Theo các nhà phân tích, với nguồn lực tài chính mạnh, vị thế vốn, chất lượng tài sản và lãi suất cho vay bình quân thấp so với các ngân hàng khác, MBB có thể được NHNN cân nhắc cấp thêm hạn mức tín dụng trong thời gian tới.
SSI Research vừa có báo cáo về Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB).
Báo cáo cho biết, mới đây, Ngân hàng đã tổ chức ĐHCĐ năm 2021 vào ngày 27/4/2021 và đã thông qua kế hoạch năm với LNTT dự kiến tăng 20% và vốn điều lệ tăng 38%. Ngân hàng cũng công bố lợi nhuận Q1/2021 vượt ước tính của thị trường với tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 9,1 nghìn tỷ đồng ( 45% so với cùng kỳ) và LNTT đạt 4,6 nghìn tỷ đồng ( 109% so với cùng kỳ và 79% so với quý trước). Kết quả khả quan này được thúc đẩy bởi tất cả các dòng thu nhập và chất lượng tài sản được kiểm soát hợp lý.
Tăng trưởng cho vay mạnh mẽ vượt các ngân hàng trong cùng hệ thống
Thu nhập lãi ròng của MBB trong quý I tăng 27% so với cùng kỳ và đạt 6,0 nghìn tỷ đồng. Điều này được hỗ trợ chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong quý ( 8,4% so với đầu năm hay tăng 25 nghìn tỷ đồng), cũng như NIM tăng 16 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ lên 5,01%. Tăng trưởng cho vay mạnh hơn so với ước tính của các nhà phân tích SSI Research và vượt các ngân hàng cùng hệ thống (3%-4%). Điều này chủ yếu xuất phát từ cho vay khối khách hàng doanh nghiệp ( 10,6% so với đầu năm) trong đó: lĩnh vực thương mại ( 8 nghìn tỷ đồng); sản xuất ( 6,3 nghìn tỷ đồng); và năng lượng ( 5,4 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, cho vay bán lẻ tăng 6% so với đầu năm ( 7,8 nghìn tỷ đồng). Cho vay tài chính tiêu dùng qua MCredit tăng nhẹ 1,1% so với đầu năm lên 10,3 nghìn tỷ đồng.
Do tín dụng tăng tốc trong Q1/2021, dư nợ cho vay bình quân trong năm cao sẽ giúp MBB cải thiện thu nhập lãi. Với nguồn lực tài chính mạnh, vị thế vốn, chất lượng tài sản và lãi suất cho vay bình quân thấp so với các ngân hàng khác, SSI Research kỳ vọng rằng MBB có thể được NHNN cân nhắc cấp thêm hạn mức tín dụng trong thời gian tới.
Tuy nhiên các nhà phân tích cũng bày tỏ một số lo ngại về các khoản giải ngân lớn liên tục cho ngành điện, đặc biệt là cho các dự án năng lượng mặt trời. Việc tăng công suất từ các nhà máy năng lượng mặt trời có thể dẫn đến việc phát điện thấp hơn và tác động tiêu cực đến dòng tiền và lịch trình thanh toán nợ. Tổng tín dụng của MBB trong lĩnh vực năng lượng vào cuối Q1/2021 là 8,1% tổng dư nợ (so với 6,9% vào cuối năm 2020 và 4,2% vào cuối năm 2019).
Cân đối lại các nguồn vốn theo hướng dài hạn
Theo SSI Research, MBB đã tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng với chi phí thấp trong ba quý đầu năm 2020. Mặc dù hỗ trợ NIM, động thái này đã đẩy nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lên 37% vào cuối năm 2020 (so với 31% vào cuối năm 2019). Trong Q1/2021, ngân hàng đã cân đối lại nguồn vốn theo hướng dài hạn hơn, với mức tăng lần lượt là 23 nghìn tỷ đồng và 8,5 nghìn tỷ đồng so với đầu năm đối với tiền gửi có kỳ hạn và giấy tờ có giá trên 12 tháng. Điều này đã giúp ngân hàng hạ tỷ lệ trên xuống 30%. Trong khi đó, lãi suất huy động liên tục có xu hướng giảm nên việc điều chỉnh nói trên không tạo ra áp lực về chi phí vốn. Chi phí vốn giảm -15 bps so với quý trước (-99 bps so với cùng kỳ) xuống 2,93%. Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính Q1/2021, MBB có chi phí vốn thấp thứ hai (cao hơn TCB là 2,4%).
