Dù doanh thu các mảng như đường, sữa đậu nành được dự báo hồi phục, nhưng việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của Công ty trong năm 2021.
Doanh thu, lợi nhuận năm 2020 đều giảm
Đầu tháng 4/2021, giá hợp đồng tương lai của mặt hàng đậu tương trên Sàn Giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) ở mức trên 14 USD/bushel (bushel: đơn vị đo thể tích theo hệ thống Anh và theo thông lệ của Mỹ), tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2020 và cũng là mức cao nhất kể từ năm 2014.
Một số nguyên nhân khiến giá đậu tương tăng mạnh trong thời gian qua có thể kể đến là mức tiêu thụ trên thị trường thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc, khi nhu cầu thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn hồi phục sau dịch tả lợn; thời tiết bất lợi tại một số khu vực sản xuất chính của Nam Mỹ gây lo ngại nguồn cung trên toàn cầu sẽ bị thu hẹp. Thêm vào đó, giá cước vận tải biển tăng vọt nhiều lần với sự thiếu hụt container trong thời gian qua càng làm cho mức giá đến tay nhà nhập khẩu cao hơn.
Đà tăng giá đậu tương được dự báo khó hạ nhiệt trong thời gian ngắn, khi Ủy ban Triển vọng Nông nghiệp Trung Quốc (CAOC) cho biết, nhu cầu về đậu tương của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong năm nay. Nội dung này cũng trùng với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). USDA đánh giá, lượng đậu tương mà Trung Quốc nhập khẩu trong niên vụ 2021 - 2022 sẽ đạt mức cao kỷ lục (khoảng 100 triệu tấn), nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc.
Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Vì vậy, nhu cầu tăng mạnh tại nước này sẽ tác động lớn đến giá cả trên thị trường thế giới.
Xu hướng tăng mạnh của giá đậu tương khiến biên lợi nhuận của những doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào này chịu áp lực, trong đó có Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi. Áp lực này càng lớn hơn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm không thiết yếu trên thị trường.
Kết thúc năm 2020, báo cáo tài chính hợp nhất của Đường Quảng Ngãi cho thấy, doanh thu của doanh nghiệp này đã giảm 15,5% so với năm 2019 với sự sụt giảm đồng thời ở cả 2 mảng kinh doanh chính là đường và sữa đậu nành (các dòng sản phẩm Fami, Vinasoy). Trong đó, doanh thu mảng sữa đậu nành vốn đóng góp đến hơn 60% doanh thu và hơn 80% lợi nhuận gộp chỉ đạt 3.875 tỷ đồng, giảm 9,2% so với năm 2019, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ giảm. Biên lợi nhuận gộp của mảng này trong năm 2020 cũng giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2019, đạt 44,1%.
Không chỉ chịu tác động từ việc giá đậu nành tăng, biên lợi nhuận của mảng sữa đậu nành còn bị ảnh hưởng mạnh từ xu hướng tăng của giá đường. Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn liên tục duy trì xu hướng tăng từ cuối tháng 4/2020 đến nay. Thậm chí, cuối tháng 2/2021, có lúc giá mặt hàng này đã vượt 18 US cent/lb, tương ứng mức tăng hơn 100%.
Cùng với lực đẩy từ thị trường thế giới, giá đường trong nước có chiều hướng tăng sau khi biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được Bộ Công thương áp dụng từ đầu tháng 2/2021.
Mặc dù Đường Quảng Ngãi cũng có mảng kinh doanh đường, nghĩa là cũng được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá đường với giá bán bình quân cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với năm 2019, nhưng do sản lượng tiêu thụ giảm đến 37%, nên doanh thu từ mảng kinh doanh này trong năm 2020 chỉ đạt 994 tỷ đồng, giảm 33,1% so với năm 2019.
Mảng kinh doanh đường chiếm 15,3% cơ cấu doanh thu của Đường Quảng Ngãi, song tỷ suất lợi nhuận gộp mỏng (chỉ 3,18%, giảm mạnh so với mức 10,4% của năm 2019), nên Công ty chỉ thu về 31,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ mảng này trong năm 2020, đóng góp vỏn vẹn 1,54% cơ cấu lợi nhuận gộp hợp nhất.
