Họp ĐHĐCĐ Sợi Thế Kỷ: Khởi động lại dự án nhà máy Unitex, tăng công suất gấp đôi

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 22 Tháng Tư 2021 11:53:00

Sợi Thế Kỷ sẽ phát hành cổ phiếu tỷ lệ 20% cho cổ đông hiện hữu huy động vốn tài trợ cho dự án Unitex.

Khởi động lại dự án Unitex, vốn đầu tư 120 triệu USD

Sáng ngày 22/4, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) thông báo khởi động lại dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex. Đây là dự án doanh nghiệp lên phương án đầu tư cùng đối tác nước ngoài từ năm 2015 nhưng sau đó dừng lại.

Theo vị CEO, Sợi Thế Kỷ đã đi đúng hướng nên chiến lược hoạt động giai đoạn 2021-2025 không thay đổi nhiều. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp tiếp tục tập trung vào phát triển sợi tái chế và sợi tái chế +; sản phẩm nguyên sinh thì đi vào phân khúc chất lượng siêu cao, giá trị gia tăng. Trong dài hạn, doanh nghiệp mở rộng công suất sản xuất với dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex.

Cụ thể, dự án Unitex có tổng công suất 60.000 tấn, tập trung vào phân khúc sợi tái chế, sợi có chất lượng cao và sợi đặc biệt. Dự án có tổng đầu tư khoảng 120 triệu USD và khi đi vào vận hành sẽ nâng công suất của Sợi Thế Kỷ lên gấp đôi. Doanh nghiệp xây dựng dự án theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 công suất 36.000 tấn, khởi công trong năm 2021, đến 2023 đưa vào vận hành. Giai đoạn 2, công suất 24.000 tấn, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

Vào năm 2015, công ty đã thành lập một công ty con để đầu tư dự án theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài, đất để xây dựng đã mua và trả hết tiền. Tính đến nay, ông Hòa cho biết giá trị mảnh đất tăng gấp 3 lần so với thời điểm mua.

Sợi Thế Kỷ sẽ vay vốn ngân hàng 70% và 30% vốn tự có tài trợ cho dự án. Doanh nghiệp sẽ chào bán 13,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu để tăng vốn điều lệ từ 707 tỷ lên 843 tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện 20%. Giá chào bán 10.000 đồng/cp. Toàn bộ số tiều thu được từ phát hành sẽ dùng để đầu tư dự án Unitex.

stk-dh-8168-1619064818.jpg

Ông Đặng Triệu Hòa trình bày tại đại hội. Ảnh: M.H

Kế hoạch lãi 2021 tăng 72%

Báo cáo tại đại hội, ông Hòa cho biết hoạt động kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, đặc biệt là quý II và III, đến quý IV tình hình đơn hàng đã phục hồi trở lại. Do vậy, doanh thu năm vừa qua ghi nhận giảm 21% xuống 1.766 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 33% xuống 144 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh gặp khó, doanh nghiệp đã thực hiện gắn kết doanh nghiệp vào các chuỗi cung ứng có quy mô lớn trong phân khúc sợi cao cấp, phát triển thị trường nội địa (chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp FDI cung cấp sản phẩm cho thương hiệu lớn như Nike, Adidas…), phát triển sợi tái chế (tăng tỷ trọng trong doanh thu), sản phẩm có tính năng đặc biệt như sợi tái chế +, sợi màu….

Qua đến năm nay, vị CEO đánh giá dù dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn nhưng tình hình đã khác, nhu cầu phục hồi, đơn hàng tăng lên. Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sợi Việt Nam với chất lượng sản phẩm đã được khẳng định nên gặp thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng sợi tái chế gia tăng, đây là lợi thế của doanh nghiệ. Hiện nay tại Việt Nam mới có 2 đơn vị sản xuất được sản phẩm này, doanh nghiệp còn lại là Formosa Hưng Nghiệp.

Theo đó, kế hoạch kinh doanh năm nay của Sợi Thế Kỷ là 2.358 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 248 tỷ đồng; lần lượt tăng 34% và 72% so với năm 2020. Kế hoạch của Sợi Thế Kỷ dựa trên giả định sản lượng tăng 20%, tỷ trọng sợi recycle chiếm 55% tổng doanh thu, giá bán tăng 11% và chi phí lãi vay ròng giảm 35%.

HĐQT trình phương án trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% cho năm 2020, tương ứng số tiền 103 tỷ đồng và không đề cập đến cổ tức kế hoạch 2021.

Trong dự phóng kết quả kinh doanh giai đoạn 2020-2025, đến năm 2023, khi nhà máy mới đi vào hoạt động thì doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng mạnh. Tới năm 2025, giai đoạn 2 của dự án Unitex đi vào hoạt động thì doanh thu dự báo đạt 4.879 tỷ đồng, tăng trưởng 23%; lợi nhuận sau thuế 441 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2020 và gấp 3 lần 2020.

stk-kh-5454-1619064818.jpg

Ảnh: M.H

Q&A:

Đối tác Unifi, các hợp đồng đã được ký lại chưa? Sợi Thế Kỷ phụ thuộc đầu vào và đầu ra mảng sợi tái chế với Unifi?