CASA bán lẻ đang đi đúng lộ trình
CASA từ khách hàng cá nhân tại MBB đã tăng 37% so với đầu năm lên khoảng 44 nghìn tỷ đồng, và bù đắp một phần bởi sự sụt giảm theo mùa của CASA từ khách hàng doanh nghiệp (-19% so với cùng kỳ). Xu hướng tăng của CASA bán lẻ là kết quả của việc tăng gấp đôi giá trị giao dịch liên quan đến các sáng kiến ngân hàng kỹ thuật số khác nhau. MBB thành lập thị trường chuyển nhượng tiền gửi cũng như tạo ra một số tiện ích mới trong ứng dụng MBB App. Bên cạnh đó, ý tưởng cho phép khách hàng mở tài khoản ngân hàng với số tài khoản trùng với số điện thoại của khách hàng đã được đón nhận tích cực một cách đáng ngạc nhiên và giúp MBB mở rộng tệp khách hàng của mình. Trong Q1/2021, khách hàng cá nhân mới thông qua ứng dụng MBB là 1 triệu khách, tương đương với khoảng 60% khách hàng mới trong cả năm 2020.
SSI Research đánh giá, mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tỷ lệ duy trì gắn bó cũng như CASA đến từ nhóm khách hàng này, nhưng kết quả ban đầu là khá khả quan. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng là thu hút được 5 triệu khách hàng mới (đưa tổng số khách hàng tăng gấp đôi so với cuối 2020) trong năm 2021 và kỳ vọng có thể thu hút được một lượng khách hàng từ cơ sở khách hàng lớn tới 50 triệu khách hàng của Viettel.
Đẩy mạnh đầu tư vào ngân hàng thuật số và các sáng kiến CNTT có thể khiến chi phí hoạt động cao hơn
Chi phí hoạt động (Opex) của MBB trong quý I tăng 49% so với cùng kỳ và 43% so với quý trước. Hệ số CIR ở mức 30%. Nếu không tính đến khoản thu từ nợ xấu đã xóa cao bất thường trong quý này, hệ số CIR vẫn được cải thiện lên 35% (so với 40% trong năm 2020). Opex tăng lên được lý giải với những lý do sau:
Một là, MBB thu hút thêm nhiều nhân viên chất lượng cao. Trong Q1/2020 do Covid-19, ngân hàng đã tạm dừng một số dự án và kiểm soát chặt chẽ chi phí. Khi tình hình dịch Covid-19 dần được cải thiện, ngân hàng đã khởi động lại các dự án, trong đó có dự án chiến lược dưới sự tư vấn của IBM và tuyển dụng những nhân viên có năng lực cao. Do đó, chi phí nhân viên tăng 37% so với cùng kỳ lên 1,7 nghìn tỷ đồng.
Hai là, khấu hao tài sản cố định. Đầu tư liên tục vào cơ sở hạ tầng CNTT và khấu hao của trụ sở mới hoạt động từ Q4/2020 khiến chi tài sản tăng 51% so với cùng kỳ lên 500 tỷ đồng. Với quá trình số hóa và ngân sách đầu tư cho CNTT theo kế hoạch là 50 triệu USD mỗi năm, SSI Reseach cho rằng Opex sẽ có xu hướng tăng trong vài năm tới. MBB cũng có kế hoạch xây dựng trụ sở mới tại TP.HCM, với chi phí đầu tư tối đa 20% vốn điều lệ (5,8 nghìn tỷ đồng nếu tính theo số liệu hiện tại).
Ước tính lợi nhuận
SSI Reseach duy trì ước tính cho năm 2021 với LNTT đạt 13,6 nghìn tỷ đồng ( 28% so với cùng kỳ), dựa trên tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 21,5% và 18,2% so với cùng kỳ, và NIM tăng 8 bps. Năm 2022, MBB sẽ đạt 16,4 nghìn tỷ đồng LNTT ( 20% so với cùng kỳ) với các giả định chính bao gồm tăng trưởng tín dụng là 16%, NIM ổn định ở mức 4,97% và chi phí tín dụng thấp hơn (1,96% so với 1,98% trong năm 2021 và 2,23% trong năm 2020).
Về cổ phiếu, SSI Research cho biết đã chuyển cơ sở định giá đến tháng 6/2022 và sử dụng BVPS bình quân của năm 2021 và 2022. Các nhà phân tích cũng tính đến kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho Viettel với mức chiết khấu -25% so với giá thị trường và thay đổi giả định cổ tức thành không có cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2020 (so với 6% theo giả định trước đây). Theo đó, với hệ số P/B mục tiêu không đổi là 1,6x, và giá mục tiêu 1 năm của MBB là 36.000 đồng/cổ phiếu, so với mức 31.000 đồng hiện tại.