Mặc dù được cho là sẽ hạn chế tình trạng gian lận thương mại, tăng thu cho ngân sách, tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, Bộ không xem xét phương án dán tem bia vì sẽ làm tăng chi phí và thủ tục cho DN.
Theo tính toán, một lon bia, có thể tăng giá xấp xỉ 200 đồng nếu thực hiện dán tem như đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh bia” được Bộ Công thương đưa ra .
Thực chất, đề án này đã được, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu đề án từ năm 2011. Trong nội dung đề án, Hiệp hội Bia-Rượu -Nước giải khát (VBA) có đề xuất dán tem bia, nhằm hạn chế tình trạng gian lận thương mại, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo đề án, nếu mỗi chai bia được dán tem sẽ giúp tránh thất thu khoảng 2.100 – 3.000 tỷ tiền thuế mỗi năm. Có hai hình thức là tem bia bằng giấy dán dùng cho các loại bia chai, bia thùng, bia két, bia nhập khẩu và in phun nhãn bia dùng cho sản phẩm bia lon. Thời gian thực hiện đề án trong 10 năm.
Giá thành mỗi tem bia in phun trực tiếp lên bia lon, chi phí là 145,4 đồng, chưa bao gồm VAT. Còn với mỗi sản phẩm tem giấy chưa bao gồm VAT là 179 đồng. Giá này đã bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, vận hành, phần mềm quản lý, khấu hao thiết bị đầu tư, chi phí vật liệu chính, vật liệu tiêu thụ…
Theo đề án từ Bộ Công Thương, chi phí tem bia này sẽ được tính là chi phí hợp lý, được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN và loại trừ khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, các DN sản xuất bia đã bày tỏ quan ngại khi các máy dán tem bia có công suất thấp (40.000 sản phẩm/giờ) so với các thiết bị hiện tại đang sản xuất lên tới 120.000 sản phẩm/giờ.
Chưa kể các chi phí đầu tư thiết bị máy móc ban đầu và duy trì vận hành, bảo dưỡng. DN nhận định việc dán tem làm tăng chi phí doanh nghiệp, dẫn tới giảm lợi nhuận.
Do đó, sau những phản hồi của các chuyên gia và DN, Bộ Công Thương nhận thấy, việc dán tem có thể khiến DN phát sinh chi phí, phát sinh thủ tục. Vì vậy, Bộ không xem xét phương án dán tem bia như đề xuất.
Bộ cũng cho biết đề xuất dán tem bia đã có từ lâu, Bộ đã có quyết định dừng, “không hiểu sao lại có thông tin như gần đây”.
Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất bia ở Việt Nam đã trở thành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp 2,7% cho ngân sách Nhà nước hàng năm. Với 119 cơ sở sản xuất, sản lượng trung bình đạt 20-25 triệu lít/năm/cơ sở. Tổng sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỷ lít bia, tổng nộp ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường bia đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý với hoạt động sản xuất kinh doanh, như thiếu thông tin chính xác về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp liên kết với quy mô lớn, tình trạng nhập lậu, bia giả, gian lận thương mại, thất thu thuế…...
“Tuy không có số liệu chính xác, nhưng theo tính toán của các chuyên gia, thì chênh lệch giữa sản lượng bia khai báo nộp thuế với sản lượng thực tế lên tới 7-10%. Nếu tạm tính theo tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2016 từ sản phẩm bia là 30.000 tỷ đồng thì số tiền thất thu thuế từ 2.100 - 3.000 tỷ đồng”, Bộ Công Thương tính toán. Do đó, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu các giải pháp khác, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và DN.
Thy Hằng