Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tổng công ty cổ phần Dầu Việt Nam - PVOIL (mã OIL - UPCoM) diễn ra sáng nay 27/4 theo hình thức trực tuyến nên phần thảo luận diễn ra sôi nổi.
Cổ đông đặt câu hỏi về các vụ án xăng giả xăng lậu tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của PVOIL?
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT OIL chia sẻ: "Chúng tôi đón nhận thông tin Bộ Công an triệt phá đường dây buôn xăng lậu là rất vui mừng, vì doanh nghiệp đang phải tham gia thị trường không công bằng".
Ví dụ một lít xăng phải trả 5.000 đến 6.000 đồng thuế và lệ phí, nếu bán lậu thì được hưởng lợi nhuận ở mức này trong khi PVOIL chỉ có 1.300 đồng/lít bao gồm cả chi phí và định mức.
"Xăng lậu gây thất thu thuế cho nhà nước, xăng giả xăng kém chất lượng ảnh hưởng người tiêu dùng. Rất mong Bộ Công an cùng các lực lượng thực thi pháp luật làm mạnh hơn nữa để lành mạnh hóa thị trường xăng dầu, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu", ông Dương nói.
Vấn đề nhiều cổ đông quan tâm là quyết toán cổ phần hóa. Ông Dương cho biết, việc này nằm trên bàn của cơ quan quản lý nhà nước, ngoài tầm với của PVOIL. “Chúng tôi hy vọng việc quyết toán chuyển sang đầu mối Bộ Công thương là nơi rất quyết liệt trong cổ phần hóa nên mọi việc sẽ tiến triển tích cực hơn. Kỳ vọng quyết toán cổ phần PVOIL và Petec sẽ xong vào 2022”, ông Dương cho biết.
PVOIL có thiết lập trạm sạc khi mà chuyển đổi sang xe điện không?
Ông Dương cho biết, xu hướng chuyển đổi từ xe chạy xăng dầu sang chạy điện thể hiện ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và đặc biệt là ở Trung Quốc. Xu thế chuyển đổi năng lượng này có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Chúng tôi thường xuyên theo dõi quá trình chuyển đổi trên thế giới và Việt Nam. Cách đây 2 năm chúng tôi đã ký với Vinfast xây dựng trạm sạc cho xe máy điện tại các cây xăng của PVOIL. Cách đây hơn 1 tuần chúng tôi ký Hợp đồng tư vấn với Viện Dầu khí Việt Nam để phát triển các trạm sạc để có thể ứng phó với xu thế chuyển đổi này, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tận dụng tối đa thời cơ.
Nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào thì rất khó để trả lời vì phụ thuộc nhiều vào sự phát triển công nghệ và các giải pháp của nhà nước. Tuy nhiên, với việc theo dõi sát sao quá trình chuyển đòi hỏi chúng tôi tự tin sẽ ứng phó được với sự chuyển đổi này", ông Dương chia sẻ.
Dự kiến lợi nhuận của PVOIL là bao nhiêu?
Theo Tổng giám đốc Đoàn Văn Nhuộm, Công ty có thể hoàn thành kế hoạch ĐHCĐ giao và nếu điều kiện thuận lợi giá bình ổn có thể vượt một chút nhưng nếu ảnh hưởng của covid nặng nề thì không thể nói trước được.
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động chưa và tỷ trọng nhập khẩu như thế nào?
Tổng giám đốc Đoàn Văn Nhuộm chia sẻ, hiện tại Nghi Sơn hoạt động cũng chưa hẳn ổn định nhưng sản lượng cung cấp cho PVOIL ổn định. PVOIL không nhập khẩu mà tập trung tiêu thụ một phần sản lượng của Nghi Sơn và Bình Sơn.
PVOIL nhận định tăng trưởng sản lượng xăng dầu như thế nào trong 5 năm tới?
Chủ tịch Cao Hoài Dương cho biết, các nước như Việt Nam thì tăng trưởng 1,2 đến 1,5 lần GDP nhưng trong điều kiện bình thường mới rất khó đưa ra nhận định. Giả định covid được kiểm soát và tình hình trở lại bình thường như 2019, thì nếu GDP tăng trưởng 6 - 7% thì xăng dầu tăng trưởng 7 - 8% cộng với việc chuyển đổi xe điện không có gì đột biến.
Nhưng đến giai đoạn 2030 - 2035 rất khó dự đoán vì giả định không có vấn đề gì về dịch bệnh thì sự phát triển của xe điện có thể ảnh hưởng mạnh, nhất là khi Việt Nam sát Trung Quốc - nơi sản xuất các sản phẩm với giá rẻ, thì xe điện có thể phát triển rất nhanh. Trong kịch bản chuyển đổi sang xe điện diễn ra nhanh thì đến 2030 sản lượng bị giảm 10% , chậm thì đến năm 2035.
Thu Hương