Ngoài ra, các mảng kinh doanh khác như thực phẩm, đồ uống (bia, nước khoáng, bánh kẹo...) của Công ty cũng bị sụt giảm sản lượng 3 - 10%, doanh thu giảm 11 - 17% so với năm 2019. Trong khi đó, doanh thu mảng điện sinh khối cũng giảm gần 40% so với năm 2019, không thể bù đắp cho sự sụt giảm kết quả kinh doanh từ 2 mảng kinh doanh chính, đặc biệt là mảng sữa đậu nành.
Kế hoạch 2021 thận trọng
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tổ chức vào đầu tháng 4, Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch năm 2021 với doanh thu hợp nhất 8.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với thực hiện năm 2020.
Kế hoạch này được đánh giá là khả thi trong bối cảnh thị trường sữa Việt Nam năm 2021 được dự báo hồi phục về mức trước khi Covid-19 bùng phát. Nếu kịch bản này diễn ra, quy mô doanh thu của Đường Quảng Ngãi có thể đạt mức cao hơn nhờ nỗ lực gia tăng thị phần trong thời gian qua.
Cụ thể, theo số liệu của Nielsen, năm 2020, mặc dù doanh thu sụt giảm, nhưng thị phần dòng sữa đậu nành hộp giấy của Đường Quảng Ngãi vẫn tăng 1,2% so với năm 2019, đạt 85,8%.
Bên cạnh việc mở rộng thị phần ở thị trường trong nước, Công ty cũng định hướng tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Sau khi bước đầu thâm nhập thành công vào thị trường Trung Quốc và Nhật Bản, trong năm 2021, Đường Quảng Ngãi sẽ nhắm đến các thị trường mục tiêu mới như Mỹ…
Kênh xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực tăng trưởng cho Đường Quảng Ngãi, bởi ở trong nước, Công ty đang nắm giữ thị phần lớn và không còn nhiều dư địa tăng trưởng, trong khi phải chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh.
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng có xu hướng sử dụng protein có nguồn gốc thực vật thay thế protein có nguồn gốc động vật, các doanh nghiệp trong ngành liên tiếp giới thiệu ra thị trường các loại sữa hạt đa dạng, cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu Vinasoy của Đường Quảng Ngãi trong mảng sữa đậu nành, chưa kể áp lực từ các thương hiệu nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, dù đã có rất nhiều nỗ lực đổi mới với việc đưa ra các dòng sản phẩm mới như Fami Go (bữa sáng dinh dưỡng) hay Fami nguyên chất ít đường, Fami canxi ít đường…, nhưng tốc độ tăng trưởng mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi thời gian qua vẫn khá chậm. Trước khi sụt giảm tăng trưởng trong năm 2020 do tác động từ Covid-19 làm giảm sức mua, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của Đường Quảng Ngãi trong giai đoạn 2016 - 2019 cũng chỉ đạt 5%/năm.
Mặc dù vậy, triển vọng tăng trưởng doanh thu năm 2021 đối với mảng đường được Đường Quảng Ngãi đặt ở mức khá cao. Lý do là, trong năm nay, Công ty dự kiến hoàn thiện Dự án Nâng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày từ mức 10.000 tấn/ngày hiện nay, hoàn thiện Dự án Đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE, công suất 1.000 tấn đường/ngày.
Ngoài ra, Dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê được hoàn thiện cũng đem lại kết quả kinh doanh tích cực hơn cho mảng điện của Đường Quảng Ngãi.
Nếu như kế hoạch doanh thu lạc quan với mức tăng trưởng 2 chữ số, thì kế hoạch lợi nhuận của Đường Quảng Ngãi lại giảm hơn 13% so với 2020 (mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 913 tỷ đồng). Kế hoạch này cho thấy sự thận trọng của Ban lãnh đạo Công ty về nguy cơ biên lợi nhuận bị thu hẹp trong năm nay trước áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào.
Lâm Vũ