VPBank vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 ghi nhận những chuyển biến tích cực trong quản trị rủi ro và chất lượng tài sản, chi phí vốn được tối ưu hóa và tỷ trọng tiền gửi CASA tiếp tục tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, thu nhập từ phí gia tăng động lực tăng trưởng cho lợi nhuận và các chỉ tiêu an toàn hoạt động được củng cố.
Tăng trưởng chất lượng, tập trung ở các khối chiến lược
Tính đến hết quý I/2021, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 436 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với cuối năm 2020. Tín dụng Ngân hàng hợp nhất tại 31/3/2021 đạt hơn 332 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm 2020; trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng 3,6%.
Tăng trưởng tín dụng tại VPBank tập trung ở các khối chiến lược với kết quả vượt kế hoạch đề ra cho 3 tháng đầu năm, gồm khối Khách hàng Cá nhân tăng trưởng gần 7% và khối Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng gần 11% so với cuối năm 2020.
Nhờ đa dạng hóa doanh thu, tăng trưởng tín dụng hợp lý, giảm thiểu chi phí vốn và tối ưu hóa chi phí hoạt động, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank quý I/2021 đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 37,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4.000 tỷ đồng, trong đó, tại ngân hàng riêng lẻ đạt mức tăng trưởng 55,2%.
Với kết quả này, các chỉ số hiệu quả của VPBank tại ngày 31/3/2021 tiếp tục được nâng cao và đứng ở top đầu thị trường, với ROA và ROE tương ứng đạt 3% và 23,5% (mức cuối năm 2020 là 2,6% và 22%).
Trong quý I/2021, thu nhập từ phí tiếp tục có đóng góp lớn vào doanh thu của VPBank khi tăng trưởng hợp nhất đạt 42%. Động lực tăng trưởng chính trong quý I đến từ việc đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm và hoạt động thanh toán.
Tăng trưởng bền vững thể hiện qua các chỉ số kinh doanh quan trọng
Việc kịp thời điều chỉnh chiến lược về sản phẩm và chiến lược huy động của Ngân hàng tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại ngân hàng mẹ từ mức 15,5% cuối năm 2020 lên mức 17% cuối kỳ I/2021.
Song song với đó, chi phí huy động vốn (COF) của ngân hàng riêng lẻ giảm tới 1,3% so với cả năm 2020 và giảm 0,6% so với quý 4 năm 2020. Tương ứng, tại ngân hàng hợp nhất, COF cũng giảm 1,2% so với năm 2020.
Cùng với đó, chi phí hoạt động (OPEX) của Ngân hàng tiếp tục được kiểm soát hiệu quả trong kỳ, giảm gần 21% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi số mà VPBank triển khai mạnh mẽ những năm qua, đặc biệt với nhiều dự án triển khai thành công trong năm 2020.
Nhờ đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất của VPBank tiếp tục giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống còn 23,5% trong quý I/2021, tiếp tục ở mức dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, trong các quý tới, dự kiến ngân hàng sẽ đẩy mạnh hơn các hoạt động đầu tư cho kinh doanh nên tỷ lệ này sẽ có thể tăng lên trong thời gian từ nay tới cuối năm 2021.
Hành trình số hóa và trải nghiệm khách hàng tiếp tục được VPBank đẩy mạnh và đã mang lại những kết quả rất khả quan. VPBank đã cán mốc 9 triệu giao dịch/tháng trong tháng 3/2021, gấp 2,25 lần so với cùng kì năm 2020 về số lượng giao dịch. Về giá trị giao dịch online đạt 128 nghìn tỷ đồng trong tháng 3/2021, cao gấp 2,2 lần so với cùng kì 2020.
Bên cạnh giá trị nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng các tiện ích và lợi ích trong sử dụng sản phẩm dịch vụ, quá trình chuyển đổi số còn giúp Ngân hàng tối ưu hóa hệ thống quy trình và vận hành, tinh gọn bộ máy nhân sự và nâng cao năng suất lao động.
Quản trị rủi ro hiệu quả, cải thiện chất lượng tài sản và các tỷ lệ an toàn
Đến cuối quý I/2021, tỷ lệ nợ xấu (phân loại theo Thông tư 02) tại ngân hàng hợp nhất được quản lý ở mức 3%. Tại ngân hàng riêng lẻ, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì xu hướng giảm, xuống mức 1,79% so với mức 1,98% cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, thu nhập từ nợ đã xử lý cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng trưởng là 56% tại ngân hàng hợp nhất với số tuyệt đối tương đương 705 tỷ đồng, đặc biệt tại FE Credit thu nhập này tăng gần 110%.
Các tỷ lệ an toàn của VPBank trong quý I/2021 tiếp tục được duy trì ở mức tốt, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) ở mức 73,5% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 29,9% (so với yêu cầu 40%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 của Ngân hàng hợp nhất đạt gần 12%, tiếp tục duy trì ở mức an toàn và cao hơn mức tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước.