Họp ĐHCĐ OCH: Tăng độ phủ của kem Tràng Tiền và bánh Givral

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 23 Tháng Tư 2021 17:06:00

Mảng kinh doanh bánh Givral và kem Tràng Tiền đóng góp 200 tỷ đồng vào lợi nhuận năm qua.

Sáng 23/4, CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (HNX: OCH) họp cổ đông thường niên 2021 với sự tham gia của 20 cổ đông, đại diện cho 193 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết, tương ứng với 96,57 % vốn.

Cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2021 đạt 956,5 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu 50,5 tỷ đồng, bằng 18% thực hiện năm 2020. Ban lãnh đạo OCH cho biết nhiệm vụ chính trong thời gian tới là tiếp tục tái cấu trúc các tài sản không hiệu quả, tìm kiếm các hoạt động mới mang tính chiến lược dài hạn như đầu tư bất động sản, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp…tại các thành phố lớn. 

Năm qua, công ty đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu kem Tràng Tiền sau hơn 60 năm hoạt động, số đại lý và cửa hàng gấp đôi. Doanh thu mảng này đạt 118 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 16,5 tỷ đồng. 

Với thương hiệu bánh Givral, công ty tiếp tục phát triển thêm nhiều cửa hàng tại TP HCM và phía Bắc, bước đầu là chuỗi cửa hàng tại Hà Nội. Năm 2020, Givral ghi nhận doanh thu 655 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 133,3 tỷ đồng. 

Kết thúc năm 2020, OCH ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất đạt 271,2 tỷ đồng, tăng 7 lần, vượt 41% kế hoạch. Lợi nhuận một phần đến từ việc hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính và lãi từ kinh doanh thực phẩm bánh Givral và kem Tràng Tiền gần 200 tỷ đồng.

Phiên họp thường niên của OCH, sáng 23/4.

Phiên họp thường niên của OCH, sáng 23/4.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc Givral nhận chuyển nhượng diện tích sàn từ tầng 2 đến tầng 4 Tòa nhà VNT với số tiền hơn 57 tỷ đồng, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch HĐQT OCH cho biết Givral là công ty con của OCH, hoạt động độc lập. HĐQT nhận thấy việc Givral thuê sàn thương mại và kinh doanh sàn thương mại là phù hợp với định hướng, mở rộng chi nhánh ra Hà Nội. Hiện tại, Givral đã có 3 cửa hàng tại Hà Nội và dự kiến năm 2021, sẽ mở ít nhất 8-10 cửa hàng, đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại.

Đề cập đến thông tin OCH bị thâu tóm và sắp có sự thay đổi nhân sự chủ chốt, ông Trung cho biết OCH là công ty niêm yết, việc quản lý cổ đông tuân thủ quy chế, điều lệ, quy định pháp luật, cổ đông lớn sở hữu từ 5% trở lên phải công bố thông tin. Hiện nay, cơ cấu cổ đông không thay đổi nhiều, OGC vẫn đang là công ty mẹ sở hữu 59% vốn OCH. 

Tại đại hội, lãnh đạo OCH cũng giải thích việc thoái vốn tại CTCP Du lịch và Khách sạn Suối Mơ và CTCP Đầu tư và Phát triển IOC.        

IOC sở hữu khách sạn Sunrise Hội An. Tại nhiệm kỳ trước, đơn vị này đã phát hành trái phiếu 500 tỷ đồng và khoản tiền này đã chuyển thành nợ phải trả cho MSB với gốc và lãi khoảng 900 tỷ đồng. Đồng thời, IOC cũng có khoản nợ với OceanBank.

Đến nay, Khách sạn Sunrise Hội An đã bị cơ quan thi hành án thực hiện kê biên bán tài sản, đã đấu giá lần một không thành công dù giá bán thấp. IOC vẫn đang lỗ. HĐQT OCH không thể tái cấu trúc khoản nợ do số nợ gốc lãi quá hạn lớn, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Hiện nay, khoản đầu tư vào IOC đã âm hết vốn, do vậy, để phản ánh thực tế tài chính của OCH tại báo cáo tài chính hợp nhất, HĐQT đã quyết định thoái vốn.

Tại Suối Mơ, OCH sở hữu khoảng 80% vốn. Trước khi bùng phát dịch, Suối Mơ vẫn liên tục lỗ. Dù được sửa chữa, nâng cấp khách sạn, tình hình kinh doanh vẫn khó khăn. Đơn vị này cũng có khoản nợ với OCH khoảng hơn 64 tỷ đồng, đây là các khoản hỗ trợ vốn để Suối Mơ bù đắp dòng tiền thiếu hụt duy trì hoạt động kinh doanh.

Trước tình hình đó, OCH đã quyết định thoái vốn khỏi Suối Mơ, việc này được thực hiện đúng quy định, báo cáo tờ trình đến cấp có thẩm quyền, có thẩm định giá tài sản, có thư mời đối tác, đàm phán và ký kết hợp đồng.

Lê Hải