Dấu hỏi hoạt động của Thương mại Hà Tây (HTT)

DTCK | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 20 Tháng Tư 2021 10:22:00

Năm thứ hai liên tiếp báo cáo tài chính của CTCP Thương mại Hà Tây (mã HTT - UPCoM) bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến khiến khả năng hoạt động liên tục bị nghi ngờ.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 cho thấy, tính tới ngày 31/12/2020, trong khi tài sản ngắn hạn của HTT là 53,7 tỷ đồng thì tổng nợ phải trả ngắn hạn lên tới gần 99,6 tỷ đồng, tương đương gấp 1,85 lần. Trong đó, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là gần 45,7 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay tại các ngân hàng OCB, Agribank và BIDV từ đầu năm 2018 phục vụ cho dự án chung cư 89 Phùng Hưng, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Với thời hạn vay là 12 tháng, tính đến nay, các khoản vay này của HTT đều đã quá hạn cùng với khoản lãi phải trả ước tính gần 12,4 tỷ đồng, tất cả đều chưa có phương án trả nợ. Trong cơ sở từ chối đưa ra ý kiến của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán TTP, không chỉ đặt vấn đề nghi vấn về khả năng trả nợ của HTT, đơn vị này còn cho biết, chưa nhận được đầy đủ thư đối chiếu xác nhận số dư tiền vay của các ngân hàng, yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của HTT.

Trong thuyết minh, HTT cho biết, khả năng tiếp tục hoạt động của Công ty phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cấu trúc các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi tiền, sự hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và các chủ nợ. Ban Tổng giám đốc Công ty đang thực hiện các kế hoạch này để đảm bảo khả năng tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, các khoản nợ này cũng bị đặt dấu hỏi về khả năng thu hồi. Trong số các khoản công nợ lớn nhất của HTT, đáng chú ý phải kể đến khoản 30 tỷ đồng từ ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của HTT, mà theo Công ty giải thích là nhận nợ về khoản phải thu tiền bán cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Hưng, thực hiện góp vốn từ năm 2015. Song, đơn vị kiểm toán cho biết, không thể thu thập được bằng chứng liên quan đến giá trị các khoản phải thu hồi này.

Cũng liên quan đến ông Chiến, HTT còn hơn 47 tỷ đồng khoản phải thu dài hạn từ Công ty TNHH MTV Xây dựng Phong Minh (tên gọi cũ là Công ty TNHH Phát triển rừng Chiến Thắng) cũng do ông Chiến làm Giám đốc. Theo hợp đồng hợp tác giữa 2 doanh nghiệp, HTT đồng ý góp 65 tỷ đồng để cùng thực hiện dự án trồng cây lâm nghiệp và đã giải ngân trong năm 2019.

Điều đáng chú ý là năm 2019 cũng là năm HTT gặp nhiều khó khăn, đồng thời bị đơn vị kiểm toán đặt nhiều dấu hỏi về hoạt động tài chính cũng như khả năng hoạt động liên tục. Ngoài ra, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, một số dự án phát triển rừng của Công ty Phong Minh đã bị UBND tỉnh Lai Châu đề nghị thu hồi vì chậm tiến độ triển khai từ năm 2018, nhưng HTT vẫn thực hiện góp vốn (!?).

Trong năm 2019, Đại hội cổ đông thường niên của HTT không tổ chức thành công trong 2 lần đầu tiên do cổ đông phản ứng trước việc Ban Tổ chức không cung cấp đủ tài liệu cũng như nhiều cổ đông không nhận được thư mời họp. Tại lần họp thứ 3, cổ đông HTT trực tiếp chất vấn ông Chiến về việc góp vốn hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Rừng Chiến Thắng để trồng cây mắc-ca là vi phạm Điều lệ Công ty, giấu diếm thông tin đối tác, người liên hệ làm việc, số vốn, nội dung hợp tác…, song không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Theo các cổ đông, HTT là công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán từ ngày 5/7/2017, hàng nghìn nhà đầu tư đã trở thành cổ đông của Công ty. Tại thời điểm niêm yết, thị giá cổ phiếu HTT là 15.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau gần 4 năm, doanh nghiệp kinh doanh sa sút, liên tục thua lỗ, nợ xấu leo thang…, khiến giá trị cổ phiếu lao dốc không phanh về còn vỏn vẹn 1.300 đồng/cổ phiếu, tức giảm gần 12 lần so với thời điểm mới lên sàn. Hiện nay, cổ phiếu HTT vẫn trong diện cảnh báo do doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp (2018 và 2019) và chỉ được giao dịch trong phiên chiều thứ Sáu hàng tuần.

Khi doanh nghiệp đang trong thế “nước sôi, lửa bỏng” thì vào tháng 9/2018, ông Chiến bất ngờ bán toàn bộ phần vốn của mình tại Công ty. Động thái này đã đẩy bức xúc của các cổ đông lên đỉnh điểm khi họ cho rằng, lãnh đạo Công ty đã lên kế hoạch tẩu tán tài sản từ trước đó.

Liên quan tới Công ty Phúc Hưng, việc hợp tác với công ty này cũng bị kiểm toán đưa vào cơ sở từ chối đưa ra ý kiến. Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh số 69/2015/HĐHTĐT ngày 20/7/2015, HTT, CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội và Công ty Phúc Hưng sẽ phối hợp triển khai xây dựng phần công trình A4 dự án Khu đô thị mới Trung Văn mở rộng tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.174,5 tỷ đồng, trong đó HTT góp 126 tỷ đồng, Công ty Phúc Hưng góp 300 tỷ đồng, lợi ích HTT được hưởng theo tỷ lệ phân bổ 12,87% dự án.

Ngay sau khi ký kết hợp đồng hợp tác, từ năm 2015, HTT đã giải ngân vào dự án hơn 79,645 tỷ đồng để thực hiện chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng với kế hoạch hoàn thành dự kiến vào năm 2020. Tuy nhiên, ngay sau đó dự án đã phải dừng lại do vướng mắc về pháp lý. Cho tới nay, khả năng tiếp tục thực hiện dự án vẫn bỏ ngỏ khi chưa thực hiện đền bù xong, cùng với việc nằm trong diện nguy cơ bị TP. Hà Nội thu hồi do chậm triển khai.

Ghi nhận từ báo cáo tài chính cho thấy, tính tới thời điểm cuối năm 2020, HTT còn tồn tại khoản nợ xấu hơn 8,5 tỷ đồng cùng hơn 18 tỷ đồng tiền thuế phải nộp, trong đó chủ yếu là khoản tiền thuế và các khoản phạt chậm nộp ngân sách nhà nước theo Thông báo số 300357/TB-CT ngày 14/12/2019 của Cục Thuế Hà Nội. Bên cạnh đó, với việc tiếp tục báo lỗ hơn 13,1 tỷ đồng trong năm 2020, lỗ lũy kế của HTT tính đến 31/12/2020 đã lên tới 41,6 tỷ đồng.

Linh Việt