phiên 22/4 bán 1,2 triệu cổ phiếu, phiên 26/4 là gần 850.000 cổ phiếu… Trong những phiên khối ngoại xả mạnh này, giá của POW đều sụt giảm mạnh.
Đó thật sự đang trở thành cơn ác mộng của cổ đông PV Power, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán giao dịch khởi sắc, doanh nghiệp không hề có thông tin tiêu cực gì sau gần 5 tháng đầu năm. Ngược lại, PV Power còn liên tục công bố nhiều thông tin tích cực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đầu tiên là thông tin liên quan đến hoạt động thoái 51% vốn tại CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PV Machino), thu về hơn 500 tỷ đồng hồi giữa tháng 3. Thương vụ thoái vốn này cùng với sản lượng điện của Nhà máy Vũng Áng 2 tăng cao chính là những yếu tố giúp cho POW ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2021, với lợi nhuận sau thuế tăng 12%, đạt 566 tỷ đồng.
PV Power mới đây tiếp tục công bố sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 ước hơn 1,7 tỷ kWh, nâng lượng điện 4 tháng đầu năm đạt hơn 6,4 tỷ kWh. Tổng doanh thu của doanh nghiệp trong 4 tháng đạt mức 10.212 tỷ đồng.
Theo giải trình của PV Power, sản lượng điện tháng 4 đã có sự tăng mạnh so với tháng 3 do Nhà máy điện Vũng Áng 1 và Nhà máy Thủy điện Đắk Đrinh đều phát điện vượt kế hoạch.
Trong tháng 5, POW đặt mục tiêu tiếp tục vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả các nhà máy điện, sản lượng điện dự kiến tăng trưởng 15% so với tháng 4 lên mức 2 tỷ kWh, doanh thu dự kiến đạt 3.158 tỷ đồng (tăng 10%).
Gã khổng lồ... nhiều "bệnh"
Trước đó, sau khi PV Power thoái vốn khỏi PV Machino, Công ty chứng khoán HSC đã đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu POW với giá mục tiêu là 17.300 đồng/cp - cao hơn khoảng 27% so với thị giá thời điểm đó. Ở mức giá này, P/E dự phóng năm 2021 của POW là 17,8 lần.
Theo HSC, thương vụ này giúp POW ghi nhận khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2021. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021 khá thuận lợi giữa bối cảnh thiếu điện và nhu cầu điện liên tục tăng.
Thế nhưng, diễn biến của POW trên thị trường chứng khoán là bức tranh không mấy sáng sủa. Khi nhìn vào diễn biến giao dịch của cổ phiếu này có thể thấy bên nắm giữ chực chờ bán ra mỗi khi cổ phiếu tăng nhẹ.
Nhìn chung, rất khó lý giải được nguyên nhân vì sao từ một “ngôi sao” được săn đón, POW liên tiếp gây ra những nỗi thất vọng cho cổ đông. Tuy nhiên, có một thực tế là bên cạnh những tác động khách quan từ bên ngoài, PV Power cũng có những vấn đề nội tại.
Thực tế, cổ đông của công ty này nhiều năm có ý kiến về việc bộ máy quản lý cồng kềnh, quá nhiều phòng, ban nhân sự, yêu cầu tinh lọc mảng kinh doanh thương mại, cắt giảm nhân sự những bộ phận không hiệu quả, thua lỗ liên tục.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo của PV Power cho biết, dù rất mong muốn nhưng việc này cũng cần có lộ trình và cổ đông chỉ còn biết hy vọng.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã có buổi làm việc với PV Power về dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 và dự kiến khởi công quý I/2021.
Dự án được thực hiện tại Khu công nghiệp Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch) với quy mô gần 54 ha, tổng mức đầu tư khoảng 33.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện dự án này còn gần 7 ha chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, hơn 6 ha đã phê duyệt phương án đền bù nhưng người dân chưa nhận tiền.
Không chỉ vướng mắc về mặt bằng, việc khởi công nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 còn gặp khó do chủ đầu tư PV Power chưa thống nhất được các chi phí với đơn vị cho thuê hạ tầng.
Minh Khuê