Chuyện vay mượn của Saigontel: Lợi nhuận “nhảy” giữa các công ty

BDT | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 17 Tháng Năm 2021 09:41:00

Những giao dịch tài chính giữa các doanh nghiệp có thể làm thay đổi bức tranh kinh doanh của từng công ty do lãi suất hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận song phương.

Saigontel vay lãi suất chỉ 1%/năm

Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT) vừa có kế hoạch mượn vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên. Số tiền mượn là 540 tỷ đồng, với lãi suất rất hữu nghị chỉ 1%/năm và thời hạn vay là 2 năm kể từ ngày giải ngân.

Đây là mức lãi suất rất “mềm” so với mặt bằng lãi suất trên thị trường tài chính tiền tệ hiện tại, bởi ngay cả lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng cũng vào khoảng 6,5%, trong khi lãi suất cùng thời hạn mà các ngân hàng cho vay lên tới khoảng 10%/năm. Đối với trái phiếu, mặt bằng lãi suất mà các doanh nghiệp phát hành phải trả thường cũng ở mức trên 10%/năm.

Việc huy động vốn với chi phí rẻ rõ ràng sẽ giúp Saigontel thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh, sau khi đã có kết quả kinh doanh quý I/2021 khá tốt. Cụ thể, trong quý đầu năm 2021, Công ty đạt doanh thu thuần riêng lẻ 56,3 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp riêng lẻ 8,4 tỷ đồng, tăng 308,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Saigontel đạt  80,9 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý I/2021, giảm 8,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 11,8 tỷ đồng, tăng 260% so với cùng kỳ. Trong văn bản giải trình về sự gia tăng lợi nhuận, bà Nguyễn Cẩm Phương, Tổng giám đốc Công ty cho biết, chi phí bán hàng trong quý I đã giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2020, do công ty mẹ và các đơn vị kiểm soát tốt chi phí trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ngoài ra, lợi nhuận có được trong quý I/2021 cũng nhờ sự đóng góp từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh của công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Saigontel (Saigontel Land) và lợi nhuận từ hoạt động cho thuê đất, nhà xưởng tại Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn (Bắc Ninh) của chi nhánh Saigontel mang lại.

Những “chuyển động” từ thu chi tài chính

Trong số những nguyên nhân làm gia tăng lợi nhuận quý I/2021 của Saigontel, còn có sự gia tăng doanh thu tài chính từ lãi tiền cho vay và doanh thu từ lãi tiền gửi ngân hàng.

Trở lại thương vụ vay mượn với lãi suất thấp mà Saigontel vừa thực hiện, với quy mô vay lên tới 540 tỷ đồng, việc vay lãi suất thấp hơn thị trường có thể sẽ tiếp tục giúp doanh nghiệp này có thêm ưu thế từ hoạt động tài chính. Nếu không vay vốn từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên, mà phải đi vay ngân hàng với lãi suất khoảng 10%, thì mức chênh lệch lãi suất (tạm tính là 9%) cũng sẽ ngốn một khoản chi phí tài chính không nhỏ cho Saigontel.

Cụ thể, mỗi năm, Saigontel giảm được gần 50 tỷ đồng chi phí tài chính, 2 năm sẽ khoảng 100 tỷ đồng. Chi phí tài chính tiết kiệm được này được tính thẳng vào lợi nhuận trước thuế của Công ty. Đây là một số tiền rất đáng kể, lớn gấp 7,75 lần lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Công ty quý I/2021 và gấp 16,7 lần lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2020.

Đương nhiên, tiền không thể “từ trên trời rơi xuống”, mà chỉ chuyển từ “túi” doanh nghiệp này sang “túi” doanh nghiệp khác, trong trường hợp này là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên. Theo đó, với việc cho vay lãi suất rẻ, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên sẽ phải hy sinh một khoản thu nhập tài chính so với việc họ cho vay với lãi suất thị trường.

Bản chất thương vụ cho vay này khiến một phần lợi nhuận đã “nhảy” từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên sang Saigontel, nhưng thực tế đây là một thương vụ mà cổ đông của Saigontel được lợi.

Mặc dù vậy, quan hệ tài chính liên quan đến nợ nần cũng đang đặt lên vai Saigontel những áp lực trả nợ. Về cơ cấu tài chính, tính đến ngày 31/3/2021, Saigontel có quy mô nợ phải trả là 2.764,7 tỷ đồng, lớn gấp 2,8 lần so với vốn chủ sở hữu cùng thời điểm.

Chí Tín