Lãi quý I MB gấp đôi cùng kỳ, tỷ trọng CASA giảm

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 27 Tháng Tư 2021 18:34:00

Ngân hàng lãi trước thuế 4.580 tỷ đồng trong quý I, gấp đôi cùng kỳ 2020.

Theo BCTC quý I, MB (HoSE: MBB) ghi nhận lãi thuần 5.952 tỷ đồng, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi thuần từ hoạt dộng dịch vụ cũng tăng 43%, lên 1.066 tỷ đồng. Lãi từ đầu tư và góp vốn kinh doanh tăng 48% lên 690 tỷ đồng, trong khi lãi thuần từ hoạt động khác tăng 4 lần lên 1.216 tỷ đồng. 

Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ đạt 9.192 tỷ đồng, tăng 45%, trong khi chi phí cao hơn 37% ở mức 2.803 tỷ đồng. Ngân hàng lãi thuần trước trích lập 6.389 tỷ đồng, tăng 49%. Chi phí dự phòng hơn 1.809 tỷ đồng, giảm 14% so với quý I/2020, giúp lợi nhuận trước thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 4.580 tỷ đồng.  

Tổng tài sản đến cuối tháng 3 ở mức 510.957 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 324.007 tỷ đồng. Nợ xấu hơn 4.183 tỷ đồng, cao hơn 28% so với cuối năm trước, riêng nợ nhóm 3 nhân đôi lên 1.857 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,08% lên 1,3%. 

Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 5.329 tỷ đồng, tăng 22%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 134% xuống 127%. 

Chia sẻ tại phiên họp cổ đông thường niên 2021, CEO MB, ông Lưu Trung Thái, ngân hàng đang duy trì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao. Điều này phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng nhà băng. Năm 2020, các ngân hàng lớn trên thế giới đều tăng trích lập để phòng trường hợp Covid-19 khó lường. 

CEO MB Lưu Trung Thái cho biết MB không đặt mục tiêu tỷ trọng CASA cao. Ảnh: L.H.

CEO MB Lưu Trung Thái cho biết MB không đặt mục tiêu tỷ trọng CASA cao. Ảnh: L.H.

Theo ông Thái, MB cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn trích lập, quản lý, đảm bảo tuân thủ Basel II. Ngân hàng hoàn toàn có thể dự phòng ít và tăng lợi nhuận nhưng MB chọn biện pháp tăng phòng thủ. Liên quan đến dư nợ Thông tư 03, ông Thái cho biết dư nợ cơ cấu của MB còn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, giảm từ mức 3.400 tỷ đồng, cuối năm trước. 

Tiền gửi khách hàng tăng 5% lên 327.926 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm 3% xuống 111.608 tỷ đồng, chiếm 34% cơ cấu (giảm từ mức 37% cuối năm trước).  

Chia sẻ về quan điểm tỷ trọng CASA hợp lý, ông Thái  nói nhiều ngân hàng đặt mục tiêu rất cao, khoảng 50% cơ cấu nhưng MB duy trì ở mức hợp lý. Tỷ trọng CASA hướng đến 36-40%. Trong tương lai, người dân sẽ ngày càng có nhu cầu đầu tư thông minh với các sản phẩm lãi suất hợp lý hơn tiền gửi tiết kiệm. Ngân hàng sẽ cân bằng giữa tỷ trọng CASA và các kỳ hạn khác, đồng thời tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng.

Lê Hải