Ông Đặng Triệu Hòa: Hợp đồng với Unifi đến 2022 sẽ kết thúc nhưng nếu 2 bên không có ý kiến thì tiếp tục thêm 24 tháng nữa. Hiện nay, vị thế của Sợi Thế Kỷ và Unifi là ngang nhau. Công ty tiêu thụ nguyên liệu của Unify và bán lại sản phẩm cho họ. Unifi có nguyên tắc không đầu tư tài sản ở thị trường nước ngoài trừ châu Mỹ nên cần đối tác đáng tin cậy, có năng lực để phát triển hoạt động. Sợi Thế Kỷ là cánh tay nối dài của Unify ở Đông Nam Á. Đồng thời, nhờ hợp tác giúp doanh nghiệp được tiếp cận mạng lưới khách hàng của Unifi. Do vậy, tôi cho rằng hợp tác giữa Sợi Thế Kỷ và Unify phải kéo dài ít nhất 5 năm nữa.

Ngoài ra, trong các năm qua, Sợi Thế Kỷ có phát triển nguồn đầu vào khác nhưng chỉ để dự phòng do nguồn nguyên liệu từ Unifi vẫn lợi hơn. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phát triển khách hàng riêng cho kế hoạch phát triển trong tương lai, đầu ra cũng có đối tác mới nhưng Unifi vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu.  

Sự kiện các thương hiệu lớn không sử dụng bông Tân Cương ảnh hưởng thế nào đến Sợi Thế Kỷ?

Ông Đặng Triệu Hòa: Sợi polyester có thể thay thế bông. Trong ngắn hạn, sự kiện bông Tân Cương sẽ giúp loại bông khác hưởng lợi, sợi polyster thì chưa, nhưng trong dài hạn có tác động. Đồng thời, qua sự kiện bông Tân Cương cho thấy rằng các thương hiệu đặt nặng vấn đề môi trường, trách nhiệm xã hội. Họ có thể bỏ thị trường Trung Quốc để duy trì nguyên tắc. Thực tế, có thương hiệu tuyên bố vẫn sử dụng bông Tân Cương nhưng sau đó rút lại ngay do phản ứng của người tiêu dùng.

Giá bán hiện nay ra sao so với cuối năm 2020?

Ông Đặng Triệu Hòa: Giá bán của Sợi Thế Kỷ dựa trên giá nguyên liệu. Do vậy, doanh thu có thể biến động nhưng cơ bản lợi nhuận được đảm bảo. Điều này không phải do Sợi Thế Kỷ sáng tạo ra mà do đặc tính ngành sợi polyester. Tôi cho rằng, giá sợi trong năm nay sẽ ổn định.

Xin chia sẻ thông tin và nhận định về vụ kiện thuế chống bán phá giá sợi Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia…?

Ông Đặng Triệu Hòa: Tôi cho rằng khả năng cao là quý II Bộ Công Thương sẽ ra quyết định cuối cùng. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước có đủ hồ sơ, bằng chứng để theo đuổi vụ kiện này và mức thuế có thể khá cao. Với bản thân Sợi Thế Kỷ, trong kế hoạch kinh doanh không tính đến yếu tố này do không quyết định được, nếu Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá sợi Trung Quốc, Ấn Độ... là điểm cộng hưởng lợi thêm cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp làm thế nào để đảm bảo khả năng trả nợ vay cho dự án Unitex?

Bà Nguyễn Phương Chi - Giám đốc chiến lược: Các khoản vay có thời hạn gia hạn 2 năm và trả nợ 5 năm. Năm 2021 mức lãi suất vay khoảng 2%, đến 2023 khoảng 3% và đến 2024 lên 4%. Sợi Thế Kỷ sẽ vay bằng USD nên lãi suất thấp hơn so với vay VND. Cuối năm 2021, lãi suất libor sẽ thay đổi, thông thường mỗi 5 năm gặp khủng hoảng thì lãi suất duy trì mức thấp.

Năm 2024 tại sao lợi nhuận giảm?

Bà Nguyễn Phương Chi – Giám đốc chiến lược: Nguyên nhân là do phải tài trợ thêm cho giai đoạn 2 Unitex nên chi phí lãi vay tăng mà lợi nhuận gộp không tăng tương ứng. Trong kế hoạch, Sợi Thế Kỷ không tính đếu yếu tố vốn hóa chi phí vay đầu tư giai đoạn 2, nếu đến thời điểm đó được vốn hóa thì sẽ tính toán lại.

Ngọc Điểm