Kỳ vọng thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS), nhiều nhà đầu tư mạnh dạn “mua trước đón đầu”, đẩy giá cổ phiếu này tăng vọt. Tuy nhiên, SCIC cho biết, phương án thoái vốn vẫn chưa được duyệt.
Giá cổ phiếu SJS đã tăng gần 97,5% kể từ đầu năm tới nay, từ mức 28.150 đồng/cp chốt phiên 31/12/2020, lên 55.600 đồng/cổ phiếu chốt phiên 20/5/2021. Đặc biệt, giai đoạn tăng tốc mạnh là từ đầu tháng 4 đến nay, SJS tăng 40,5% - mức sinh lợi đáng mơ ước cho nhiều nhà đầu tư ở trong thời gian hơn 1,5 tháng, thanh khoản ở mức hơn 200.000 đơn vị/phiên.
Một trong những nguyên nhân giúp giá cổ phiếu SJS tăng phi mã là thông tin thoái vốn của Tổng công ty Sông Đà - CTCP khỏi doanh nghiệp này.
Thông tin thoái vốn tại SJS đã được thị trường chờ đợi từ vài năm nay, hầu như năm nào cũng xuất hiện luồng thông tin “sắp thoái vốn”, tác động ngay lên giá cổ phiếu, nhưng sóng tăng của những năm trước không đáng kể, khác hẳn với sóng tăng lần này.
“Điều này thể hiện niềm tin mãnh liệt của những người mua trước câu chuyện thoái vốn đã đến gần”, một nhà đầu tư nhạy tin cho biết.
Ngay từ những ngày đầu tháng 4, nhà đầu tư này đã có chia sẻ về việc “chủ trương thoái vốn của Tổng Sông Đà tại SJS đã chấp thuận”. Nhiều nhóm đầu tư nhạy tin khác cùng chia sẻ thông tin về tiến độ thoái vốn tại SJS với niềm tin ngày càng cao hơn, như “đã có đơn vị tư vấn, đang ráo riết thực hiện các bước theo quy trình, để cố gắng có thể tiến hành đấu giá ngay trong tháng 6/2021”.
Không chỉ trong nhóm các nhà đầu tư lớn, nắm nhiều thông tin, mà trên thị trường cũng đã bắt đầu xuất hiện những thông tin về thoái vốn tại SJS, trong đó có những luận điểm đưa ra khá thuyết phục, chủ yếu đến áp lực trả nợ của Tổng công ty Sông Đà được cho là tác nhân sẽ khiến cuộc thoái vốn diễn ra sớm.
Trong cơ cấu cổ đông của SJS, Tổng công ty Sông Ðà đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 36,35% vốn điều lệ. Cổ đông lớn thứ hai ông Ðỗ Văn Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SJS, với tỷ lệ nắm giữ 7,81% vốn.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của Tổng công ty Sông Đà - CTCP, tại thời điểm 31/12/2020, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn Tổng công ty là hơn 5.195 ty đồng, trong đó gần 2.354 tỷ đồng là vay dài hạn đến hạn trả. Còn vay dài hạn là 6.363 tỷ đồng, trong đó gồm vay ngân hàng hơn 5.307 tỷ đồng và trái phiếu 1.040 tỷ đồng.
Theo Tổng công ty Sông Đà, đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, kỳ hạn 3 năm, mục đích phát hành là để tái cơ cấu các khoản nợ. Trái chủ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Bảo Việt. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu mà Tổng công ty đang nắm giữ, gồm SD2, SD3, SD4, SD5, SD6, SD9, SJC, SJS, SDC, VCP, MPC và MEC. Tổng công ty đã có công văn gửi ngân hàng đề nghị gia hạn thời gian thanh toán nợ gốc trái phiếu.
Các nhà đầu tư thạo tin cho rằng, lô trái phiếu đáo hạn cuối năm 2020, nhưng đã được gia hạn thời gian thanh toán đến tháng 6/2021. Do vậy, nếu Tổng công ty Sông Đà có thể tiến hành thoái vốn tại SJS cũng sẽ mang về nguồn thu đáng kể để tiến hành trả nợ trái phiếu.
Hiện tổng tài sản Tổng công ty Sông Đà hơn 26.053 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn và dài hạn chiếm tỷ trọng gần tương đương. Trong tài sản ngắn hạn 12.239 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn 8.809 tỷ đồng và hàng tồn kho 2.688 tỷ đồng. Trong tài sản dài hạn, tập trung ở tài sản cổ định hơn 9.533 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn hơn 2.719,5 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu là 7.170,5 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 2,633 lần, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu 1,61 lần.
Ngày 31/8/2020, Bộ Xây dựng và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại 4 tổng công ty từ Bộ Xây dựng sang SCIC, trong đó có Tổng công ty Sông Đà - CTCP. Trong danh sách thoái vốn năm 2021, SCIC có kế hoạch thoái vốn tại Tổng công ty Sông Đà (vốn điều lệ 4.485,97 tỷ đồng, SCIC sở hữu 99,79% vốn).
Sudico tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Sông Ðà, được thành lập năm 2001, cổ phần hóa vào năm 2003. Công ty sở hữu quỹ đất lớn tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh, Ðà Nẵng.
Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất là Nam An Khánh, được cấp phép đầu tư từ năm 2004 trên diện tích 312 ha, thuộc địa bàn hai xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Ðức, TP. Hà Nội). Dự án này được đánh giá cao về tiềm năng lợi nhuận nhờ vị trí đắc địa, nằm ngay sát Ðại lộ Thăng Long nối liền với trung tâm Hà Nội.
Các năm trước, luồng thông tin trên thị trường cho rằng, ông lớn ngành bất động sản là Vingroup sẽ tham gia đấu giá mua cổ phiếu SJS, bởi lẽ tập đoàn này cũng đang có dự án Vinhomes Thăng Long và Vinsmart City, nên việc tham gia đấu giá để có thêm quỹ đất ở khu vực này.
Ở thời điểm hiện tại, dù chưa tiết lộ đại gia nào sẽ tham gia đấu giá, nhưng các nhà đầu tư kể trên cho biết, đã có nhà đầu tư quan tâm và khả năng nếu đấu giá sẽ thành công ở mức giá cao.
Tuy nhiên, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo SCIC cho biết, đến thời điểm hiện tại, phương án thoái vốn của Tổng công ty Sông đà tại SJS chưa được phê duyệt.
Phan Hằng