5 năm sau cổ phần hóa, lợi nhuận của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, mã VIF) có dấu hiệu đi xuống.
Ba lợi thế lớn
Mục tiêu của Vinafor trong giai đoạn 5 năm từ 2021 – 2026 là trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhưng từ vài năm trở lại đây, nguồn thu chủ yếu của Tổng công ty lại đến từ các liên danh và khoản tiền tài chính nhàn rỗi.
Cơ cấu lợi nhuận năm 2020 thể hiện, lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ là 308 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính là 224 tỷ đồng và phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết (30% vốn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Yamaha Motor Việt Nam) là 147 tỷ đồng. Trừ chi phí và thuế, lãi ròng Tổng công ty đạt 300 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Vinafor, trong năm qua, Tổng công ty tiếp tục duy trì khoản tiền gửi ngân hàng lên tới 2.331 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vinafor còn được biết đến là doanh nghiệp sở hữu nhiều lô đất vàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố cùng hàng nghìn héc-ta đất rừng.
Lợi nhuận của Tổng công ty đi xuống liên tục từ năm 2017 trở lại đây. Nếu như năm 2017, Vinafor ghi nhận lãi 1.091 tỷ đồng thì năm 2018 giảm xuống 860 tỷ đồng, năm 2019 là 553 tỷ đồng và năm 2020 rơi xuống 300 tỷ đồng.
Đà suy giảm lợi nhuận của Vinafor diễn ra trong bối cảnh ngành chế biến gỗ của Việt Nam mấy năm vừa qua tăng trưởng khá mạnh. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 13 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ.
Doanh nghiệp cùng ngành như Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã CSM) có lợi nhuận đột biến 90 tỷ đồng (tăng hơn 45% so với năm 2019), trong khi Vinafor lại là doanh nghiệp có lợi thế diện tích rừng lớn đạt chứng chỉ rừng bền vững FSC.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Vinafor, diễn ra vào cuối tuần qua, một số cổ đông đã chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp về hiệu quả hoạt động kinh doanh chính, việc phụ thuộc lợi nhuận vào liên doanh với Yamaha. Theo giải trình của ông Phí Mạnh Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor, Yamaha là khoản đầu tư đem lại lợi nhuận lớn nhất nhưng không thể nói hoạt động chính của Công ty không có lãi.
Ông Cường cũng khẳng định, trong thời gian tới, Vinafor vẫn duy trì hoạt động liên doanh, đặc biệt liên doanh với đối tác Nhật Bản, đồng thời xúc tiến với một số liên doanh khác trong lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty.
“Trong chiến lược của Tổng công ty, mục tiêu là chuyển dịch doanh thu hoạt động chế biến gỗ chiếm khoảng 65%, nhưng lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 40%. Vì đầu tư sản xuất nông nghiệp có tính chất chu kỳ, không thể kỳ vọng lợi nhuận quá cao”, ông Cường nói.
Thông tin được ông Cường cung cấp, trước khi cổ phần hóa, Vinafor được giao 92.000 ha rừng. Tổng diện tích rừng Công ty quản lý gồm rừng đất rừng tự nhiên, đất chồng lấn… Tổng công ty phối hợp với địa phương để trả lại đất tự nhiên, đất chồng lấn… theo quy định của Nghị định 118, hiện còn quản lý 43.000 ha đất rừng.
Lấn cấn sử dụng đất đai
Đầu năm 2021, Vinafor bị Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” vì sai phạm trong sử dụng đất đai. Theo Thanh tra Chính phủ, Vinafor đang quản lý, sử dụng 47.895 ha đất, trong đó diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quản lý sử dụng đất là 15.445 ha. Qua quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kết luận Vinafor còn để diện tích đất bị lấn chiếm, chưa thu hồi là 7.396,73 ha (chiếm 15,44% tổng diện tích được giao, thuê).
Nhiều khu đất vàng của Tổng công ty tại Hà Nội cũng không được khai thác hiệu quả. Hiện Vinafor đang theo đuổi vụ tranh chấp khu đất vàng tại 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với Công ty cổ phần Thương mại Lâm sản Hà Nội (Vinafor Hà Nội). Vụ tranh chấp đã kéo dài nhiều năm.
Trong khi đó, Dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng chung cư cao cấp tại 430 Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, do Vinafor hợp tác với Công ty Sông Đà 1.01 triển khai đã bị tạm dừng thi công nhiều năm nay do Ngân hàng PVCombank có thông báo về việc thu giữ tài sản đảm bảo.
Năm 2021, Vinafor đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 2.445 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 335 tỷ đồng, chỉ nhỉnh một chút so với năm 2020 khiến nhiều cổ đông không khỏi thất vọng.
Đỗ Mến