Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance, UPCoM: EVF) công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên nợ vay, nợ xấu của doanh nghiệp cũng tăng 16%.
Công ty tài chính Cổ phần điện lực (EVN Finance, UpCOM: EVF) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021.
Theo đó, kết thúc quý 1, thu nhập lãi thuần của EVF tăng 7%, đạt gần 194 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thuần từ dịch vụ (-73%) và kinh doanh ngoại hối (-82%), lợi nhuận khác (-98%) dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của EVF giảm nhẹ 1%, còn gần 155 tỷ đồng.
Dù vậy, EVF vẫn có lãi trước thuế tăng 31% so cùng kỳ, lên mức 118 tỷ đồng, nhờ giảm 44% dự phòng rủi ro tín dụng.
Tại ngày 31/03/2021, tổng tài sản của EVF ghi nhận 483 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm, chủ yếu do tiền gửi tại NHNN giảm đến 93% và tài sản có khác giảm 57%. Cho vay khách hàng chỉ tăng 2%, đạt hơn 12,329 tỷ đồng.
Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng giảm 19% so với đầu năm, còn gần 5,479 tỷ đồng; trong khi phát hành giấy tờ có giá gấp 3.8 lần đầu năm, lên mức 1,900 tỷ đồng.
Xét về chất lượng nợ vay, nợ xấu của EVF tại thời điểm cuối quý 1/2021 tăng 16% so với đầu năm, lên mức gần 345 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 56% và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp 2.9 lần. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2.46% lên 2.8%.
Liên tục bị "ế" khi thoái vốn
Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực được thành lập năm 2008 vốn điều lệ 2.649 tỷ đồng, nhiệm vụ chính lúc đó là thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc EVN và các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính chuyên nghiệp cho các đơn vị trong ngành điện và các đơn vị thành phần kinh tế khác.
EVN là cổ đông sáng lập, tỷ lệ sở hữu ban đầu 40%, tương ứng 100 triệu cổ phiếu; cổ đông lớn thứ hai tại EVF là ABBank, tỷ lệ sở hữu 8,4%.
Ngày 5/12/2014, EVN bán đấu giá 25% vốn tại EVF, tương ứng 62,5 triệu cổ phiếu, với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phiếu. Kết quả, EVN bán được 58,75 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu sau đấu giá là 16,5%, tương ứng 41,25 triệu cổ phiếu.
Ðến tháng 10/2015, EVN thoái 1,5% vốn tại EVF cho đối tác thông qua giao dịch thỏa thuận, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 15%.
Theo Ðề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020 do Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn sẽ phải thoái hết vốn góp tại EVF. Do đó, ngày 18/8/2017, EVN bán đấu giá toàn bộ 37,5 triệu cổ phiếu EVF với giá khởi điểm 14.133 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cuộc đấu giá không đủ điều kiện tiến hành do hết thời hạn đăng ký và đặt cọc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá.
Cuối quý 3/2017, EVN phải hạ giá xuống 11.654 đồng/cổ phiếu và bán thành công một nửa số cổ phiếu đang sở hữu tại EVF thời điểm đó, giảm tỷ lệ sở hữu EVF xuống còn 7,5%.
Đợt thoái vốn gần đây nhất, 23/8/2019, EVN đã đưa 18,75 triệu cổ phiếu EVF với giá khởi điểm 13.480 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá giao dịch trên sàn chứng khoán thời điểm đó chỉ rơi vào khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả, EVN chỉ bán được 16,25 triệu cổ phần cho 2 nhà đầu tư cá nhân, còn lại vẫn ế hơn 2 triệu cổ phiếu EVF và được rao bán vào lần này.
Với mức giá 17.411 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi thị giá hiện tại 7.900 đồng, liệu EVN có thoái vốn thành công 2,65 triệu cổ phiếu EVF không hay lại ế ẩm, lỡ hẹn với Đề án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc EVN giai đoạn 2017 -2020 của Thủ tướng Chính phủ?
Trước đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã hoàn tất bán ra 9,1 triệu cổ phiếu EVF, không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Điểm khác biệt giữa ABBank và EVN là ABBank chỉ bán ở mức giá 7.800 đồng/cổ phiếu, còn giá khởi điểm EVN mong muốn lại gấp đôi thị giá hiện tại.
PV (th)