Biên lợi nhuận về mức thấp nhất 4 năm, Vinamilk kỳ vọng vào xuất khẩu và chuỗi ‘Giấc mơ sữa Việt’

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 05 Tháng Năm 2021 07:41:00

Đà tăng trưởng của Vinamilk gặp khó bởi sức mua giảm và giá nguyên liệu tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Biên lợi nhuận gộp về mức thấp nhất 4 năm

Theo BCTC hợp nhất quý I, Vinamilk (HoSE: VNM) ghi nhận doanh thu thuần giảm 7% xuống 13.190 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nội địa đạt 11.178 tỷ đồng, giảm 7%; doanh thu xuất khẩu 2.012 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. 

Doanh nghiệp cho biết kết quả này phản ánh sự suy giảm trong sức mua của người dân đối với các sản phẩm tiêu dùng nhanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài. Theo AC Nielsen, tổng giá trị ngành tiêu dùng ngành giảm 7% trong 2 tháng đầu năm.

Năm 2020, Vinamilk ghi nhận doanh thu tăng trưởng 6% chủ yếu nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh Mộc Châu Milk (UPCoM: MCM), trong khi sức mua thị trường yếu. Tổng giá trị ngành hàng tiêu dùng nhanh giảm 7%, riêng ngành sữa giảm 6%, theo số liệu AC Nielsen.

Không chỉ chịu ảnh hưởng của sức mua giảm, biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 46,7% về 43,6% - đây là mức biên lợi nhuận gộp thấp nhất của Vinamilk trong vòng 4 năm qua. Điều này khiến lợi nhuận gộp giảm 13% xuống 5.755 tỷ đồng.

Vinamilk lý giải chi phí đầu vào liên quan đến các nguyên liệu chính như bột sữa và đường tăng lên đáng kể từ cuối năm 2020. Đơn vị vẫn đang theo dõi sát biến động giá nguyên vật liệu, thương thảo và ký hợp đồng với nhà cung cấp ở mức giá tốt nhất, một số nguyên vật liệu chính đã được ký hợp đồng mua đến hết quý III.

vnm-blngop-5460-1620126800.png

Đơn vị: %

Doanh thu tài chính duy trì mức tương đương cùng kỳ năm trước đạt 285 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm mạnh từ 122 tỷ về 6 tỷ đồng nhờ giảm lỗ chênh lệch tỷ giá. Đồng thời, chi phí bán hàng cũng giảm 14% xuống 2.586 tỷ đồng khi chi phí dịch vụ khuyến mãi, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng giảm. Trong kỳ, Vinamilk đã có những điều chỉnh trong chi phí bán hàng để phù hợp với diễn biến thị trường.

Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Vinamilk còn giảm 7%, đạt 2.576 tỷ đồng. Doanh nghiệp mới hoàn thành 23,1% kế hoạch lợi nhuận năm được cổ đông phê duyệt.

vnm-quyi-7695-1620126800.png

Đơn vị: tỷ đồng

Đẩy mạnh chuỗi Giấc mơ sữa Việt và hoạt động xuất khẩu

Trong bối cảnh khó khăn, Vinamilk cho biết vẫn tăng cường kênh phân phối, mở rộng hệ thống trang trại và phát triển sản phẩm mới để đón nhu cầu tiêu dùng trong nước hồi phục sau dịch bệnh.

Cụ thể, doanh nghiệp đẩy mạnh mở mới cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt”. Tính đến cuối tháng 3, chuỗi này vượt mốc 500 cửa hàng, tăng thêm 35 cửa hàng so với cuối năm 2020. Vinamilk cho biết kênh cửa hàng đóng góp khoảng 5% doanh thu nội địa của công ty mẹ và đạt mức tăng trưởng gần 25% trong quý I. Chuỗi cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt” được công ty đẩy mạnh trong giai đoạn 2016-2017 và chững lại trong 3 năm gần đây. 

vnm-gmsv-8420-1620126800.png

Vinamilk đẩy nhanh tốc độ mở mới cửa hàng "Giấc mơ sữa Việt" quý đầu năm.

Chia sẻ tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho rằng văn hóa xe máy chiếm chủ đạo tại Việt Nam khiến kênh phân phối thương mại điện tử chưa phù hợp với mặt hàng tiêu dùng nhanh như sữa. Vì vậy, Vinamilk đẩy mạnh kênh phân phối qua chuỗi cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt”, qua đó giúp cho trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng được xuyên suốt.

vnm-shop-3823-1620140757.png

Cửa hàng "Giấc mơ sữa Việt' của Vinamilk.

Dù doanh thu nội địa sụt giảm nhưng doanh thu xuất khẩu duy trì mức tương đương cùng kỳ năm trước với 2.012 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động xuất khẩu ghi nhận doanh thu thuần 1.166 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2020. Vinamilk tiết lộ doanh số xuất khẩu trong tháng 4 ước tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu thuần của các chi nhánh nước ngoài đạt 846 tỷ đồng, riêng Angkor Milk (Campuchia) tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số. Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường Camphuchia vẫn ghi nhận kết quả khả quan với mức tăng trưởng doanh thu đạt 19%.

Vị CEO đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát gần đây tại Campuchia nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Angkor Milk. Song, thị trường Mỹ qua hoạt động của Driftwood kỳ vọng khả quan sau năm 2020 suy giảm nhờ việc Mỹ triển khai nhanh và mạnh công tác tiêm ngừa, có thể sớm có miễn dịch cộng đồng. 

Cùng với đó, thị trường Trung Quốc được Vinamilk phát triển từ năm 2019 đã có nhiều bước tiến trong năm 2020. Doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu sữa đặc Ông Thọ trong tháng 4/2020 sau hơn 2 tháng được cấp mã xuất khẩu. Sau đó, doanh nghiệp liên tiếp nhận được mã xuất khẩu cho nhóm sữa chua, sữa nước. Lãnh đạo Vinamilk đánh giá thị trường Trung Quốc rất tiềm năng và khổng lồ với 1,4 tỷ dân và mức tiêu thụ sữa bình quân 22,3 kg theo đầu người chỉ nhỉnh hơn một chút so với Việt Nam (21,8), theo số liệu 2019.

Cũng trong năm vừa qua, Vinamilk đã phát triển thêm 2 thị trường mới là châu Phi và châu Úc.

Trong chiến lược kinh doanh năm 2021, công ty vẫn ưu tiên tìm kiếm cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia khác với mục đích mở rộng thị phần và tăng doanh số. Công ty thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới với chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hóa truyền thống sang các hình thức hợp tác sâu với các đối tác phân phối tại các thị trường trọng điểm mới. 

Mới đây, doanh nghiệp công bố lập liên doanh tại thị trường Philippines với vốn đầu tư ban đầu 6 triệu USD, hoạt động chính của liên doanh là nhập sữa, tiếp thị, phân phối sữa và các sản phẩm sữa đến thị trường này.

Ngoài ra, liên doanh Vibev hợp tác với Kido (HoSE: KDC) đã được thành lập, hoạt động trong lĩnh vực nước giải khát. Theo kế hoạch, liên doanh sẽ cho ra mắt sản phẩm vào 6 tháng cuối năm kỳ vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng Vinamilk trong tương lai.

Tại thời điểm cuối quý I, doanh nghiệp sữa có 19.542 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn; chiếm 38% tổng tài sản và tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. 

Ngọc Điểm